Phú Thịnh chờ ngày PHÚ, THỊNH

TRUNG VIỆT 08/01/2022 07:20

Ba giờ chiều. Trước sân bóng đối diện UBND huyện Phú Ninh có mấy đứa trẻ đang chơi. Cùng làm cầu thủ trong sân là mấy… con trâu. Thi sĩ thì bảo đó là khung cảnh thanh bình.

Trung tâm thị trấn Phú Thịnh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Trung tâm thị trấn Phú Thịnh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Còn tôi, lọt giữa ngã đường không bóng người, tất nhiên có thêm chi tiết là ngày nghỉ lễ, và bây giờ nhìn đàn trâu nhẩn nha gặm cỏ, nghiêng sừng nhìn bóng lăn, lại nhớ Tam Kỳ lúc mới chia tỉnh.

Một lần họp ở UBND tỉnh, lúc đó  đang có dịch SARS, nguy cơ lây nhiễm từ động vật sang người, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả nhắc nhở lãnh đạo Tam Kỳ, là đề nghị bà con không chăn thả trâu bò chạy lung tung trước ủy ban…

1. Vắng ngắt. Tôi đứng ngay vòng xoay trung tâm hành chính Phú Ninh (tại thị trấn Phú Thịnh), sao thấy y hệt buổi chiều nào đó cũng như bao chiều ở trung tâm xã A Tiêng - trung tâm huyện lỵ Tây Giang.

Đường Phan Châu Trinh là con đường lớn nhất ở Phú Thịnh hiện chừ, một bên là nhà dân, ruộng, bên kia là đồi. Khoảng cách khi đặt cạnh những hàng xóm đông đúc như Phú Thịnh và Tam Kỳ, khác xa A Tiêng và Đà Nẵng, nhưng cảm giác lợn cợn miết. Hơn 10 năm rồi chứ có ít chi đâu…

Nhìn lên bản đồ của tỉnh, Phú Ninh như đứa con nằm giữa. Dân gian hay nói nằm giữa không lo đắp mền. “Không đúng” - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh Vũ Văn Thẩm phản biện ngay - “Phú Thịnh đó, ấm chi? Mình nằm giữa, vùng đồng bằng, dưới biển kéo thiệt mạnh, là mình lòi chân tay liền; hoặc mấy huyện trên kéo mạnh, ở dưới xuống nống mạnh lên, mình cũng trống trơn”.

“Con giữa, mi ra răng kệ mi, chủ yếu đứa đầu và út….” - tôi nói. “Ừ, tư duy kiểu đó không phải là phổ biến, nhưng nó đang tồn tại trong cái nhìn về sự quan tâm của cấp trên với địa phương”.

Tôi mang câu hỏi, là ở sát nách Tam Kỳ, chạy xe cái ù là tới, vậy bây giờ Phú Thịnh ra sao? Thói thường, người ta hay nhìn lại mình, chính mình trong so đọ phát triển, rằng so với hồi đó, mình chừ khác xa!

Không sai, nhưng xin thưa, khi nào còn ngó lại phía sau, thì anh còn tụt hậu. Hơn 10 năm thành thị trấn huyện lỵ, sát cạnh hàng xóm ồn ào tỉnh lỵ, Phú Thịnh và Tam Kỳ tác động hỗ tương ra sao?

Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thịnh Huỳnh Ngọc Lâm nói rằng hạ tầng được đầu tư nhiều, nhưng ở đây rất khó, chưa đồng bộ được, dù rằng đã định hình một số khu dân cư, trường trạm khang trang; chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh nhưng còn nhỏ lẻ, tổng doanh thu trên lĩnh vực thương mại dịch vụ trung bình mỗi năm được chừng 300 tỷ đồng.

