Cải thiện chất lượng sống cho người khuyết tật

DIỄM LỆ 23/12/2021 08:42

Hai dự án gồm “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật (NKT) giai đoạn II” và "Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của NKT tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam" do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã được giới thiệu tại Quảng Nam vào sáng ngày 22.12.

Dự án sẽ thúc đẩy tiếp cận các công trình công cộng cho người khuyết tật. Ảnh: D.L
Dự án sẽ thúc đẩy tiếp cận các công trình công cộng cho người khuyết tật. Ảnh: D.L

Hỗ trợ người khuyết tật

Theo ông Bryan Moody - Phó Giám đốc Phòng hợp đồng và đấu thầu (USAID tại Việt Nam), hai dự án được thực hiện tại Quảng Nam với mục tiêu chuẩn hóa và hoàn thiện các chính sách cho NKT; nâng cao năng lực thực thi chính sách về hỗ trợ NKT của địa phương.

Địa điểm thực hiện dự án trên địa bàn Quảng Nam (không bao gồm 14 xã biên giới đất liền trên địa bàn huyện Tây Giang và Nam Giang). Thời gian thực hiện từ tháng 11.2021 đến tháng 9.2024. Tổng nguồn kinh phí thực hiện dự án hơn 4,6 tỷ đồng, là khoản viện trợ không hoàn lại của USAID.

Theo ông Trần Đức Hùng - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường, hậu quả chiến tranh vẫn còn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ, đặc biệt với những tỉnh bị phun rải chất độc da cam nặng nề, trong đó có Quảng Nam.

Ông Hùng cho biết: “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của NKT và nạn nhân da cam đã và đang là mối quan tâm của Đảng và Chính phủ trong nhiều thập kỷ qua.

Chính phủ Hoa Kỳ là một trong những đối tác đã hỗ trợ tích cực và lâu dài cho việc khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, trong đó có hậu quả do chất độc da cam, hỗ trợ các nạn nhân chịu tác động của chất độc da cam.

Quảng Nam là tỉnh được chọn cùng với 2 tỉnh khác ở miền Trung để thực hiện dự án, với kỳ vong sẽ hỗ trợ NKT nâng cao cơ hội, vị thế trong xã hội”.

Nhiều hoạt động thiết thực

Theo số liệu từ Hệ thống thông tin về NKT của Bộ Y tế, đến tháng 9.2019, tổng số NKT được quản lý tại Quảng Nam là 34.340 người, trong đó có 93% là NKT nặng và đặc biệt nặng, 1.003 người là nạn nhân da cam.

Bà Đoàn Thị Hoài Nhi - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thông tin: “Mặc dù đời sống của NKT đã được nâng cao hơn nhiều vì đã có sự quan tâm về mặt chính sách và sự hỗ trợ của các dự án. Tuy nhiên, NKT vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn liên quan tới việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục và tham gia các hoạt động xã hội.

Tỉnh có khoảng 5.200 NKT cần khám phục hồi chức năng, và 5.900 NKT cần dịch vụ chỉnh hình, lắp đặt chân tay giả. Nguồn lực còn hạn chế nên đời sống của NKT cũng như việc tiếp cận các dịch vụ xã hội của NKT còn khó khăn. Sự vào cuộc của các dự án được kỳ vọng sẽ hỗ trợ NKT cải thiện chất lượng sống tốt hơn”.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng đã đưa ra những mục tiêu cụ thể mà dự án hướng tới tại Quảng Nam trong thời gian thực hiện.

Cụ thể, khoảng 300 phụ nữ khuyết tật được chăm sóc sức khỏe sinh sản, 700 NKT được tăng cường kiến thức, kỹ năng về sống độc lập, 7.300 NKT nhận hỗ trợ trực tiếp từ dự án, 3.650 NKT nhận dịch vụ phục hồi chức năng, 3.650 NKT nhận dịch vụ chăm sóc nâng cao chất lượng sống...

“Qua thực tế ở Quảng Nam, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình nhà trung chuyển, nâng cao nhận thức cho cán bộ y tế về hòa nhập khuyết tật và chăm sóc NKT, xe buýt tiếp cận cho NKT, tiếp cận công trình xây dựng công cộng cho NKT. Tư vấn pháp luật cho NKT và người nhà, hình thành mạng lưới dịch vụ địa phương phòng chống bạo lực giới đối với NKT” - bà Lan Anh nói.

DIỄM LỆ