Quê nhà... là đây!

XUÂN HIỀN - VINH ANH 09/01/2022 08:17

Quảng Nam vừa tròn 25 năm tái lập tỉnh, thì cũng vừa đúng quãng thời gian Đại tá Hoàng Văn Mẫn gắn bó đất này, chọn là quê hương thứ hai để gắn bó.

Đại tá Hoàng Văn Mẫn - người được bà con vùng cao xem như đứa con của làng. Ảnh: HỒNG ANH
Đại tá Hoàng Văn Mẫn - người được bà con vùng cao xem như đứa con của làng. Ảnh: HỒNG ANH

Không sinh ra trên đất Quảng, nhưng Đại tá Hoàng Văn Mẫn gắn bó với xứ Quảng và lựa chọn Quảng Nam là quê nhà... của con cái mình. Trong câu chuyện chúng tôi gom góp về những người quê xứ khác chọn Quảng Nam làm quê nhà của hiện tại, với Đại tá Hoàng Văn Mẫn, trong đáy mắt ông, lúc nào cũng lấp lánh sự ấm áp và niềm chân thành mỗi khi nhắc về người Quảng Nam.

Theo dấu chân cha

Ngay sau năm 1997 - thời điểm tách tỉnh, Hoàng Văn Mẫn viết đơn xin vào Quảng Nam công tác, sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng.

“Đây là vùng đất ghi dấu ấn của người cha kính yêu của tôi. Thời tuổi trẻ, cha tôi chiến đấu, công tác tại đây. Mong muốn đặt chân lên nơi cha từng yêu quý và kể rất nhiều cho mình, tôi đã không ngại ngần viết đơn xin được vào Quảng Nam công tác” - Đại tá Hoàng Văn Mẫn nói.

Ngoài lý do cá nhân, những dấu ấn lịch sử, văn hóa của xứ Quảng qua từng trang sách mà anh đọc được, đã ít nhiều tác động đến lựa chọn của chàng thanh niên thuở ấy.

Tình cảm của người dân vùng biên trong tôi luôn in đậm. Những ngày công tác ở miền núi là thời gian tôi được sống, làm việc giữa tình thương của nhân dân.

(Đại tá Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam)

Năm 1997, Quảng Nam bộn bề khó khăn sau chia tách. Lúc ấy, các đồn biên phòng tuyến biên giới gần như không có gì ngoài tên gọi. Đơn vị được xem là gần trung tâm thì đi bộ phải mất một ngày đường. Những đơn vị ở xa thì phải đi hai, ba ngày đường mới đến.

“Tôi xung phong lên Đồn Biên phòng Đắc Pring nhận nhiệm vụ. Lúc đó vừa tròn 25 tuổi, tôi nghĩ mình đang sức trẻ, chưa vợ con nên muốn đi đến nơi khó khăn vất vả để rèn luyện” - Đại tá Hoàng Văn Mẫn chia sẻ.

Những gian khó trong năm đầu công tác, từ bệnh sốt rét hoành hành cho đến chuyện ăn ở khiến người lính biên phòng này vẫn còn xúc động khi nhắc lại.

Thời gian ở Đắc Pring cũng là lúc chàng thanh niên Hoàng Văn Mẫn biết như thế nào là sốt rét rừng. Năm 1998, Quảng Nam bùng phát dịch bệnh sốt rét đầu tiên ở huyện miền núi Nam Giang và Đắc Pring là một trong những nơi gặp dịch khốc liệt nhất.

“Năm đó, xuống bản nhà nào cũng la liệt người sốt, ở đồn cũng vậy. May mắn sao chỉ mình tôi không bị sốt, tiếp tục động viên, chăm sóc anh em biên phòng khỏe để còn đến giúp dân” - Đại tá Mẫn nhớ lại.

Sau Đắc Pring, Hoàng Văn Mẫn đi học và trở về tiếp tục nhận nhiệm vụ công tác tại tuyến biên giới Tây Giang.