Vậy điều kỳ vọng nhất ở đây là gì? “Cụm công nghiệp” - ông Lâm nói - “hiện có 2 doanh nghiệp may hoạt động với gần 1.000 công nhân. Thị trấn cũng đang thu hút 4 - 5 doanh nghiệp ở lĩnh vực may mặc, xe đạp điện, lắp ráp nhà xưởng…. Địa phương đang triển khai giao 30ha đất để doanh nghiệp xúc tiến hạ tầng, các công trình dân sinh, thương mại dịch vụ. Hơn 10 năm, lao động nông nghiệp còn dưới 7%”.

Điểm nghẽn phát triển ở đây là gì? “Đầu tư hạ tầng” - ông Vũ Văn Thẩm nói - “chỉ khớp nối mấy đường lớn khu trung tâm, cây xanh thì không có, người thì ít. Huyện đã làm được một việc quan trọng là xây trường THPT ở thị trấn với 700 học sinh. Có học trò cấp 3 thì mới kéo theo hoạt động dân sinh cho đông vui, tạo lực đẩy vô hình cho việc phát triển dân trí, là cơ sở phát triển nhiều thứ.

Thực tế cho thấy, chỗ nào có trường học lớn, chỗ đó sôi động. Giáo viên THPT hiện nay có gần 40 thầy cô. Muốn giữ chân họ lại đây, làm nhà cửa, định cư lâu dài, huyện sẽ tạo chính sách cho giáo viên, là các khu dân cư khi quy hoạch, huyện sẽ mua lại một ít, bán ưu đãi cho giáo viên. Có vậy họ mới yên tâm ở đây. Đến đây mà không ở, thì không bao giờ Phú Thịnh đi lên được”.

Ông Lâm nói thêm rằng, trong quy hoạch đến 2030, khung đầu tư hạ  tầng cho Phú Thịnh là 330 tỷ đồng, ngoài ra hàng năm huyện và thị trấn cũng bỏ vốn ra đầu tư, nhưng đó cũng chỉ là con số từ tỉnh, chứ thực tế quy hoạch theo hồ sơ là chưa có. “Không đầu tư hạ tầng, thì khó thu hút đầu tư và dân cư, khi tỷ lệ dân số của Phú Thịnh bây giờ đang thấp, chỉ có hơn 5.000 nhân khẩu” - ông Lâm nói.

2. Đất còn mênh mông. Xuất phát điểm của Phú Thịnh ngày trước là Tam Vinh gian khó. Khó trăm bề. Lãnh đạo địa phương đều nói, bên cạnh thiếu tiền, vốn, thì chuyển biến ý thức từ thói quen làm việc, sinh sống tư duy thuần nông sang đô thị là hòn đá tảng cản đường, ngay cả chuyện dùng nước máy, ban đầu 600 hộ đăng ký nhưng sau đó một nửa bỏ cuộc vì không thích.

Ông Vũ Văn Thẩm kể lúc ông mới về nhậm chức, ngay tượng đài Ao Lầy, một  bên là tượng, một bên là chuồng trâu và cây rơm, ngó chướng con mắt kinh khủng mà bao nhiêu năm không giải tỏa đi.

Cảnh nửa phố nửa quê ở trung tâm Phú Thịnh. Ảnh: T.V
Cảnh nửa phố nửa quê ở trung tâm Phú Thịnh. Ảnh: T.V

Đường tắt, người ít, vì lấy đâu ra sinh khí phát triển, cho nên ông Huỳnh Ngọc Lâm nói rằng nhiều nhà đầu tư đến rồi ra đi, vì họ không nhìn thấy cơ hội phát triển. Phú Thịnh chỉ mới  khớp nối đường đi Tam Vinh - Tam Đàn - Tam Phước -Tam Thái - Tam Dân. Lỗi ở mình, nhưng mình cố gắng hết sức mà không lên nổi thì cấp trên phải giúp thôi.

Quay lại với câu hỏi ban đầu, là ở sát Tam Kỳ, lực ma sát qua lại ra sao, ông Lâm cười rằng, chỉ có trên này làm ra tiền, mang xuống Tam Kỳ tiêu chứ Tam Kỳ có ai lên đây tiêu tiền.  Không nhà hàng, khách sạn, siêu thị. Một khi dịch vụ lớn không có, thì đừng mong sôi động.

