Quảng Nam dưới thời các chúa Nguyễn
Năm Hồng Đức thứ 2 (1471), vua Lê Thánh Tông ra dụ thành lập đạo thứ 13, tức Thừa tuyên Quảng Nam đạo - từ đây chính thức ra đời danh xưng Quảng Nam thuộc lãnh thổ Đại Việt. Về phương diện ngữ nghĩa học, Quảng Nam nghĩa là mở rộng về phía Nam như một sự chọn lựa có tầm nhìn xa trông rộng, một sự định hướng lâu dài mang tính chiến lược và bền vững, quyết định sự phát triển của quốc gia Đại Việt trên vị trí địa lý vùng Trung Trung bộ.
Mở cõi về phương Nam
Lúc mới hình thành, đạo Thừa Tuyên Quảng Nam có 3 phủ, 9 huyện là Phủ Thăng Hoa gồm 3 huyện: Huyện Lệ Giang (đến triều Nguyễn được đổi tên là huyện Lễ Dương, rồi về sau được nhập vào các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình); huyện Hy Giang (đến năm Giáp Thìn, triều Gia Long được đổi thành huyện Duy Xuyên); huyện Hà Đông (nay là Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước).
Phủ Tư Nghĩa (phần đất cắt từ Thạch Tân - Bến Đá đến sông Trà Khúc nhập vào với châu Tư, châu Nghĩa) gồm 3 huyện: Nghĩa Sơn, Bình Sơn và Mộ Hoa. Phủ Hoài Nhân (phần đất từ Bến Đá đến Thạch Bi Sơn) gồm 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn
Như vậy, trong đạo Thừa Tuyên Quảng Nam thời ấy, phần địa giới hành chính thuộc Quảng Nam ngày nay gồm các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Tiên Phước, Thăng Bình; còn Điện Bàn, Đại Lộc (kể cả Hoà Vang, Đà Nẵng) thuộc phía nam phủ Triệu Phong trong đạo Thừa Tuyên Thuận Hóa.
Đến năm Hồng Đức thứ 21 (1490) vua Lê Thánh Tông đổi đạo thành xứ, đạo Thừa tuyên Quảng Nam trở thành xứ Quảng Nam gồm 3 phủ, 9 huyện. Riêng phủ Thăng Hoa gồm 3 huyện, 25 tổng, 177 xã. Đến đời Lê Tương Dực lại đổi xứ thành trấn, xứ Quảng Nam trở thành trấn Quảng Nam.
Năm Chính trị nguyên niên (1558), Đoan quận công Nguyễn Hoàng, được vua Lê Anh Tông cho vào trấn thủ Thuận Hóa. Vào giai đoạn cuối Lê đầu Mạc, Thuận Hóa không được yên ổn, luôn có loạn thổ hào không quy thuận triều đình, như trong biểu dâng vua Lê của Trịnh Kiểm (anh rể Nguyễn Hoàng) xin cho Nguyễn Hoàng vào trấn lãnh Thuận Hóa: “... nay lòng dân hãy còn phản trắc, nhiều kẻ vượt bể đi theo họ Mạc, sự hoặc có dẫn giặc về cướp, nếu không được tướng giỏi trấn giữ …”.
Đến năm 1570, sau khi ra Thanh Hóa yết kiến vua Lê trở về, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng mới được cho kiêm lãnh trấn Quảng Nam và đến tháng 7 năm Nhâm Dần (1602), Nguyễn Hoàng mới lập dinh trấn tại xã Cần Húc huyện Duy Xuyên, tức thôn Thanh Chiêm, Điện Bàn ngày nay.
Lập xong dinh trấn Quảng Nam, 2 năm sau - năm Hoàng Định thứ 2 (1604), Nguyễn Hoàng cho cải đặt và đổi tên các khu vực hành chính 2 xứ Thuận Hóa, Quảng Nam. Huyện Điện Bàn vốn thuộc phủ Triệu Phong được tách ra khỏi trấn Thuận Hóa, nâng lên thành phủ, quản 3 huyện Tân Phước, An Nông, Hòa Vang và cho thuộc vào Quảng Nam dinh.
Huyện Lệ Giang thuộc phủ Thăng Hoa (nay là Thăng Bình) được cải thành huyện Lễ Dương; huyện Hy Giang được đổi thành huyện Duy Xuyên. Cũng trong năm này, phủ Hoài Nhân được đổi thành phủ Quy Nhơn cũng thuộc Quảng Nam dinh. Như vậy, Quảng Nam lúc bấy giờ gồm 4 phủ: Điện Bàn, Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Quy Nhơn. Đến đời Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên, dinh Quảng Nam vẫn giữ nguyên 4 phủ (phủ Điện Bàn có 5 huyện: Tân Phước, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh và Phú Châu. Phủ Thăng Hoa có 3 huyện: Duy Xuyên, Lễ Dương và Hà Đông - thuộc địa giới Quảng Nam ngày nay).
Sự hình thành dinh trấn Quảng Nam vào thời kỳ này có vai trò chiến lược rất quan trọng. Đây là vùng giàu tài nguyên và đất đai phì nhiêu, dân cư trù mật, đem lại nhiều nguồn lợi cho Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn.
Dinh trấn Quảng Nam hay Thanh Chiêm (thương nhân nước ngoài gọi là Ca-ciam hay Dinh Ciam) được thiết lập trên sông Sài Giang hay Sài Thị Giang (sông Củi hay sông Chợ Củi) - một nhánh sông Thu Bồn, vì thế có vị trí thuận lợi để tàu buôn ra vào tấp nập. Dinh trấn lại cách Hội An có 6 dặm (khoảng 9km) nên rất thuận tiện cho việc tiếp xúc giao thương giữa chính quyền với thương nhân nước ngoài đến trao đổi, mua bán.
