Điều chỉnh chủ trương đầu tư, có thành thông lệ?

Trịnh Dũng 12/01/2022 08:49

UBND tỉnh sẽ trình kỳ họp thứ V, HĐND tỉnh khóa X (khai mạc vào hôm nay 12.1) ra quyết định điều chỉnh chủ trương 3 dự án đầu tư công (2 dự án nhóm B và 1 dự án nhóm C) với tổng vốn “đội” so với quyết định ban đầu hơn 100 tỷ đồng. Liệu điều này có hợp lý, có thể trở thành thông lệ?

Đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn lên quốc lộ 1 (qua ngã ba Cây Cốc) dang dở, có những đoạn hẹp, khó lưu thông. Ảnh: T.D
Đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn lên quốc lộ 1 (qua ngã ba Cây Cốc) dang dở, có những đoạn hẹp, khó lưu thông. Ảnh: T.D

Điều chỉnh tăng vốn đầu tư

Tuyến đường ĐT615 kéo từ đường cứu hộ, cứu nạn đến quốc lộ (QL) 1 bị cắt khúc, nham nhở. Giữa những đoạn tráng nhựa là một đoạn đường đầy bùn đất và cuối cùng gặp một con đường nhỏ rải đầy cấp phối, lách qua nhà dân, hẹp như con hẻm nhỏ, mở lên gặp QL1 tại ngã ba Cây Cốc (Thăng Bình).

Từ ngã ba này, theo QL14E đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, xe cộ lưu thông dày đặc trên mặt đường nhỏ hẹp, quanh co, tầm nhìn hạn chế, thường xuyên xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông.

Hai dự án nhóm B này được đầu tư từ năm 2016, đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. UBND tỉnh quyết định trình HĐND điều chỉnh chủ trương đầu tư. Lý do điều chỉnh được trình là quá trình triển khai dự án, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng thêm do có sự biến động tăng theo thực tế phải chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng (về chế độ chính sách và khối lượng).

Cụ thể, tổng mức đầu tư dự án nối QL1 đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với QL14E là 103 tỷ đồng, thay vì 80 tỷ đồng của dự án đã được duyệt ngày 30.10.2015, tăng 23 tỷ đồng.

Dự án đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn đến QL1 tại ngã ba Cây Cốc sẽ có tổng mức đầu tư 270,3 tỷ đồng so với 193,7 tỷ đồng đã được duyệt ngày 21.7.2017, tăng hơn 76 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 2 dự án điều chỉnh là 2016 - 2022 và 2016 - 2023.

Ông Trần Ngọc Thanh – Phó Giám đốc Sở GTVT (chủ đầu tư) cho hay, trước đây căn cứ theo tổng mức đầu tư được duyệt và quy mô dự án nên kết cấu của tuyến đường cứu hộ, cứu nạn lên ngã ba Cây Cốc chỉ có 1 lớp bê tông nhựa dày 7cm, không có hệ thống chiếu sáng.

Việc bổ sung chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống điện chiếu sáng (đi ngầm một bên đường khoảng 8,3km), bổ sung lớp nhựa dày 5cm (khoảng 6,7km) là cần thiết để bảo đảm an toàn giao thông, đồng bộ về kỹ thuật với các tuyến trong khu vực, phù hợp thực tế thực hiện dự án.

Cũng theo ông Thanh, thời hạn hợp đồng đã hết, nhưng dự án đường nối QL1 đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với QL14E vẫn không có mặt bằng để thi công hoàn chỉnh. Chỉ có thể thi công hoàn thành tất cả các đoạn địa phương đã bàn giao mặt bằng.

Các vị trí chưa bàn giao mặt bằng thì không thể thi công được. Trong khi đó, chi phí giải phóng mặt bằng theo dự án chỉ 18,1 tỷ đồng, nhưng tổng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng thực tế khoảng 41,1 tỷ đồng, cần được điều chỉnh tăng để bảo đảm thủ tục hoàn thiện dự án.

Một dự án đầu tư khác (nhóm C) là trụ sở làm việc Báo Quảng Nam (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh) cũng sẽ được trình điều chỉnh, nâng tổng mức đầu tư lên 9,8 tỷ đồng, tăng 383,7 triệu đồng, so với tổng mức được duyệt ngày 15.7.2020 là 9,45 tỷ đồng.

Không để trở thành thông lệ

Các phương tiện truyền thông vẫn đưa tin dự án này, dự án nọ “đội vốn”. Nhiều công trình, dự án buộc phải điều chỉnh tăng vốn vì nhà thầu thiếu năng lực tài chính, tiến độ thi công “rùa bò”, khâu thẩm định dự án yếu, lập dự toán chưa tính đến các phương án phát sinh hoặc đưa ra quy mô vốn nhỏ để dễ dàng thông qua...

Dự án đội vốn đã trở nên phổ biến. Nếu buộc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, tăng vốn thì khi trình HĐND sẽ khó từ chối phê chuẩn. Bởi nếu bác bỏ thì ít nhất sẽ lãng phí vốn ban đầu đã bỏ ra và “đâm lao phải theo lao” cho dự án hoàn thành. Những dự án xin điều chỉnh chủ trương đầu tư lần này, có rơi vào tình trạng ấy không?

 

Ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh nói sẽ dứt khoát từ chối tăng vốn về xây lắp, còn 3 dự án xin điều chỉnh tăng vốn làn này do bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cho dù xử lý vấn đề này sẽ gây ra chuyện khó khăn trong cân đối nguồn, nhưng đó là chuyện bất khả kháng nên buộc phải chấp nhận, phải duyệt để chủ đầu tư hoàn chỉnh dự án.

Theo thẩm tra của Ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh, gần đây có một số dự án đầu tư xin điều chỉnh, chủ yếu giải phóng mặt bằng. Việc phát sinh chi phí chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng cho thấy các chủ đầu tư đã chưa tính toán đầy đủ chi phí giải phóng mặt bằng, tính toán quỹ đất trước khi trình phê duyệt.

Một khi dự án chậm trễ, kéo dài sẽ gây nên tình trạng đội vốn, tăng tổng mức đầu tư là điều khó tránh khỏi. Điều này sẽ giảm hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến sự phát triển xã hội và giảm luôn niềm tin của người dân vào tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.

Việc xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đặt các đại biểu HĐND vào tình trạng “bấm bụng” thông qua là điều bất ổn. Không nên để tình trạng này trở thành thông lệ. Cần có cách tiếp cận mới các khoản đầu tư công, đặt ra các quy định mức trần đội vốn tùy theo tính chất từng dự án và quy trách nhiệm cụ thể cho các chủ đầu tư...

“Hạn chế đến mức thấp nhất chuyện điều chỉnh chủ trương đầu tư, tăng vốn. Sẽ phải cần đến giải pháp cụ thể. Khi lập dự toán cần tính toán đúng, sát thực tế chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của từng dự án trước khi trình duyệt. Chủ đầu tư cần cam kết đúng tiến độ, thời gian hoàn tất giải phóng mặt bằng” – ông Đức nói.

Trịnh Dũng