Nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách bền vững
Thu ngân sách nội địa Quảng Nam năm 2021 vượt dự toán (đến ngày 29.12 đạt 18.300 tỷ đồng, vượt 14% dự toán). Số thu năm 2022 ấn định tăng 8,5% được cho cũng sẽ không có gì khó khăn. Kết quả này không chỉ phản ánh nỗ lực của các cơ quan tài chính mà còn thể hiện năng lực nội sinh của doanh nghiệp, sức khỏe nền kinh tế và sự điều hành linh hoạt của chính quyền. Dù vậy, Quảng Nam vẫn chưa thể tự tin với kế sách nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn, giảm bớt sự phụ thuộc vào một vài ngành, doanh nghiệp, tạo lập nguồn ngân sách bền vững cho tương lai.
GIẢM DẦN PHỤ THUỘC
Ngân sách địa phương luôn thiếu ổn định và phải “dựa dẫm” vào vài doanh nghiệp chủ lực là thực trạng cần nhiều hơn các biện pháp “chung chung” đã từng triển khai.
Phụ thuộc ô tô, bia và thủy điện
Kế hoạch thu ngân sách nội địa hàng năm hay 5 năm đến không có nhiều mới mẻ, khác biệt. Ô tô Trường Hải (78,3% số thu khu vực dân doanh), nhà máy bia Heineken (64,5% số thu khu vực FDI), thủy điện (67,8% khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương) - 3 trụ cột trọng yếu của thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục được lựa chọn làm chủ lực.
Ông Lương Đình Đường – Phó Cục trưởng Cục Thuế nói, việc nuôi dưỡng nguồn thu thông qua tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu. Tận thu hay cố tăng thu bằng mọi cách là điều dễ hiểu vì ngân sách hạn hẹp. Nhưng nếu muốn ngân sách ngày càng nhiều hơn thì biện pháp khác quan trọng không kém là cứu doanh nghiệp, cứu người đóng thuế, các chính sách hỗ trợ phải được ưu tiên thực hiện nhanh nhất. Quản lý nhà nước có giỏi đến mấy mà doanh nghiệp đuối sức hoặc “chết”, không doanh thu, không có thêm năng lực mới thì lấy gì thu ngân sách?
Theo phân tích của Cục Thuế Quảng Nam, ngoại trừ năm 2020 & 2021 bất khả kháng thì 3 năm (2017 - 2019) thu ngân sách nội địa vẫn biến động lớn, thiếu ổn định. Năm 2017 chỉ tăng 3,8%, tăng 33,5% vào năm 2018 và năm 2019 lại “rớt hạng” khi chỉ bằng 99,35% so năm 2018. Khi các nguồn lực này suy giảm, nhất là ô tô, sẽ ảnh hưởng nặng nề ngân sách Quảng Nam. Các ngành kinh tế khác được đánh giá tăng trưởng 21% liên tục nhiều năm vẫn không thể bù đắp vào khoảng trống của Trường Hải để lại.
Ông Ngô Bốn – Cục trưởng Cục Thuế cho hay, thu ngân sách đang phụ thuộc vào ô tô, bia, thủy điện. Ngân sách sẽ tăng thu khi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này thuận lợi, ngược lại sẽ gặp nhiều khó khăn (như năm 2017, 2019 & 2020).
Theo TS.Đỗ Thiên Anh Tuấn (chuyên gia phân tích tài chính của Trường Đại học Fulbright), các khoản thu ngân sách của địa phương chỉ dựa vào một vài ngành, số ít doanh nghiệp nên sẽ rủi ro, không thể bền vững.
Số lượng lớn thuế thu được từ thuế tiêu thụ đặc biệt (ô tô, bia) lại là những khoản thuế đặc thù đánh trên các mặt hàng xa xỉ, nên tính bền vững không cao. Trường Hải đứng trước nguy cơ cạnh tranh, không chỉ riêng doanh nghiệp, mà còn là vấn đề mang tính chiến lược đáng quan ngại cho tính bền vững ngân sách. Quảng Nam sẽ phải đối mặt với những vấn đề lớn. Trường Hải chiếm đến 50% ngân sách. Nếu suy giảm, ai sẽ gánh phần bù đắp?
Tìm lực cân bằng
UBND tỉnh nhận định hiện cơ cấu nguồn thu đã chuyển biến theo hướng tích cực - ít lệ thuộc vào một số sản phẩm chủ lực. Số thu từ ô tô chiếm hơn 70% tổng thu nội địa năm 2015 đã giảm xuống 50% vào năm 2021. Nhưng một sự thật không thể chối cãi vẫn là câu chuyện Trường Hải và phần còn lại.
Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở Tài chính nói chỉ dựa vào sự đóng góp hơb 50% ngân sách địa phương từ một doanh nghiệp sẽ khá rủi ro, làm sao bền vững được. Trường Hải có thể vượt qua khó khăn trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài không biết ra sao. Vài ba năm gần đây đã thấy khó, khi tỷ trọng đóng góp ngân sách từ sản xuất ô tô giảm dần.
“Vấn đề mang tính chiến lược, không chỉ trên phương diện bền vững của ngân sách mà còn đối với sự bền vững của tăng trưởng, việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Quảng Nam trong những thập niên tới. Sẽ cần sự thay đổi” – ông Phong nói.
Theo tính toán của chính quyền Quảng Nam, tạo ra sự bền vững nguồn thu thì phải có những nguồn lực khác ngoài Trường Hải, có thêm năng lực mới mạnh mẽ hơn. Có thể khi dịch bệnh hạ nhiệt, hàng loạt năng lực mới sẽ hoạt động. Nam Hội An sẽ góp ít nhất 2.000 tỷ đồng như dự kiến ban đầu, thay vì mỗi năm chỉ vài chục tỷ đồng như hiện tại.
Sẽ có ít nhất 17 dự án công nghiệp trong các khu kinh tế, hàng trăm dự án đầu tư vùng Đông bị “đứng bánh” nhiều năm sẽ tái khởi động. Tỷ trọng của “phần còn lại” sẽ được nâng lên. Một địa phương hùng cường không còn con đường nào khác là tự mình sản xuất, không phải chỉ gia công, không thể chỉ thương mại hay dịch vụ, lại càng không thể là... buôn bán đất.
Để tìm lực cân bằng, theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, trước hết là khai thác các nguồn thu, chống thất thu lĩnh vực đất đai, khai thác khoáng sản, kinh doanh bất động sản, xăng dầu, vận tải, xây dựng vãng lai.
Theo dõi diễn biến tình hình thu ngân sách hàng tháng, năm, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, sắc thuế, khu vực, nhất là các doanh nghiệp có số thu lớn để kịp thời huy động vào ngân sách kèm theo việc quản lý tốt các nguồn thu phát sinh, nợ đọng thuế.
Mọi cơ chế, chính sách phải hướng đến thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện về thủ tục, đất đai, sớm đưa các dự án hoạt động, khuyến khích khởi nghiệp, thu hút đầu tư. Theo dõi, phân tích tác động cơ chế, chính sách, biến động của doanh nghiệp, thị trường, “bắt bệnh” để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp...
LẠC QUAN GIỮA ĐẠI DỊCH
Năm 2022, thu ngân sách được dự báo có nhiều tín hiệu lạc quan bởi doanh nghiệp đã bắt đầu thích nghi với thị trường, sản xuất kinh doanh sẽ phục hồi nhanh và tăng trưởng trở lại.
Tăng, nhưng không đồng đều
Kế hoạch thu 1.100 tỷ đồng từ nhà máy bia Heineken Quảng Nam trong số 1.695 tỷ đồng của khu vực doanh nghiệp FDI bị “đổ bể”. Ảnh hưởng cạnh tranh mạnh mẽ của thị trường bia, giãn cách xã hội, sự điều tiết về sản lượng sản xuất... là những nguyên nhân khiến số thu ngân sách từ nhà máy này đạt thấp.
Một trong 3 trụ cột thu ngân sách nội địa Quảng Nam (ô tô, thủy điện và bia) bị giảm sút, nhưng số thu ngân sách nội địa Quảng Nam đã tăng lên 109,5%, khoảng 17.519 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu 16.000 tỷ đồng theo kế hoạch.
Điều gì đã đem đến con số bất ngờ khi nền kinh tế địa phương chưa thể thoát khỏi khủng hoảng do đại dịch? Theo phân tích của Sở Tài chính, khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương thu đạt 590 tỷ đồng (126,88%), nhờ thủy điện tích đủ nguồn nước.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 135 tỷ đồng, đạt 100,75% nhờ vào kinh doanh bất động sản của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam. Khu vực dân doanh, ước thu 10.693 tỷ đồng, bằng 110,1%. Thuế thu nhập cá nhân khoảng 698 tỷ đồng, tiền cho thuê đất 459,7 tỷ đồng (153%), tiền sử dụng đất 2040 tỷ đồng (142,7%).
Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở Tài chính nói, không có bất ngờ nào về việc tăng thu ngân sách năm nay bởi các địa phương, cơ quan thuế đã nỗ lực xử lý nợ đọng thuế, chống thất thu tài nguyên, khoáng sản, bất động sản, thuế vãng lai..
