Hiệp định RCEP có hiệu lực
(QNO) - Ngày 1.1.2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức đi vào hiệu lực, mở ra một vùng tự do mậu dịch lớn nhất thế giới đến nay, kỳ vọng thúc đẩy kinh tế toàn cầu.
RCEP là một hiệp định thương mại tự do bao gồm 10 nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam và 5 đối tác của ASEAN gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc.
RCEP, một khu vực chiếm khoảng 33,6% hoặc khoảng 26,2 nghìn tỷ USD Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, 30% dân số thế giới (khoảng 2,3 tỷ người) và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu.
Thỏa thuận bao gồm 20 chương, bao gồm các lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, thương mại điện tử và mua sắm chính phủ.
Theo quy định, hiệp định RCEP sẽ tự động có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi đạt được số lượng IOR/A tối thiểu, tức là được 6 quốc gia ASEAN và ít nhất 3 quốc gia ngoài ASEAN phê chuẩn.
Đến này 2.11.2021, có 10 quốc gia phê chuẩn RCEP là Australia, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, New Zealand, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
RCEP sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể được hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường ưu đãi bổ sung với những sản phẩm cụ thể.
Cạnh đó, hiệp định cắt giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.
Hiệp định cũng giảm bớt các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại giữa các quốc gia thành viên, chẳng hạn như thủ tục hải quan và kiểm dịch cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Với các quy tắc thương mại được tối ưu hóa giữa các bên ký kết, thủ tục hợp lý và mở cửa rộng rãi hơn trong các lĩnh vực dịch vụ - thương mại và đầu tư, RECP sẽ mang lại lợi ích cụ thể cho các nước thành viên.
Ví như, Nhật Bản cho biết, hiệp định RCEP tạo ra một làn gió thuận lợi cho xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của nước này, đẩy GDP thực tế của nước này lên khoảng 15 nghìn tỷ yên.
RCEP sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài, góp phần thúc đẩy thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.
Thêm vào đó, hiệp định RCEP tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý góp phần giúp môi trường thương mại công bằng trong khu vực và sẽ là động lực thúc đẩy thương mại góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong cho biết, hiệp định RCEP có hiệu lực là minh chứng cho quyết tâm và cam kết của khu vực trong hội nhập kinh tế sâu rộng hơn trong thời điểm khó khăn.
Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) nhận định, RCEP là “trọng tâm mới” của thương mại thế giới. Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) ước tính, khi RCEP có hiệu lực có thể làm tăng thu nhập toàn cầu lên 186 tỷ USD mỗi năm đến năm 2030, thêm 0,2% vào nền kinh tế của các quốc gia thành viên.