Lạc quan tăng trưởng kinh tế Việt Nam
(QNO) - Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới nói chung do đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 vẫn có những điểm sáng khích lệ.
Theo báo cáo đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), bất chấp khó khăn của đại dịch, Việt Nam lần đầu tiên nằm trong nhóm 20 nước thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) lớn hàng đầu thế giới trong năm nay.
Tính đến 20.12.2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm năm ngoái. Điều đó cho thấy môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam vẫn rất hấp dẫn nhà đầu tư, về cả trung hạn và dài hạn.
Tờ The Star (Malaysia) viết, kền kinh tế Việt Nam gần đây đón nhận nhiều tín hiệu lạc quan từ cộng đồng doanh nghiệp, nhóm lên kỳ vọng về sự phục hồi ổn định và nhanh chóng sau một thời gian dài gián đoạn do đại dịch Covid-19.
Tại nhiều khu công nghiệp lớn, hoạt động sản xuất đang được khôi phục, các doanh nghiệp trở lại hoạt động trong điều kiện an toàn, cho thấy nỗ lực rất lớn của chính phủ, các địa phương và chính các doanh nghiệp tại Việt Nam trong việc đưa nền kinh tế đi đúng hướng.
Tờ Mordern Diplomacy (chuyên trang của châu Âu về các vấn đề quốc tế) số ra tháng 12.2021 cho biết, là một phần của sáng kiến nhằm cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho nền kinh tế, Việt Nam sẽ mở cửa biên giới cho các chuyến du lịch quốc tế vào đầu năm 2022, trong điều kiện an toàn.
Bên cạnh tìm kiếm các thỏa thuận để thúc đẩy cơ hội thương mại và đầu tư với các nước khác, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến và trung tâm sản xuất thay thế cho những công ty muốn chuyển trụ sở từ Trung Quốc.
Việt Nam đang chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện hững thay đổi cơ cấu về năng suất, hiệu quả, kiểm soát chất lượng và thúc đẩy sức cạnh tranh của nền kinh tế.
"Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" được ban hành tháng 10 vừa qua là chỉ đạo thống nhất, kịp thời và sáng tạo của Việt Nam.
Sau chiến dịch phủ vắc xin Covid-19 và các điều chỉnh chính sách, nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trong ba tháng cuối năm.
Trang tin Sputnik (Nga) nhận định, đại dịch Covid-19 gây ảnh hướng nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, Việt Nam nỗ lực duy trì mức tăng trưởng GDP dương, thậm chí xuất khẩu đạt kỷ lục mới, vào Top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Đến cuối năm 2021, với tỷ lệ phủ vắc xin cao, tốc độ tiêm chủng nhanh chóng, như đảm bảo bao phủ mũi 1 cho toàn bộ dân số từ 18 tuổi trở lên và cơ bản bao phủ mũi 2 (khoảng 90%), kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ với những tín hiệu tươi sáng kéo dài cho năm sau.
Tính đến hết ngày 15.12.2021, xuất khẩu của Việt Nam đạt 317,45 tỷ USD, tăng 18,7%, so với cùng kỳ năm 2020, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam. Dự báo, xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. năm 2022.