Việt Nam sẽ là trung tâm khởi nghiệp tiếp theo của châu Á
(QNO) - Bất chấp khó khăn do đại dịch Covid-19 toàn cầu, khởi nghiệp (start-up) Việt vẫn thu hút mạnh vốn trong năm 2021.
Tạp chí tài chính kinh doanh Bloomberg trích dẫn phát biểu của ông Bình Trần - đồng sáng lập và điều hành Quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups Vietnam và Ascend Vietnam Ventures rằng, lĩnh vực khởi nghiệp non trẻ của Việt Nam đang trên đà trở thành trung tâm công nghệ tiếp theo của khu vực châu Á.
Năm 2021, quỹ đầu tư mạo hiểm cho các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, tăng từ 48 triệu USD vào năm 2017. Khởi nghiệp Việt sớm chứng kiến sự trưởng thành và tăng trưởng vượt bậc để trở thành một trung tâm rất quan trọng của khu vực.
Theo nghiên cứu từ Google, Temasek Holdings Pte và Bain & Co., Việt Nam được dự báo sẽ có nền kinh tế kỹ thuật số lớn thứ hai ở Đông Nam Á vào năm 2030.
Trang công nghệ techwireasia cho biết, Việt Nam đang thúc đẩy chiến lược tận dụng lợi thế của công nghệ kỹ thuật số và thông minh để phát triển khu vực khởi nghiệp của đất nước và có sự hỗ trợ tương thích.
Kể từ năm 2017, Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp cạnh tranh chặt chẽ với các khởi nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Đến năm 2020, khởi nghiệp Việt có thể sánh ngang với Indonesia với tư cách là thị trường tăng trưởng của Đông Nam Á về đầu tư công nghệ.
Dù nửa đầu năm 2020 chứng kiến số lượng giao dịch giảm 22% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do tác động kinh tế của Covid-19, việc huy động vốn của các công ty khởi nghiệp Việt Nam có dấu hiệu phục hồi từ nửa cuối năm đó, đặc biệt trong lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính), thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo...
Những xu hướng này phản ánh tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong nền kinh tế số của Việt Nam và khả năng nắm bắt cơ hội thị trường của các công ty khởi nghiệp Việt.
Để khuyến khích tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, Chính phủ Việt Nam thành lập một số quỹ ở cấp nhà nước, tỉnh và thành phố để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ cũng phối hợp với các quốc gia và ngân hàng để phát triển các chương trình tài trợ và đổi mới, cung cấp các khoản vay, đào tạo kỹ thuật và cố vấn kinh doanh.
Ví như vào tháng 10.2020, Việt Nam phát động chương trình nhằm thúc đẩy thành lập các công ty khởi nghiệp, thúc đẩy sự đổi mới của đất nước, khai thác các cơ hội mới, thúc đẩy năng suất và việc làm.
Một điểm thu hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các công ty muốn thành lập hoạt động tại Việt Nam là các ưu đãi thuế hấp dẫn mà Chính phủ Việt Nam đưa ra.
Chẳng hạn như Việt Nam ưu tiên và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin. Các công ty công nghệ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm 15 năm thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 10%, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp năm và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo...