Không dễ giải bài toán thiếu điện ở Nam Trà My
Tại huyện Nam Trà My, đến thời điểm này, dù “mang tiếng” là 100 % xã có điện, nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy. Có điện là điện về trung tâm xã, chứ điện về các nóc, thôn chưa được bao phủ rộng rãi.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế - hạ tầng Nam Trà My, số hộ có điện ổn định: khoảng 4.000 hộ; có điện nhưng không ổn định về điện áp (do người dân tự kéo điện lưới về từ các TBA nơi khác đến): khoảng 800 hộ.
Trong khi đó toàn huyện có 7.365 hộ dân; số hộ được sử dụng điện tương đối đầy đủ chỉ chiếm 65%. Còn lại, có 4 xã có tỷ lệ hộ sử dụng điện dưới 50% là Trà Dơn, Trà Tập, Trà Cang, Trà Linh; có 8 thôn chưa có điện hoàn toàn (thôn 3 Trà Leng; thôn 3, thôn 4 Trà Dơn; thôn 2 Trà Tập; thôn 2 và thôn 4 Trà Cang; thôn 2, thôn 3 Trà Vinh).
Giai đoạn 2021 - 2025, ngành điện chủ yếu đầu tư chỉnh trang, sửa chữa nhỏ, ít đầu tư mở mới. Theo Quyết định 1423 ngày 15.5.2019 của UBND tỉnh, có 6 công trình điện thuộc nguồn vốn ODA giai đoạn 1 tại Trà Cang, Trà Tập, Trà Dơn, Trà Mai, dự kiến cấp điện cho 563 hộ.
Đến nay chưa hoàn thành. Các năm tiếp theo sẽ triển khai 16 công trình thuộc nguồn vốn ODA giai đoạn 2, dự kiến cấp điện 425 hộ; 40 công trình thuộc nguồn vốn trung ương, dự kiến cấp điện cho 2.481 hộ.
Ông Nguyễn Công Dũng - Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Nam Trà My cho biết, từ năm 2013, đầu tư phụ thuộc vào các dự án cấp điện của tỉnh nên mức độ và tiến độ chậm. Sau đó tỉnh đã điều chỉnh, nên các dự án được đầu tư từ 2 nguồn là ngân sách trung ương và ODA (giai đoạn 2018 - 2020).
Vừa qua có 4 xã được đầu tư 4 dự án, nhưng chỉ xã Trà Dơn đóng điện, còn lại các xã Trà Cang, Trà Tập, Trà Mai chưa xong. Huyện đang khảo sát lập kế hoạch giai đoạn 2 để nâng tỷ lệ có điện toàn huyện lên hơn 80%.
Theo ông Dũng, nghị quyết của Đảng bộ huyện Nam Trà My đặt ra, đến cuối năm 2025 phấn đấu đạt 95% hộ sử dụng điện, nhưng với tiến độ đầu tư như thế này, chắc chắn không hoàn thành. Một trong những lực cản đầu tư chính là đặc điểm địa hình và phân bố dân cư. Vừa qua, có một số thôn với 650 hộ không thể đưa vào danh mục dự án, vì điểm dân cư quá xa, không có đường giao thông, hoặc thôn 3 Trà Vinh là khu vực đang tranh chấp với Kon Tum về đất đai...
“Trong các cuộc họp, người dân liên tục phản ánh, kêu ca về thiếu điện, không có điện khó khăn cho đời sống, sinh hoạt, sản xuất. Cho nên chúng tôi đề nghị UBND tỉnh, Sở Công Thương triển khai dự án đầu tư cấp điện nông thôn trên địa bàn huyện đã được phê duyệt theo đúng kế hoạch, tiến độ; bổ sung các hạng mục cấp điện cho các điểm dân cư chưa có trong danh mục cấp điện nông thôn vào chương trình, dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia và cấp điện ngoài lưới bằng nguồn năng lượng tái tạo cho các hộ dân, trang trại nông nghiệp, thủy sản... thuộc các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh (theo Công văn số 1806 ngày 1.10.2021 của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo về việc rà soát, cập nhật dữ liệu cấp điện ngoài lưới cho các hộ dân nông thôn và trang trại chưa có điện)” - ông Dũng nói.
Theo ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, hiện có 146ha đất sản xuất của các trang trại rất cần điện để triển khai các dự án, huyện muốn hỗ trợ nhưng đành chịu.
Một khó khăn nữa là đường dây điện kéo qua các khu rừng, nếu không có mặt bằng để dựng trụ, trạm, thì phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đường đi vào các nóc, thôn chỉ là đường mòn, khó vận chuyển vật tư, thiết bị, bởi nếu làm thì kéo theo suất đầu tư rất lớn.
“Vì thế tỉnh phải quan tâm trong vấn đề phủ sóng điện lưới quốc gia, chứ đặc điểm địa hình đất dốc, dân cư phân bổ thưa thớt như Nam Trà My thì khả năng của huyện là đành chịu, dù huyện hỗ trợ hết mình cho chủ đầu tư trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng” - ông Mẫn nói.
Lối thoát tạm thời trước mắt của Nam Trà My, theo ông Nguyễn Công Dũng là tận dụng tiềm năng có thể cung cấp bằng nguồn năng lượng tái tạo độc lập, không nối lưới. Theo đó, có thể thực hiện 6 dự án thủy điện mi ni, 10 dự án năng lượng mặt trời. Những dự án này nếu thực hiện, hy vọng sẽ giải quyết được nguồn điện cho những nơi không thể kéo điện hoặc chưa kéo đến.