Phòng chống dịch Covid-19: Thích ứng và phục hồi
Từ việc tổ chức điều trị các bệnh nhân Covid-19 tại cơ sở, cách ly tại nhà với người tiếp xúc gần cho đến hạn chế việc phong tỏa ở phạm vi rộng, phục hồi sản xuất, du lịch..., công tác phòng chống dịch tại các địa phương đã bớt áp lực.
Bao phủ vắc xin
Ngày 11.10, Nghị quyết (NQ) 128 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” ra đời. Đây chính là chìa khóa khơi thông những điểm nghẽn ở các địa phương, đặc biệt với câu chuyện phục hồi kinh tế.
Xác định toàn tỉnh ở cấp độ 2 của dịch bệnh, các địa phương định hình cách thức sống chung với dịch và luôn trong trạng thái phòng bị cao, sẵn sàng nguồn lực để chuyển trạng thái, khống chế dịch khi cần thiết.
Từ “khóa chặt” địa bàn có F0, bóc tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng, bắt đầu giữa tháng 10.2021, Quảng Nam chuyển sang khoanh vùng hẹp, sàng lọc F0, chấp nhận có F0 trong cộng đồng.
Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, năm 2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến mọi hoạt động của thành phố, nhất là lĩnh vực thương mại dịch vụ. Nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, doanh nghiệp, công tác phòng chống dịch luôn ở trạng thái cao nhất.
“NQ 128 của Chính phủ tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn trong thời gian trước đây, đó là các hoạt động giao thương buôn bán, công trình xây dựng, vận tải, thương mại dịch vụ… đã trở lại hoạt động bình thường” - ông Bùi Ngọc Ảnh nói.
Đề xuất cần có chính sách hỗ trợ cho lực lượng y tế xã phường trong giai đoạn phòng chống dịch tiếp theo được nhiều địa phương nêu ra. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh yêu cầu ngành y tế và các địa phương tiếp tục cải thiện năng lực y tế cơ sở, từ điều kiện cơ sở cho đến nhân lực, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về Covid-19 để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Về lĩnh vực y tế, ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong năm qua, các đợt dịch Covid-19 được phát hiện tại Quảng Nam đều cơ bản khống chế thành công. Ngành y tế đã kịp thời tăng cường năng lực xét nghiệm SARS-CoV2 để truy vết thần tốc, tầm soát diện rộng.
Việc kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các khu cách ly tập trung, cơ sở khám chữa bệnh và khu công nghiệp được tăng cường. Ngành tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn kịp không để lây lan diện rộng…
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh xác định, vắc xin phải là yếu tố đầu tiên để đưa cuộc sống vào trạng thái bình thường mới theo tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Đến thời điểm hiện tại, số người được tiêm ít nhất 1 mũi tại Quảng Nam hơn 1 triệu người, đạt tỷ lệ trên 95% số người cần tiêm. Số người đã tiêm đủ 2 mũi gần 800 nghìn người, đạt tỷ lệ trên 71% số người cần tiêm.
Cũng trong tháng 12, Quảng Nam bắt đầu triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Theo thống kê Quảng Nam có 140.387 trẻ có độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi có nhu cầu tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Kiểm soát hiệu quả
Thay đổi phương thức điều trị Covid-19 là điều được vạch ra trong kế hoạch sống chung với dịch của Quảng Nam. Hầu hết địa phương đều vận hành cơ sở thu dung, điều trị F0 thể nhẹ, không triệu chứng.
Ông Dương Ngọc Vinh - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, toàn tỉnh đã vận hành 30 cơ sở thu dung, điều trị F0 thể nhẹ. Việc thành lập các cơ sở điều trị tại tuyến huyện góp phần giảm tải áp lực cho tuyến tỉnh, tạo điều kiện cho người bệnh mắc Covid-19 được điều trị tốt nhất.
“Từ sự ra đời của NQ 128 cùng các quy định từ Bộ Y tế, Sở Y tế đã có những hướng dẫn cụ thể dành cho các địa phương, thành lập các khu điều trị theo phương châm 4 tại chỗ. Sau một thời gian vận hành, các cơ sở này đã phát huy tốt vai trò điều trị tại chỗ của mình” - ông Vinh cho biết.
Nhận định các ca cộng đồng sẽ còn gia tăng, nhiều địa phương đã tính toán đến việc điều trị F0 tại nhà. Đây cũng là điều ngành y tế dự tính trong giai đoạn tới.
Ông Mai Văn Mười chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương về công tác thiết lập, kích hoạt và vận hành các trạm y tế lưu động theo Phương án triển khai mô hình trạm y tế lưu động ứng phó dịch Covid-19 tại Quảng Nam.
Trưng dụng khu cách ly tập trung Trường Đại học Quảng Nam làm cơ sở thu dung điều trị F0 thể nhẹ, không triệu chứng để thực hiện thu dung, điều trị các trường hợp F0 của các địa phương khác đến Tam Kỳ xét nghiệm và phát hiện dương tính với SAR-CoV-2”.
Theo ông Bùi Ngọc Ảnh, trong năm 2022, để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, TP.Tam Kỳ tiếp tục quyết tâm có trên 92% dân số (từ 12 tuổi trở lên) được tiêm 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19.
Thành phố sẽ tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo của ngành y tế và theo các cấp độ dịch. Phát huy vai trò của tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng, lực lượng tuyến đầu chống dịch của địa phương như quân sự, công an, y tế, mặt trận, các đoàn thể. Xây dựng lực lượng y tế thành phố đảm bảo năng lực để triển khai công tác điều trị, truy vết, tiêm chủng, xét nghiệm nhất là tuyến cơ sở...