Tiếp nối 550 năm hành trình đất mở
Hôm nay 28.12, hành trình 550 năm xác lập Danh xưng Quảng Nam, lần nữa, sẽ được thức nhận từ hội thảo khoa học quốc gia. Qua đó, tôn vinh các giá trị truyền thống quý báu của “vùng đất mở rộng về phương Nam”...
Hội thảo khoa học quốc gia “Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển” do UBND tỉnh phối hợp với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đồng chủ trì. Hội thảo được kỳ vọng là dịp để các nhà quản lý, các nhà khoa học nhận diện, đánh giá, khẳng định vị trí, vai trò cùng những đóng góp to lớn của vùng đất và con người Quảng Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước, cũng như trên nền tảng vùng đất có những kế sách phát triển cho tương lai...
Tinh thần vùng đất mở
“Tháng 6 năm 1471, vua Lê Thánh Tông lấy đất Chiêm Thành đặt làm thừa tuyên Quảng Nam” (Đại Việt sử ký toàn thư). Từ mùa xuân năm 1471, vùng đất mở rộng về phương Nam thành hình. Và khát khao định danh cho Quảng Nam là “vùng đất mở” trên nhiều phương diện luôn đi cùng diễn trình lịch sử.
Tinh thần đất mở được thể hiện ở tư duy, tầm nhìn mở về chiến lược, khiến vị minh quân Lê Thánh Tông thấy “cả mối cơ đồ một cõi chung/về Nam địa giới Hải Vân giăng”, còn chúa Tiên Nguyễn Hoàng nắm lấy “đất yết hầu của miền Thuận Quảng” để mở mang cơ nghiệp Đàng Trong.
Rồi từ dấu mốc lịch sử ấy, vùng đất này luôn tiếp biến để làm giàu thêm giá trị văn hóa của mình. Những tổ phụ vào phương Nam dựng làng lập ấp đã giữ lại các đền đài tháp cổ của tiền nhân, hỗn dung tín ngưỡng thờ thần thờ mẫu, phát triển sâu rộng thêm những ngành nghề nông tang, mỹ nghệ, làm nên “xứ trăm nghề”.
Hơn thế là mở ra công cuộc giao thương theo các con đường muối, đường tơ lụa, gốm sứ,… khiến hệ thống trao đổi ven sông cửa biển ngày càng rầm rộ, tạo nên thương cảng nổi tiếng quốc tế từ xưa.
“Các giá trị quý báu về văn hóa truyền thống của vùng đất đã đan kết thành lòng tự hào, niềm tin và là điểm tựa cho hành trình đổi mới, phát triển của quê hương xứ Quảng. Từ đây, Quảng Nam sẽ có những quyết sách phát triển gắn liền với sự hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc, lịch sử vùng đất.”
(Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường)
Tinh thần mở còn thể hiện ở khát vọng canh tân xứ sở. Không dừng ở bước lưu dân lập điền bộ, người Quảng còn góp vào việc mở mang đất học, phát triển phương ngữ, vừa giữ bản sắc vừa dung nạp các tư tưởng tiến bộ để hỗ trợ các phong trào Duy tân, Đông du…
Hội thảo khoa học quốc gia “Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển” với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhà sử học nhằm thêm lần nữa nhận chân các giá trị quý báu được hình thành từ quá trình mở đất, lập làng và được bảo tồn, phát huy xuyên suốt hành trình lịch sử.
Với các nội dung từ lịch sử - khảo cổ, dân tộc – tôn giáo, văn hóa - ngôn ngữ, kinh tế - xã hội, các tham luận được trình bày tại hội thảo sẽ đưa ra những lát cắt nghiên cứu về hành trình 550 năm danh xưng Quảng Nam. Trên nền tảng của dữ liệu lịch sử, văn hóa, những đề xuất bảo tồn di sản phục vụ cho hoạt động du lịch văn hóa, kinh tế di sản sẽ được nêu ra.
Đặc biệt, quá trình 550 năm Quảng Nam đồng hành với lịch sử dân tộc, hội thảo có các tham luận phân tích, làm rõ những đóng góp của các dòng họ tham gia quá trình mở cõi của người Việt, định hình bản sắc Việt Nam qua bảo tồn giá trị dòng họ, làng xã.
Bên cạnh đó, sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ của vùng đất Quảng Nam, vai trò của văn hóa đối với phát triển cũng được nhìn nhận sâu sắc, để từ đó đưa ra gợi ý đề xuất cho các chương trình phát triển của Quảng Nam.
Phát triển trên vốn liếng vùng đất
Nhận chân những giá trị quý báu mà vùng đất sở hữu, việc tìm kiếm những giải pháp bảo tồn phù hợp phục vụ cho các chương trình phát triển bền vững, tổ chức hoạt động du lịch văn hóa... là điều cần thiết trong tương lai. Quảng Nam là một trong những địa phương bề dày di sản văn hóa khá nổi bật, phong phú nhất, đa dạng nhất và tiêu biểu nhất.
Toàn tỉnh có 4 di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có 2 di sản văn hóa thế giới, 63 di tích quốc gia và 374 di tích cấp tỉnh, bên cạnh đó còn có sự đặc sắc của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể.
Chính kho tàng quý giá ấy làm đầy lên vốn liếng đặc biệt của đất và người xứ Quảng. Kho tàng di sản ấy cũng đồng thời là những tài nguyên du lịch hấp dẫn tạo nên lợi thế và tiềm năng to lớn của du lịch Quảng Nam.
Khơi lên khát vọng đổi mới và sáng tạo không ngừng từ nền tảng, vốn liếng văn hóa của vùng đất, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho biết, quy mô nền kinh tế Quảng Nam đang đứng thứ hai trong vùng trọng điểm miền Trung, với các động lực phát triển kinh tế quan trọng cả ở vùng đồng bằng, ven biển đến vùng trung du, miền núi; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, giáo dục căn bản được đổi mới và nâng cao chất lượng, các giá trị văn hóa con người ngày càng được nâng cao.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt quyết tâm đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030 trên cơ sở huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh: “Hội thảo là dịp để lần nữa khẳng định trên nền tảng kế thừa các giá trị quý báu về văn hóa truyền thống của vùng đất đã đan kết thành lòng tự hào, niềm tin và là điểm tựa cho hành trình đổi mới, phát triển của quê hương xứ Quảng.
Từ đây, Quảng Nam sẽ có những quyết sách phát triển gắn liền với sự hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc, lịch sử vùng đất - nơi vừa là “phên giậu”, là đất mở với nhiều đóng góp to lớn trong các cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc”.
Kế thừa và tỏa rạng danh xưng được định hình từ lịch sử với một tâm thế mới, với khao khát đổi mới sáng tạo, tiếp nối “tầm nhìn mở”, đã, đang và sẽ được các thế hệ người Quảng Nam tiếp bước, phát huy...