Doanh nghiệp chuyển đổi số

VĂN SANH 17/01/2022 08:15

Áp dụng chuyển đổi số dựa theo mô hình kinh doanh đã và đang thúc đẩy nhiều doanh nghiệp Quảng Nam phát triển sản xuất, kinh doanh linh hoạt, thích ứng, an toàn với dịch Covid-19.

Phòng điều khiển trung tâm nhà máy thủy điện Sông Bung 2. Ảnh: T.L
Phòng điều khiển trung tâm nhà máy thủy điện Sông Bung 2. Ảnh: T.L

Nhắc đến chuyển đổi số (CĐS) và điều hành thông minh thì Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam (QNAWCO) là một trong những doanh nghiệp tiên phong trên địa bàn Quảng Nam.

Năm 2020, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mưa bão liên tục, QNAWCO vẫn kiên trì đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng hai nhà máy nước lớn. Đó là nhà máy nước Điện Nam - Điện Ngọc có công suất 20.000m3/ngày đêm và nhà máy nước Tam Hiệp công suất 20.000m3/ngày đêm, tổng nguồn vốn đầu tư 688 tỷ đồng từ vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Theo lãnh đạo QNAWACO, hướng tới khách hàng để phát triển bền vững là mục tiêu của công ty. Từ năm 2017, QNAWACO đã thành lập Trung tâm chăm sóc khách hàng (Tổng đài 1900 1552), cung cấp thông tin hỗ trợ bình quân cho 50 - 60 khách hàng/ngày.

Trong năm 2021, QNAWACO bước đầu áp dụng CĐS trong lĩnh vực cấp nước và điều hành văn phòng, thay đổi hình thức thông báo tiền sử dụng nước của khách hàng, ghi thu hóa đơn tiền nước bằng smart phone, lắp đặt tăng thêm 6.000 đồng hồ nước và trên 143km đường ống trải khắp các đô thị, ven biển Quảng Nam.

Kết quả, đến nay QNAWACO đang quản lý, khai thác sử dụng 12 nhà máy nước trên địa bàn tỉnh với tổng công suất 113.500m3/ngày đêm, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch cả tỉnh năm 2021 với đô thị: 80%, nông thôn: 50%.

Đối với Công ty Thủy điện Sông Bung, quá trình CĐS được triển khai bám sát định hướng Đề án tổng thể CĐS của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Công ty Thủy điện Sông Bung quản lý, vận hành hai nhà máy thủy điện có tổng công suất 256MV ở huyện Nam Giang.

Với mục tiêu đặt ra là từ nguồn dữ liệu tin học hóa, CĐS phải giúp công ty ra quyết định nhanh chóng, chính xác, mang lại kết quả thiết thực nhờ tối ưu hóa năng suất làm việc của người lao động, giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất. Theo đó, công ty chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tập trung phổ biến kiến thức CĐS thông qua đào tạo.

Tiếp tục công tác truyền thông, tuyên truyền CĐS thông qua trang website công ty (www.songbunghpc.vn) hoặc chia sẻ dữ liệu theo nhóm; thành lập nhóm chức năng CĐS để theo dõi, đánh giá, đề xuất giải pháp kịp thời, đảm bảo CĐS vận hành đúng hướng.

Cải tiến quy trình bằng cách lập dữ liệu trên PMIS, xây dựng phương pháp đánh giá đảm bảo dữ liệu đầy đủ và sử dụng được khi CĐS; đẩy nhanh việc số hóa các quy trình, nghiệp vụ nhằm tiết kiệm thời gian, sức lao động cho lực lượng vận hành, sửa chữa. Đổi mới công nghệ như đánh giá, lựa chọn các sáng kiến về công nghệ phù hợp...

Ông Lê Đình Bản - Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung cho hay: “Thực tế, nhờ áp dụng CĐS số mà kết thúc ngày 13.11. 2021 Công ty Thủy điện Sông Bung đã sản xuất sản lượng điện đạt 809,14 triệu kWh, cán đích sớm 48 ngày và vượt 2,14 triệu kWh so với chỉ tiêu của Tổng Công ty Phát điện 2 giao năm 2021.

Từ kết quả này, chúng ta có quyền kỳ vọng về sự thành công của hành trình CĐS của các doanh nghiệp Quảng Nam khi được định hướng thực hiện theo hành trình nhân lực, quy trình và công nghệ trong tương lai gần”.

VĂN SANH