Kế thừa, gánh vác và phát huy danh xưng Quảng Nam

XUÂN HIỀN - ALĂNG NGƯỚC - ĐOÀN ĐẠO 29/12/2021 10:29

Hành trình 550 năm danh xưng Quảng Nam được nhìn nhận khá rõ nét tại Hội thảo khoa học quốc gia “Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển (1471 - 2021)” diễn ra hôm qua 28.12.

Hội thảo thu hút sự tham gia của 70 nhà khoa học, nhà nghiên cứu... Ảnh: X. HIỀN
Hội thảo thu hút sự tham gia của 70 nhà khoa học, nhà nghiên cứu... Ảnh: X. HIỀN

Chủ trì hội thảo có PGS-TS. Bùi Nhật Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh; nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

Hội thảo với sự tham gia của hơn 70 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên các lĩnh vực kinh tế, lịch sử, văn hóa, dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ học... ở các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, cơ quan trung ương và địa phương trên cả nước.

Kết tinh giá trị

Nhận chân giá trị để phát triển bền vững

“Hội thảo đã phân tích và khẳng định những đóng góp quan trọng của đất và người xứ Quảng trong hành trình dài xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Việc nhận diện các giá trị, di sản, nguồn lực, bản sắc của vùng đất Quảng Nam là hết sức quan trọng. Từ đó đánh giá những thế mạnh, cơ hội để phát triển, đồng thời chỉ ra rào cản, điểm nghẽn cần phải khơi thông để giúp Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở phát huy giá trị vốn có nhiều hơn nữa. Tôi đề nghị các cấp, các ngành của tỉnh cần quan tâm để không chỉ dừng lại hội thảo này rồi sau đó là việc in kỷ yếu, mà phải nghiên cứu những ý kiến, đề xuất của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đó là những kinh nghiệm hết sức quý báu tâm huyết. Đây cũng là một trong những cơ sở đề ra các giải pháp một cách có bài bản để tiếp tục khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử, ý chí, bản lĩnh kiên cường, tinh thần cách mạng, khát vọng vươn lên của vùng đất và con người Quảng Nam; đẩy mạnh tinh thần đổi mới sáng tạo, góp phần đưa tỉnh Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra”.

(Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường)

Hội thảo khoa học quốc gia “Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển” là một trong những sự kiện quan trọng chào mừng Kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471 - 2021).

PGS-TS. Bùi Nhật Quang - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nói, thông qua sự phát triển trong tiến trình lịch sử, mọi người hiểu rõ hơn về các nguồn lực của Quảng Nam, thấu hiểu được nhân cách con người Quảng Nam được tôi luyện suốt chiều dài lịch sử, hiểu rõ hơn về các tài nguyên vật thể và phi vật thể của Quảng Nam.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, hội thảo có rất nhiều ý nghĩa khi đánh giá lại những nguồn lực của sự phát triển Quảng Nam từ khi hình thành đến hiện tại. Đứng dưới góc độ lịch sử, 550 năm gắn liền với danh xưng và cả không gian lẫn thời gian của xứ Quảng. Đây là cuộc mở nước về phương Nam và là con đường sống của dân tộc.

Ý chí thống nhất được thiết lập ngay từ đầu. Kỷ niệm 550 năm của xứ Quảng là dịp để nhìn nhận lại tính chất mở của vùng đất, với việc tiếp nhận các giá trị mới. Và ông cho rằng, con người làm cho mảnh đất này linh thiêng hơn, giá trị hơn.

“Trong 550 năm, có 1/4 thế kỷ - 25 năm tái lập tỉnh Quảng Nam. Những thế hệ Quảng Nam hiện tại đã kế thừa, gánh vác và phát huy danh xưng Quảng Nam. Khi nói đến truyền thống xứ Quảng là tích hợp tất cả vấn đề lịch sử. Nhìn về phương Nam cũng là nhìn ra biển cả” - nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định.