Thu ngân sách tăng trong bối cảnh nền kinh tế suy kiệt được xem là thành công. Song, vẫn còn khá nhiều khoảng trống, thiếu đồng đều. Theo thống kê có 4/16 khoản thu không đạt dự toán (bảo vệ môi trường, lệ phí trước bạ, thu phí, lệ phí và doanh nghiệp FDI) và 6 địa phương hụt thu (Duy Xuyên, Hội An, Thăng Bình, Điện Bàn, Phú Ninh và Quế Sơn). Sự gia tăng ngân sách chủ yếu từ tiền sử dụng hay cho thuê đất.
Ô tô Trường Hải nộp ngân sách cao, nhưng là số nộp của tháng 12.2020 chuyển sang (1.300 tỷ đồng), thuế thu nhập cá nhân cũng từ năm 2020 chuyển sang. Khu vực doanh nghiệp địa phương tăng thu không từ năng lực sản xuất, kinh doanh chuyên ngành mà từ các dự án bất động sản...
Có thể lạc quan
Thu ngân sách nội địa năm 2022 đã được ấn định 19.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2021. Không bao gồm tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết thì thu nội địa sẽ khoảng 17.000 tỷ đồng, tăng 10,4%.
Ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, dự toán thu ngân sách khá cao, không dễ đạt được khi nền kinh tế chưa thể hồi phục trước thời tiết bất thường, dịch bệnh khó lường.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phong tin tưởng thu ngân sách năm 2022 không chỉ đạt mà sẽ vượt dự toán. Các cơ quan tài chính đã lường định sát những đổi thay thị trường hay năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Các nguồn thu chính được dự báo là bia Heneiken Việt Nam - Quảng Nam (chiếm 57,8% số thu FDI), sẽ tiêu thụ khoảng 91 triệu lít, thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp đến 866 tỷ đồng, tăng 13,9%. Nam Hội An đã có giao thương, du lịch tốt hơn thông qua “hộ chiếu vắc xin”, sẽ nộp ít nhất 100 tỷ đồng, tăng 17,6%.
Trường Hải không chỉ nộp số tiêu thụ đặc biệt nhiều (ngay từ tháng 1.2021), tập đoàn này đã lấy cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trở thành ngành kinh doanh độc lập, không phụ thuộc vào ô tô, liên kết với các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, dự báo số nộp ngân sách sẽ gia tăng, có thể vượt cả ô tô.
Một khảo sát của Cục Thống kê cho biết sẽ có khoảng 47,6% doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo (động lực chính của thu nộp ngân sách) dự báo sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn. Số doanh nghiệp khó khăn chỉ còn khoảng 20,7%. Khối lượng sản xuất, số lượng đơn đặt hàng cũng có chiều hướng gia tăng.
“Doanh nghiệp đã bắt đầu thích nghi với thị trường khó khăn. Ngoài các biện pháp tăng thu, thu hồi nợ đọng, chống thất thu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, gia tăng thu hút đầu tư là điều đã được tính đến. Tiền sử dụng đất vùng Đông, bất động sản sẽ có cơ hội gia tăng khi hoàn thiện giải phóng mặt bằng..., dự báo thu ngân sách không khó khăn” – ông Phong nói.
KHÓ ĐỊNH LƯỜNG NGUỒN THU DÀI HẠN
Các cơ quan tài chính có thể dự lường được con số thuế thu theo kế hoạch hàng năm, nhưng khó toan tính cho kế hoạch dài hơi, bởi không biết nền kinh tế sẽ diễn biến như thế nào.
"Dò đá qua sông"
Tổng thu nội địa 3 năm (2022 - 2024) dự tính khoảng 60.580 tỷ đồng. Tốc độ tăng thu bình quân chỉ 7,6% (lần lượt 8,5%, 4% và 10%). Theo tính toán của các cơ quan tài chính, ngoại trừ khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương không hoặc ít tăng trưởng, thì các khu vực kinh tế khác tăng trưởng sẽ không nhiều.
Cao nhất, bình quân 16,4%/năm thuộc về FDI, vẫn dựa vào bia, cộng thêm một vài doanh nghiệp sản xuất, phân phối nước giải khát, may mặc, dịch vụ sân golf, từ Nam Hội An.
Khả năng mỗi năm chỉ có thể tăng thêm vài trăm tỷ đồng so với con số ấn định 1.500 tỷ đồng năm 2022. Khu vực kinh tế trọng yếu của địa phương là dân doanh (chiếm hơn 60,7%/tổng thu nội địa), chủ yếu từ Trường Hải (77%), dự báo tăng trưởng không cao, nên chỉ có thể tăng thu bình quân 8,1%/năm. Nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương chủ yếu vẫn dựa vào các nhà máy thủy điện, phụ thuộc... “trời” nên chỉ có thể tăng 4,3%/năm.