“Cách duy nhất là phát triển công nghiệp, đầu tư hạ tầng đàng hoàng” - ông Vũ Văn Thẩm nói – “dân cư đông là tất có nhu cầu, huyện nỗ lực nhưng  nghèo thì tỉnh phải hỗ trợ, cũng làm cho dân hết chứ cho ai”. “Phú Ninh gọi là núi cũng được, xuôi cũng được, cho nên núi không ra núi, đồng bằng không ra đồng bằng” - tôi nói. Ông Thẩm gật, nói: “Điều cần duy nhất là tư duy nhìn sát thực tế địa phương để quan tâm thúc đẩy phát triển”.

Ở sát hàng xóm mà họ càng ngày càng đi lên, mình thì ì ạch, thì trách mình trước, ngó qua họ và đặt câu hỏi tại sao, chứ khoan so bì rồi mặc cảm, thở dài. Sự đột phá về tư duy là cần kíp. Chuyện trình độ, ý  thức này nọ của cán bộ, không ai rành bằng chính người ở đó, cái chính là có làm hết mình hay không, để khi mình không làm nữa thì cũng bằng lòng là mình đã đi hết một đoạn đường. Ở xa xôi, khó khăn như các huyện vùng biên giới, phấn đấu leo bậc thang đô thị là khó, nhưng không lẽ ở đây, cũng như người ta, khi Phú Thịnh mới là đô thị loại 5?

Ở Phú Ninh, có một vùng rất phát triển, là Tam Dân, nhất là dân vùng chợ Cây Sanh, bán buôn từ rất lâu rồi, nếu hồi đó đặt trung tâm huyện ở đây thì thực hiện những cú nhảy vọt kinh tế - xã hội quá dễ.

Nhưng tôi nghĩ rằng đưa về  Phú Thịnh cũng là cơ may, bởi tạo động lực cho các xã nghèo có cơ hội đổi đời, và dù là đi sau trong phát triển, nhưng cơ hội không thiếu, bởi vùng trung tâm bao giờ cũng là chỗ trũng của đầu tư, phát triển, vực được nó dậy, 5 - 10 năm sau, nó sẽ thật sự khác đi, khác từ trong ruột khác ra.

Có một người ở đây nói ban đêm lại chỗ đồi gần huyện có quán nhậu hay lắm. Hẳn họ đang mơ về một giấc mơ thị dân. Nhưng giấc mơ thị dân đâu có dễ, phải chờ đến nhiều thế hệ, nhưng không thay đổi từ từ thì nó không bao giờ đến. Khi đời sống chuyển mình, thì buộc ta phải chạy theo, thì đó, sống trạng thái bình thường mới, chuyển đổi số thời dịch này là cơ hội để mình phải khác đi, thích ứng.  

Đúng là Phú Thịnh bây giờ gần giống Tam Kỳ hồi mới chia tỉnh, chiều thứ Sáu đến chiều Chủ nhật, vắng tanh. Thì biết làm sao, nhưng nếu quyết liệt thay đổi chính mình, thì giấc mơ PHÚ và THỊNH sẽ đến.

Hộ nghèo và cận nghèo của thị trấn đang ở con số 1,87% khi hộ khẩu tất cả là 1.200 hộ. Giá đất ở đây đang lên, ngay trung tâm, 100m2 đã là 2 tỷ đồng, đất khu dân cư cũng vọt lên 4 lần khi 1 sào từ 150 triệu nhảy lên 750 triệu đồng. Nói chi thì nói, đất có giá, người ta đến mua và làm lụng, thì sẽ đổi thay… Không biết hồi đó ai đặt tên Phú Thịnh cho thị trấn này? Tôi cười trong bụng, cái danh quả là hư thực vô chừng…

TRUNG VIỆT