 Theo GS. Lê Văn Lan, văn hóa xứ Quảng là sự kết tinh của những phẩm chất đẹp đẽ, tinh hoa và vượt qua vô vàn khó khăn mới tạo được. Thêm cả vào đây sự kiên cường, kiên trì, dũng cảm, sáng tạo trong đấu tranh, trong gìn giữ cõi bờ và phát triển. Bấy nhiêu điều cao quý, tốt đẹp đó hội tụ vào hai chữ Quảng và Nam - nó khiến cho Quảng Nam có một vị thế rất đặc biệt. Do đó, người ta có quyền hy vọng, kỳ vọng về vai trò, về vị thế, đóng góp của Quảng Nam đối với “Khát vọng phát triển” của đất nước. “Tôi nghĩ đây là khát vọng cao quý, đẹp đẽ và nhất quyết phải được thực hiện với ý chí, quyết tâm thật cao của người Quảng Nam, của người Việt Nam, của tất cả mọi vùng miền dồn sức vào đấy” - GS. Lê Văn Lan nói.

Kỳ vọng ở tư duy hướng biển

Những năm đầu thế kỷ XX, Quảng Nam nổi lên là cái nôi của phong trào Duy tân với tên tuổi lẫy lừng của tam kiệt: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp. Đây là những chí sĩ yêu nước có nền tảng cựu học uyên bác, sớm khai mở tư tưởng canh tân, mở cửa, hội nhập và hiện đại hóa đất nước.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường phát biểu tại hội thảo.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường phát biểu tại hội thảo.

Nhiều nhà nghiên cứu nhìn nhận, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới đất nước, Quảng Nam đang có những bước phát triển kinh tế mạnh mẽ, tạo động lực để thúc đẩy cải thiện các vấn đề xã hội, môi trường ngày càng bền vững.

PGS-TS. Nguyễn Thị Phương Châm - Viện Nghiên cứu Khoa học xã hội cho rằng, việc đa dạng sinh học gắn bó chặt chẽ với đa dạng văn hóa. Hiện nay đa dạng sinh học ở Quảng Nam đang bị suy giảm, vì vậy muốn gìn giữ được đa dạng văn hóa chắc chắn phải chú trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng loại hình sinh thái vì mỗi loại hình sinh thái đều gắn bó chặt chẽ với các loại hình văn hóa.

“Quảng Nam cũng cần xem xét lại và tính toán kỹ lưỡng quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, không nên và không thể đô thị hóa, công nghiệp hóa ở mọi nơi. Đô thị hóa, công nghiệp hóa bằng mọi cách và trải rộng khắp thì đó là con đường ngắn nhất làm suy giảm đa dạng sinh thái và đa dạng văn hóa” - bà Nguyễn Thị Phương Châm nói.

Xác định người dân, cộng đồng là chủ thể đích thực của các hiện tượng văn hóa, do vậy, cần lắng nghe và tôn trọng các chủ thể văn hóa này. Điều này nhận được sự đồng tình của các nhà nghiên cứu văn hóa khi cho rằng, đa dạng văn hóa sẽ không có được khi người dân, cộng đồng không cất lên được tiếng nói của họ...

Tổng luận hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng - Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang cho rằng, với một khối lượng kiến thức khổng lồ, hội thảo đã đi vào 3 vấn đề lớn. Quá trình lịch sử, phát triển của danh xưng Quảng Nam 550 năm, các vấn đề văn hóa, tộc người, tôn giáo cũng như sự phát triển kinh tế xã hội của Quảng Nam trong những năm qua đã được tập trung làm rõ. Hướng Nam là hướng phát triển tốt và tạo ra lối thoát cho hướng phát triển chung của dân tộc.

“Việc hình thành đất Quảng Nam đã tạo ra cánh cửa phát triển rất lớn cho quốc gia Đại Việt. Qua quá trình phát triển hướng về phía Nam, người Quảng Nam có tư duy phát triển hướng về biển. Việc tiếp thu các giá trị văn hóa từ Sa Huỳnh, Chămpa đã tạo ra tư duy hướng biển.

Do vậy, trong hướng phát triển, Quảng Nam cần quan tâm kỹ hơn, sâu hơn, chặt chẽ hơn đến việc quản lý bờ biển, đường bờ biển. Khi phát triển kinh tế, cần quan tâm đến vấn đề văn hóa. Nếu có nền tảng văn hóa tốt sẽ đạt tính bền vững trong quá trình phát triển kinh tế. Làm sao biến văn hóa là nền tảng tinh thần, căn cứ, chỗ dựa cho sự phát triển của xã hội” - ông Bùi Nhật Quang nói.

XUÂN HIỀN - ALĂNG NGƯỚC - ĐOÀN ĐẠO