Giữ hương vị chả Vĩnh Điện
Sau nhiều năm bôn ba mưu sinh, ông Lê Văn Thành (quê Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) quyết định về quê theo nghề làm chả gia truyền.
Ông Lê Văn Thành bộc bạch: “Từ nhỏ sống với ngoại tôi đã thấy bà làm chả, rồi truyền lại cho mẹ tôi và mấy dì. Cũng mấy chị em của mẹ sau này chia ra thành nhiều cơ sở làm chả và cùng nhau gầy dựng nên tiếng thơm chả Vĩnh Điện.
Ký ức tuổi thơ tôi là tiếng giã chày quệt chả của bà, của mẹ... Tôi tiếp nối nghề để mưu sinh, cũng là giữ hương vị và giữ tiếng thơm chả Vĩnh Điện có công sức đóng góp của mẹ tôi”.
Mẹ tôi luôn dặn rằng mình làm sản phẩm cho người ta ăn thì chất lượng phải là điều nghĩ tới đầu tiên, chỉ cần mình đặt cái tâm vào cây chả thì đi đâu cũng có đất sống...
Hỏi ra mới biết, trước đây chỉ có chị em của ông Thành theo nghề làm chả, còn ông bôn ba mưu sinh khắp nơi. Sau này vì nhiều lý do khác nhau, chị em của ông Thành lần lượt bỏ nghề.
Sợ nghề gia truyền bị bỏ quên, ông quyết định về quê mở lò làm chả. Nhà cha mẹ ở Vĩnh Điện, nhưng để thuận tiện cho sản xuất, ông Thành vào Hương An, Quế Sơn mở cơ sở và vẫn giữ thương hiệu chả Vĩnh Điện. Tính đến nay cơ sở làm chả của ông Thành đã mở được 15 năm.
Trước đây, mỗi ngày cơ sở của ông Thành cho ra thị trường khoảng 2.000 cây chả heo, 5 - 7kg chả bò. Riêng vào dịp tết số lượng bán ra gấp 10 lần, chủ yếu khách mua làm quà tặng, vì chả các nơi không có vị như chả Vĩnh Điện. Ông Thành chia sẻ, hai năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sản lượng tiêu thụ có sụt giảm, song gia đình ông vẫn quyết giữ nghề.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên liệu thịt bò, thịt heo tại cơ sở làm chả của ông Thành được hợp đồng cung ứng tại lò mổ tập trung do UBND huyện Quế Sơn quản lý, đều được đóng dấu xuất xứ, chất lượng.
Nói về yếu tố quyết định đến độ ngon của chả, ông Thành chia sẻ: “Một cây chả ngon, trước tiên nguyên liệu đầu vào phải chất lượng, miếng thịt khi lấy về phải được sơ chế và xay ngay khi còn nóng để tăng độ dẻo và thơm. Thứ hai là công thức tẩm ướp mà bà và mẹ truyền lại, nói không với hàn the. Có như thế khi ăn mới cảm nhận được độ giòn, dai và hương vị đặc trưng của chả Vĩnh Điện”.
Bán quán ăn tại thị trấn Hương An, huyện Quế Sơn, chị Trần Thị Phượng cho hay lâu nay vẫn lấy chả ở cơ sở ông Thành vì đảm bảo chất lượng, khách của quán đều khen ngon.
Ông Thành cũng thường nhắc, do chả không sử dụng hóa chất nên chỉ có thể bảo quản khoảng 2 ngày ở nhiệt độ thường, quá hạn phải tiêu hủy. Phải giữ đúng nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo an toàn cho thực khách.
“Những ngày đầu tôi theo nghề, mẹ luôn dặn rằng mình làm sản phẩm cho người ta ăn thì chất lượng phải là điều nghĩ tới đầu tiên, chỉ cần mình đặt cái tâm vào cây chả thì đi đâu cũng có đất sống. Lời dặn đó của mẹ luôn là “kim chỉ nam” cho tôi suốt mười mấy năm làm nghề và chắc chắn trong tương lai vẫn thế” - ông Thành thổ lộ.
Niềm vui của ông Thành là con trai ông đang theo nghề để tiếp tục giữ hương vị gia truyền, giữ danh tiếng chả Vĩnh Điện do ông bà gầy dựng nên.