Các sắc thuế còn lại như lệ phí trước bạ tăng bình quân 10%/năm, thu nhập cá nhân tăng 6%/năm, thuế môi trường tăng 5,2%/ năm, tiền sử dụng đất sẽ chỉ tăng trưởng 4,8%/năm và lệ phí và phí sẽ tăng 11,9%/năm khi dự báo du lịch sẽ hồi phục, kéo theo lượng khách tham quan gia tăng.
Thống kê trên dễ dàng thấy sự không bền vững về thu ngân sách. Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở Tài chính cho hay, có thể dịch bệnh sẽ được kiểm soát, chương trình “hộ chiếu vắc xin” phổ biến..., nhưng nền kinh tế cũng mới chỉ định dạng dần hồi phục, nên chỉ có thể mong đợi con số tăng bình quân 5%.
Đợi đến năm 2024, mới hy vọng tốc độ tăng trưởng như thời chưa Covid-19. Tăng trưởng ngân sách thực sự mới có thể “bùng nổ” vào năm 2025, khi dòng đầu tư từ không dưới 20 dự án vùng Đông đi vào hoạt động, sẽ có thêm nguồn thu mới. Dự báo số thu ngân sách sẽ tăng cao, bình quân 16%/năm. Theo tính toán, cả giai đoạn 2021 - 2025, thu ngân sách mới tăng trưởng bình quân 10%/năm (theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh).
“Dự lường cho kế hoạch thu ngân sách 3 hay 5 năm rất khó chính xác và cũng không quá quan trọng. Cơ quan tài chính sẽ đánh giá, rà soát các nguồn thu, sắc thuế, phát sinh kinh tế trên địa bàn sát thực tế, xác định dự toán hàng năm bằng các địa chỉ cụ thể để định lượng điều hành ngân sách” - ông Phong nói.
Chờ tín hiệu thị trường
Thương chiến Mỹ - Trung và giữa nhiều nước khác lẫn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được dự báo là thời cơ thu hút nguồn vốn đầu tư FDI. Song, sự dịch chuyển của các nhà đầu tư đến Quảng Nam vẫn “nằm trong vòng cơ hội”.
Không phải ngẫu nhiên các cơ quan tài chính chỉ ước lượng tốc độ ngân sách giảm đến 5% so giai đoạn trước và lũy tiến chậm chạp theo từng năm cho đến hết nhiệm kỳ 5 năm tới, khi “bóng ma Covid” vẫn chực chờ giáng họa.
Ngân sách Quảng Nam bất ổn luôn là vấn đề đặt ra. Mỗi năm chỉ tiêu thu thuế đều gia tăng (ít nhất 10%) nên việc thực hiện rất khó khăn. Nguồn lực chính vẫn phải trông chờ vào từ việc xúc tiến, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Khó có thể xây dựng kế hoạch thu nội địa sát với thực tế.
Trong vòng 3 năm tới không biết sẽ có thêm những chính sách biến động hay giảm thu? Nguồn thu chủ lực của địa phương vẫn không thay đổi, trong khi những dự án mới chưa biết bao giờ khởi phát.
Ông Lê Mai Khắc Hưng – Phó Cục trưởng Cục Thuế nói có thể đã dự lường, xác định dự toán tương đối sát thực tế bằng các địa chỉ cụ thể. Ngành thuế đã sẵn sàng các kịch bản, phương án tăng thu từ các ngành còn dư địa. Tăng, giảm ở đâu sẽ được tính toán cụ thể. Nhưng cũng chỉ là dự báo. Con số chính thức phải chờ vào lực đẩy của thị trường.
Quảng Nam không thể trông chờ vào các khoản thu đột biến. Thu đủ, thu đúng hay tăng thu chỉ có thể trông chờ vào khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Trong khi đó, các chính sách tháo nút thắt, tạo ra của cải, lợi nhuận cho nền kinh tế từ khu vực sản xuất vẫn chưa rõ nét. Các dự án vùng Đông, các khu, cụm công nghiệp hay các dự án động lực dự kiến có thể đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương lên 2 con số và thu ngân sách “kịch trần” vẫn chỉ là viễn cảnh.
Ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh nói, cần những đánh giá rõ hơn về các tác động của sự thay đổi cơ chế, chính sách quan trọng của trung ương và địa phương. Đưa ra biện pháp đốc thu, xác định giải pháp cụ thể với các nguồn thu, linh hoạt nương theo độ phát triển kinh tế địa phương thông qua con đường nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu mới.