Lập quy hoạch đối với lĩnh vực nông nghiệp và thông tin - truyền thông phải có tính định hướng lớn

MAI LINH - ANH ĐÔNG 25/12/2021 11:54

(QNO) - Chiều 24.12, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng lãnh đạo một số sở, ban ngành có cuộc họp trực tuyến với các đơn vị tư vấn để nghe báo cáo nội dung lập Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc lĩnh vực nông nghiệp và thông tin - truyền thông.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp trực tuyến chiều 24.12.  Ảnh: L.Đ
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp trực tuyến chiều 24.12. Ảnh: L.Đ

Sau khi nghe các đơn vị tư vấn báo cáo về thực trạng và những mục tiêu, giải pháp trong quy hoạch phát triển lĩnh vực nông nghiệp, thông tin - truyền thông và ý kiến của các ngành liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên lĩnh vực nông nghiệp và thông tin - truyền thông có ý nghĩa hết sức quan trọng, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vì thế, các đơn vị tư vấn phải tìm hiểu thật kỹ tình hình thực tế của Quảng Nam, tiếp thu ý kiến đóng góp của lãnh đạo các sở, ban ngành và kịp thời bổ sung những nội dung đề xuất một cách phù hợp để công tác lập quy hoạch được thực hiện bài bản, sát đúng thực tiễn.

Quy hoạch phát triển lĩnh vực nông nghiệp phải bài bản và có tính định hướng lớn.   Ảnh: L.Đ
Quy hoạch phát triển lĩnh vực nông nghiệp phải bài bản và có tính định hướng lớn. Ảnh: L.Đ

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, ở Quảng Nam, do điều kiện về phân bố địa lý có vùng miền núi và vùng đồng bằng, vì thế các đơn vị tư vấn phải xác định rõ những điểm khác biệt của tỉnh so với các địa phương khác trong phát triển lĩnh vực bưu chính, viễn thông, báo chí, phát thanh - truyền hình, công nghệ thông tin cũng như phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngư nghiệp, lâm nghiệp...

Đối với lĩnh vực thông tin - truyền thông, thời gian qua các đơn vị tư vấn mới chỉ khảo sát về hạ tầng viễn thông nên sắp tới phải tập trung khảo sát, bổ sung số liệu về xã hội số và kinh tế số của Quảng Nam. Có hạ tầng số thì mới phục vụ tốt việc chuyển đổi số của các ngành, chẳng hạn như giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh...

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, các đơn vị tư vấn phải phối hợp chặt chẽ với ngành chuyên môn của tỉnh để đánh giá về thực trạng sản xuất nông - lâm - thủy sản một cách sát đúng. Trên cơ sở đó, việc lập quy hoạch phải mang tính định hướng lớn, gắn với xây dựng những vùng sản xuất lớn, mã số vùng trồng...

MAI LINH - ANH ĐÔNG