25 năm, phù sa trên "đất mở"...
Bằng quãng thời gian một thế hệ sinh ra và trưởng thành - 25 năm tái lập tỉnh, vùng “đất mở” Quảng Nam được bồi đắp phù sa mà đời người khó thể quên…
1. Hồi ức 1997 vương đâu đây chút tâm trạng của những người từng đi xây tỉnh mới. Nghe vọng lời Bí thư Tỉnh ủy Mai Thúc Lân lúc ấy trại câu thơ Chinh phụ ngâm mà rằng “Đường Đà Thành lung linh ánh điện/ Phố Tam Kỳ mù mịt cát bay!”…
Trong mờ mịt khói sương kỷ niệm, anh em làm báo Quảng Nam sẽ khó quên ngày ra số báo đầu tiên sau khi tỉnh tái lập: 4.1.1997. Và trong 25 năm đã ra được 6.233 số báo - sản lượng nhiều gấp đôi so với giai đoạn trước (1975-1996), nay qua hơn hai con giáp, ngày 5.1.2022 ra số báo 6.234 (bộ mới).
“Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Quảng Nam”, hòa trong những “tiếng nói” khác của vùng đất con người, đã in dấu thời gian đủ để những chàng trai, cô gái sinh ra, lớn lên ở Tam Kỳ giờ đi tiếp mạch nguồn nhiều thế hệ đã tạo dựng.
“Nhân Kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam, tôi giao cho tỉnh Quảng Nam một “đề bài” là chúng ta phải có chiến lược đưa danh xưng này trở thành thương hiệu thu hút nhà đầu tư và du khách bốn phương”.
(Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc)
Không còn cảnh mù mịt cát bay mà giờ đây Tam Kỳ đã là phố xá đầy ánh điện sáng và nhiều khu thương mại đông đúc đêm ngày. Không còn đoạn bờ sông lau sậy um tùm gần chợ cá kéo ra quán cá hấp, quán rượu tù mù đêm ễnh ương.
Không còn cả làng giương lên tấm bảng loằng ngoằng bán cháo lòng An Thổ. Không còn đi qua những con đường đất đầy ổ gà ổ voi tìm vườn hoa lài. Không còn vành đai làng mà cảnh sống có vô số cái không “dưới chân quầng sáng tháp truyền hình”…
Cuốn trong dòng đi mải miết, phố xá đã tinh tươm hơn. Người làm báo chí hay văn nghệ sĩ không dễ hớn hở với bản báo cáo thành tích nào nhưng cũng kịp ghi cho mình những gì đổi khác, rất khác của một nơi chốn. Ở đó, có tình duyên đơm hoa kết trái, có tổ ấm được dựng xây. Ở đó, có buồn vui dầu dãi, có trải nghiệm phù sa với người đi qua và người ở lại.
2. Bước vào năm 2022, tròn kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh ngay sau dịp đi qua dấu mốc lịch sử 550 năm danh xưng Quảng Nam, xứ sở này sẽ mang thêm những khao khát mới về tương lai.
Chỉ so sánh về thu ngân sách, năm 1997 khoảng 130 tỷ đồng, năm 2021 đã lên 23,77 nghìn tỷ đồng, và quy mô nền kinh tế đã lớn lên cả trăm nghìn tỷ đồng, sẽ thấy cả “dòng sông đầu tư” đã bồi đắp cho vùng đất con người Quảng Nam mỗi ngày một nhiều thêm.
Sẽ không thể nào quên dấu ấn từ Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), tiếp tục mở ra cả vùng động lực kinh tế phía bắc tỉnh, giải quyết hàng chục nghìn lao động có công ăn việc làm.
Sẽ không thể phủ nhận thành quả công nghiệp hóa khi từ phía nam cát trắng ngút ngàn đã dựng lên Khu kinh tế mở Chu Lai, từ Trường Hải trài dần ra Bắc Tam Hiệp, Tam Anh đến Tam Thăng,… rồi cảng hàng không, cảng biển, biến thành vùng động lực thu hút đầu tư, các dự án lớn. Khu kinh tế mở Chu Lai đã đóng góp 65% tổng thu ngân sách tỉnh, trong đó phần nổi bật là THACO.
Phù sa dưỡng nuôi vùng đất không chỉ là đồng tiền bát gạo mà còn có văn hóa. Dù gian khó buổi đầu nhưng Quảng Nam đã kịp làm hồ sơ tôn vinh Di sản văn hóa nhân loại cho Hội An và Mỹ Sơn, từ đó mở ra trục du lịch văn hóa. Nay thì phía đông, phía tây, phía nam, các di tích, thắng cảnh, di sản của tiền nhân để lại được bắt đầu khai phóng cho kỳ vọng mới về điểm đến du lịch sinh thái, du lịch xanh…
Hiện nay, ngoài Hội An, Điện Bàn, trên vùng đông có 12 dự án đầu tư đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí được cấp phép. Nổi bật như Khu du lịch Vinpearl, Hoiana và Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (diện tích 985ha, tổng vốn đăng ký 4 tỷ USD). Nếu không bị Covid quái ác cản trở, có lẽ 3 năm gần đây đủ tưng bừng khơi dậy nhiều hoạt động du lịch cùng mảng dịch vụ.
Thì đành, có quãng nghỉ chân với đoạn “sông có khúc người có lúc”. Nhưng luôn ủ mầm cho tương lai, không ai lại không mơ ước xứ Quảng là mảnh đất mà ai đến rồi sẽ trở lại, “chân bước không đành”, cùng Năm Du lịch quốc gia - 2022.
3. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường đã cô đúc một đánh giá: “Chặng đường 550 năm hình thành và 25 năm xây dựng, phát triển kể từ khi tái lập tỉnh là không dài so với lịch sử hàng ngàn năm của đất nước và dân tộc; nhưng những thành tựu đạt được là hết sức quan trọng, tạo tiền đề vững chắc, là động lực to lớn để Quảng Nam cùng với các địa phương Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định viết tiếp trang sử hào hùng, tạo nên những kỳ tích của Danh xưng Quảng Nam trong giai đoạn mới”.
Đó không chỉ là nhìn nhận mà ôm cả khát vọng liên kết rộng mở, không chỉ cho Quảng Nam mà còn cả vùng động lực của miền Trung.
Khát vọng là điều cần có cho những nỗ lực phi thường đi lên từ gian khó đến phồn thịnh của một quốc gia hay địa phương. Muốn hiện thực hóa khát vọng ấy phải làm bừng dậy nhiều sức mạnh hội tụ, mà cốt lõi là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Phù sa trên vùng “đất mở” có tiếp tục được bồi đắp hay không chính là nhờ dòng sông tâm thức và tâm trí, với tầm nhìn mở, đổi mới và sáng tạo không ngừng.
Chưa đầy tháng nữa là đón Tết Nhâm Dần, nếu ai có dịp qua miền Thăng Hoa, Hà Đông xưa, có thể thưởng lãm câu đối từng gắn với đình làng Trường Xuân ngày trước: “Trường tồn tôn tử thịnh/ Xuân lai quân dân hưng” (Cháu con thịnh đạt lâu dài/ Nước nhà hưng vượng giữa mùa xuân vui - Lê Đình Cương dịch ý).
Mãi mãi thế, một nguyện ước an lành, phúc hạnh cho đất nước, quê hương!