Dinh trấn Thanh Chiêm đóng vai trò là kinh đô thứ hai ở Đàng Trong ngoài kinh đô chính tại Thuận Hóa. Dinh trấn Quảng Nam có vai trò quan trọng về chính trị, hành chính cũng như quân sự để bảo vệ và tạo bàn đạp để mở mang đất nước về phía Nam nói chung, “vùng đất phên dậu” Quảng Nam nói riêng.
Chính vì vậy, chức vụ trấn thủ thường được dành cho các công tử con chúa để tập sự nối ngôi sau này, như trấn thủ đầu tiên từ năm 1602 đến 1613 là Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên, sau đó trao lại cho con trưởng là Nguyễn Phước Kỳ.
Trong thời kỳ này, sự hình thành thương cảng Hội An (Faifo, Hải phố) đã thúc đẩy sự giao thương kinh tế và phát triển công nghệ ở Quảng Nam. Các sản vật, hàng hóa ở các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Quy Nhơn và cả Nha Trang đều đi đường thủy tập hợp về Hội An để bán sang châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản...
Vai trò lịch sử của Quảng Nam
Do đặc thù của vùng đất và các chính sách thông thoáng, hợp lòng dân của các chúa Nguyễn, có thể nói Quảng Nam dinh (dinh trấn Thanh Chiêm) vào thế kỷ XVI - XVIII có vai trò rất quan trọng trên các mặt.
Về chính trị, Quảng Nam là nơi tập trung tiềm lực để mở mang đất nước. Dưới thời Nguyễn Phước Nguyên (1613 - 1635), vùng đất phía Nam đến đèo Cù Mông, sông Đà Rằng (Nha Trang), tiếp đến thời Nguyễn Phước Lan (1635 - 1648), Quảng Nam tiếp tục là nơi cung cấp nhân lực, tài lực - là bàn đạp mở cõi về phía Nam.
Năm 1653, vùng đất Phan Rang thuộc về chúa Nguyễn. Năm 1698, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh chúa Nguyễn thành lập Xứ Đồng Nai, hình thành Trấn Biên. Tiếp đến năm 1706, địa giới Đàng Trong đã đến sông Tiền Giang sau khi Chân Lạp bị chúa Nguyễn chinh phục. Năm 1714, vùng đất cực Nam lại thuộc về chúa Nguyễn khi cử Mạc Cửu, rồi đến Mạc Thiên Tích, Mạc Thiên Tứ cai quản làm đô đốc Trấn Hà Tiên.
Về kinh tế, Quảng Nam là nơi thử nghiệm thành công các chính sách kinh tế, khẩn hoang lập ấp có từ thời Lê sơ của Đại Việt, việc mở mang lãnh thổ về phương Nam phụ thuộc vào công cuộc tổ chức khẩn hoang, khai thác tiềm năng trù phú của vùng đất này. Đồng thời đó cũng là vùng phát triển công, thương, kinh tế để chấn hưng đất nước, khai thác nhân lực, đối nội, đối ngoại dưới thời các chúa Nguyễn.
Về sau, những kinh nghiệm khai khẩn cùng các đợt di dân của người Quảng Nam vào Nam đã được các chúa Nguyễn áp dụng trong cuộc Nam tiến kéo dài từ 1611 đến 1757, là năm vùng Nam bộ thuộc Đàng Trong.
Về văn hóa, Quảng Nam hồi thế kỷ XVI - XVIII đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giao lưu, hội nhập văn hóa (cả văn hóa vật thể và phi vật thể) khi các giáo sĩ đến vùng đất này để giảng đạo, nhà truyền giáo Francisco de Pina là người đầu tiên và sau này nối tiếp là Alexandre de Rhodes sáng tạo ra chữ quốc ngữ, từ điển “Việt - Bồ - La” là thành quả nổi bật về văn hóa của nước ta cho đến ngày nay. Có thể nói Quảng Nam là một trong những trung tâm văn hóa lớn thời bấy giờ của quốc gia Đại Việt.
Về quân sự, Quảng Nam là nơi tập trung tiềm lực quân sự của quân bộ, lẫn quân thủy. Các chúa Nguyễn cho quan lại chiêu mộ dân lưu tán vào khai khẩn và sử dụng họ như một thứ binh đồn trú, sẵn sàng lúc cần huy động. Trong đó dinh trấn Thanh Chiêm là một trung tâm căn cứ quân sự thủy lục quân vững mạnh không kém Quảng Bình (lũy Tường Dực) và hơn cả Thuận Hóa (thành Ái Tử).
Về ngoại giao, dinh trấn Quảng Nam còn giữ một vai trò quan trọng khác mà không nơi nào thay thế được - kể cả Thuận Hóa, đó là Quảng Nam được coi như một vùng đất “mở”, giao tiếp với ngoại quốc, kiểm soát nguồn thuế xuất nhập khẩu và ngoại thương qua các cảng biển Đà Nẵng, Đại Chiêm, Đại Áp rất phồn thịnh, làm nên con đường tơ lụa trên biển với các nước Á Đông như Nhật Bản, Trung Hoa và Tây phương như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Y Pha Nho...
Như vậy, khi xét về tổng thể hành trình xuyên suốt lịch sử dân tộc, Quảng Nam vào thời kỳ các chúa Nguyễn (thế kỷ XVI - XVIII) là một vùng đất cực thịnh và cũng là vùng đất quan trọng bậc nhất, có vai trò là đầu tàu trên nhiều phương diện phát triển của quốc gia cả về ý nghĩa lẫn bài học kinh nghiệm và thực tiễn mà Quảng Nam đã đóng góp lúc bấy giờ. Đây cũng là truyền thống nối tiếp cho các thế hệ về sau...