“Tình cảm của người dân vùng biên trong tôi luôn in đậm. Những ngày công tác ở miền núi là thời gian tôi được sống, làm việc giữa tình thương của nhân dân. Ngày đó, tôi thân thuộc từng nóc nhà, tên từng người già, trẻ con. Đến chừ, nhiều lần lên công tác lại địa bàn cũ, nhiều người vẫn nhớ và quý mình. Tình cảm ấy cho tôi thấy rằng “càng ở nơi khó khăn gian khổ thì tình người càng sâu nặng” - Đại tá Mẫn bộc bạch.

Và bà con miền núi thì xem Hoàng Văn Mẫn như người con của làng. Họ nhớ đến người lính áo xanh dong dỏng cao với chiếc ba lô từ miền xuôi lên lúc nào cũng đầy ắp bánh kẹo, đồ ấm cho trẻ con. Họ nhớ cả giọng nói, giọng hát của người lính biên phòng lúc nào cũng cười tươi với đồng bào mình.

“Quy định của cấp trên thì “ai có 20 năm công tác ở địa phương đó thì được coi là người địa phương”, nhưng bản thân tôi thấy mình đã được công nhận là “người địa phương” từ ngày đầu bước chân vào đây” - Đại tá Hoàng Văn Mẫn cười nói.

 Cầu nối Thanh - Quảng

Bây giờ, cùng với công tác chuyên môn, ông là Phó Trưởng ban Liên lạc Hội đồng hương Thanh Hóa tại Quảng Nam. “Một tiếng mô nối quê mình Thanh Quảng/ Tình nghĩa hai ta như sông Mã - Thu Bồn/ Rượu Hồng Đào chưa một lần say nhớ/ Bởi đất lành nên về với nhau thôi”… câu hát người đàn ông này ngân nga trong câu chuyện chiều cuối tuần, đúng như mạch cầu nối mà ông là người gắn kết.

 

Với Đại tá Hoàng Văn Mẫn, được công tác tại cơ quan Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam là may mắn, vì được theo dõi, tham dự nhiều chương trình, hoạt động kết nghĩa giữa 2 địa phương Quảng Nam - Thanh Hóa.

Đại tá Mẫn cho biết, ít có địa phương nào duy trì và phát triển được mối quan hệ kết nghĩa bền chặt, gắn bó như Quảng Nam - Thanh Hóa. Vui hơn khi bản thân ông là một phần trong cầu nối hữu nghị, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai tỉnh. Năm 1998, Hội đồng hương Thanh Hóa tại Quảng Nam được thành lập. Những câu chuyện tình nghĩa của hai quê xứ cũng từ đây được bền chặt hơn.

“Từ chiến tranh cho tới tận bây giờ, Quảng Nam và Thanh Hóa có mối quan hệ đặc biệt. Chúng tôi là những người đi sau có trách nhiệm tiếp nối truyền thống, để duy trì và gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp đó. Tại Quảng Nam, nhiều người trẻ ở Thanh Hóa sau khi học xong đã tự nguyện vào Quảng Nam làm việc, phấn đấu và cống hiến tốt cho Quảng Nam, như trong lực lượng biên phòng cũng có gần 100 đồng chí quê Thanh Hóa” - Đại tá Mẫn chia sẻ.

Đến với vùng cao từ những ngày đầu tỉnh tái lập, từng chứng kiến những khó khăn, Đại tá Hoàng Văn Mẫn nhận xét rằng nay xứ Quảng khác đi từng ngày, đặc biệt ở những địa phương vùng cao. Những nơi ông đi qua đã thay da đổi thịt, từ điện, đường, trường trạm đến cuộc sống người dân. Mừng nhất là trong sự đổi thay đó có vai trò của Bộ đội Biên phòng, từ tham gia xóa mù chữ, xóa phong tục lạc hậu đến việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng kinh tế…

Gần như người đàn ông này tự mình mang vác lấy trách nhiệm của người ở vai trò kết nối để xây dựng mối quan hệ Quảng Nam - Thanh Hóa ngày càng bền chặt. Và, như lời ông nói, quan trọng hơn là để thế hệ trẻ tiếp nối và gìn giữ truyền thống đó...

XUÂN HIỀN - VINH ANH