Gìn giữ đa dạng sinh thái biển
Quảng Nam đang xúc tiến thành lập khu bảo tồn biển Tam Hải (Núi Thành) để gìn giữ, phát huy đa dạng sinh thái, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Xã đảo Tam Hải đang sở hữu vùng biển có hơn 90ha rạn san hô với khoảng 100 loài, trong đó phần lớn là san hô gạc nai và san hô khối. Hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải còn có 41 loài rong biển, 168 loài cá, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá hồng, cá mú, tôm hùm.
Đặc biệt, nhiều loài thủy sinh ở xã đảo Tam Hải được các nhà khoa học ghi nhận nhiều hơn ở Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Hội An) - nơi đã hình thành khu bảo tồn biển hơn 10 năm qua.
Suy giảm đa dạng sinh học
Các loài rong biển Tam Hải tạo môi trường sống, bãi đẻ, nơi trú ẩn, nuôi dưỡng con non các loài tôm, cá, cua, ghẹ... Rong biển còn là loại dược liệu nên người dân tận dụng khai thác.
Trước đây, cộng đồng thôn Thuận An ở xã đảo Tam Hải thành lập tổ cộng đồng khai thác rong biển, hoạt động theo mùa vụ, từ ngày 15.5 đến hết tháng 7 với quy định không khai thác non, chỉ được cắt phần thân, chừa lại gốc.
Thế nhưng, hoạt động của tổ cộng đồng ngày càng rời rạc, người dân tùy tiện bứt rong biển theo kiểu được chăng hay chớ. Có thời điểm giá rong biển tăng lên hàng chục nghìn đồng/kg, người dân ở các địa phương khác kéo đến khai thác theo kiểu tận diệt.
Rong biển mất đi, “ngôi nhà” không còn, các loài thủy sinh bị chết hoặc di chuyển đến vùng nước khác sinh sống, ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài san hô, đa dạng sinh thái biển.
Có giá trị kinh tế cao nên tôm hùm giống được ngư dân khai thác mạnh, dẫn đến suy giảm nghiêm trọng. Có thời điểm, giá một con tôm hùm nhí 500 nghìn đồng nên người dân ồ ạt tìm bắt. Trước và sau tết Nguyên đán là thời điểm ngư dân tấp nập “săn” tôm hùm giống ở ven biển Tam Hải.
Theo ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, hệ lụy của việc ngư dân đánh bắt tôm hùm giống vô tội vạ là mỗi năm có hàng triệu con tôm hùm giống mất đi, sinh thái biển suy giảm.
Ngư dân Nguyễn Xuân Thành ở thôn Thuận An cho biết, theo quy định, ngư dân chỉ được phép săn bắt tôm hùm có trọng lượng tối thiểu 160g nhưng với hình thức khai thác bằng lưới mành, nhiều tôm hùm giống bị bắt ở giai đoạn non, trọng lượng chỉ đạt dưới 100g.
Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải nói, mấy năm gần đây, địa phương phát hiện nhiều vụ khai thác rong mơ và tôm hùm giống trái phép. Người dân bứt rong, bắt tôm hùm giống khi còn quá non và không đúng mùa vụ. Chính quyền địa phương chỉ nhắc nhở, tuyên truyền người dân bảo vệ đa dạng sinh học chứ chưa có cơ sở để xử phạt.
Xúc tiến thành lập khu bảo tồn
Tại hội thảo toàn quốc góp ý dự thảo “Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, thành lập các khu bảo tồn biển là công cụ quản lý hữu hiệu để bảo toàn tính bền vững của các vùng biển và các ngành kinh tế biển dựa vào nguồn lợi tự nhiên như nghề cá, du lịch, các dịch vụ đi kèm.
Ngoài 12 khu bảo tồn biển trên cả nước đã đi vào hoạt động, đã xác định thêm 19 khu vực rất có tiềm năng để thành lập khu bảo tồn biển, trong đó có khu vực Tam Hải. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề xuất cơ quan chức năng hỗ trợ điều tra, khảo sát, thu thập số liệu, xây dựng quy hoạch chi tiết để thành lập khu bảo tồn biển Tam Hải nhằm gìn giữ đa dạng sinh thái biển.
Nhằm xúc tiến thành lập khu bảo tồn biển Tam Hải, UBND huyện Núi Thành đã giao Phòng NN&PTNT phối hợp với Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất thiết lập khu bảo tồn biển xã Tam Hải”.
ThS.Phạm Bá Trung (Phòng Địa chất - địa mạo biển, Viện Hải dương học) - chủ nhiệm đề tài cho biết, nhóm nghiên cứu đang trong quá trình đánh giá tổng thể các giá trị đa dạng sinh học, sinh thái biển Tam Hải, các mối nguy, sự đe dọa, bào mòn để đề xuất các giải pháp khôi phục. Đó cũng là nền tảng khoa học để đề xuất xúc tiến thành lập khu bảo tồn biển Tam Hải.
Một khi đã thành lập, phương thức quản lý các nguồn tài nguyên, sinh vật biển sẽ dựa trên sự phối hợp giữa người dân, cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm và chức năng quản lý với những người sử dụng nguồn lợi. Người dân ý thức quyền lợi, trách nhiệm, cùng chung tay bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên.