Nội lực doanh nghiệp quyết định thành bại giao thương
Giữa bối cảnh khủng hoảng chung do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, việc Thaco xuất khẩu sơ mi rơ moóc sang thị trường Mỹ là một ví dụ điển hình cho thấy năng lực nội sinh của doanh nghiệp quyết định thành công trong giao thương.
Sơ mi rơ moóc sang Mỹ
Sáng 15.12.2021, trên bến cảng PTSC Dung Quất (Quảng Ngãi), tàu chuyên dụng RORO của hãng tàu quốc tế Liberty Global logistics (Mỹ) như một “hàm cá mập” khổng lồ lần lượt “nuốt” 870 sơ mi rơ moóc (SMRM), chuẩn bị xuyên Thái Bình Dương, qua Mỹ.
Ông Edgar Coulter Gill - Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Tập đoàn PITTS Enterprises (Mỹ) cho biết, Thaco Industries và PITTS đã vượt qua rào cản cao ngất ngưỡng về chi phí vật liệu, linh kiện... trong quá trình đàm phán.
Áp lực thời gian từ hạn cung cấp sản phẩm cho khách hàng, cùng chi phí vận chuyển ở mức cao chưa từng thấy. “Lô hàng này chỉ là sự khởi đầu. Cả hai sẽ trở thành những nhà cung cấp sản phẩm SMRM tốt nhất cho thị trường Bắc Mỹ, cung cấp SMRM đa phương thức hàng đầu thế giới”- ông Edgar Coulter Gill nói.
Thâm nhập thị trường Mỹ - một trong những thị trường “nổi tiếng” về độ khắt khe, yêu cầu tiêu chuẩn rất cao về chất lượng hàng hóa - không phải là điều dễ dàng. Việc đưa SMRM sang Mỹ là thành công lớn của Thaco.
Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên cho rằng, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng. Không chỉ riêng Thaco mà còn với cả ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam. Điều này nói lên khả năng hội nhập và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, tìm kiếm được đối tác, ký kết hợp tác chiến lược với một trong những tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ, xuất hàng sang thị trường này trong bối cảnh nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy (do đại dịch) là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực vượt bậc, sự năng động, sáng tạo và sức bật ngoạn mục của Thaco.
“Sự kiện này khẳng định năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp (DN) có đủ năng lực tham gia và đủ khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là tại Hoa Kỳ - một trong những thị trường có tiêu chuẩn rất cao về chất lượng hàng hóa. Thể hiện mối quan hệ hợp tác, đối tác toàn diện tốt đẹp, có tính bổ trợ lẫn nhau giữa 2 nền kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ.
Hy vọng Thaco sẽ gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, hàm lượng công nghệ trong mỗi sản phẩm. Không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, định vị được vị thế trên bản đồ xuất khẩu khu vực và thế giới” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Cân bằng cán cân thương mại?
Xuất khẩu vẫn thuộc lĩnh vực yếu kém nhất trong toàn bộ nền kinh tế Quảng Nam. Một vùng đất được xem là có lợi thế từ nguồn nguyên liệu tương đối ổn định, được mua từ các tỉnh trong nước hoặc nhập khẩu từ Lào, Campuchia, Malaysia…, với thị trường xuất khẩu tiềm năng như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đài Loan và Hàn Quốc từ các FTA, nhưng vẫn không thể tăng trưởng như kỳ vọng? Gần như kim ngạch xuất nhập khẩu và số thuế thu từ khu vực này vẫn không thể đạt kế hoạch. Xuất khẩu chủ yếu vẫn từ các DN FDI (khoảng 65%).
Cục Hải quan Quảng Nam cho biết, hiện có gần 340 DN có hoạt động xuất khẩu làm thủ tục tại các đơn vị thuộc cơ quan này. Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đạt gần 3,5 tỷ USD (tăng 25,3% so năm 2020), trong đó xuất khẩu đạt hơn 1,48 tỷ USD, tăng 40,5%; nếu tính bình quân, mỗi DN chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 4,35 triệu USD.
Không khó để hình dung nhập siêu triền miên từ nhiều năm qua luôn là gánh nặng của nền kinh tế. Năm 2020 xuất khẩu của Thaco khoảng 75 triệu USD. Dự kiến năm 2021 kim ngạch xuất khẩu của tập đoàn này đã vượt con số ước định 65,3 triệu USD.
Ngay khi chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 50 hay 75 triệu USD, những người quản lý của tập đoàn đã khẳng định sẽ cân bằng cán cân thương mại và tiền tệ 50% cho chính DN, thoát khỏi nhập siêu quá lớn. Vậy thì, với kế hoạch xuất khẩu SMRM hơn 215 triệu USD năm 2022 và hơn 350 triệu USD năm 2023 thì chuyện cân bằng cán cân thương mại của Thaco chỉ là chuyện ngày một ngày hai.
Từ tăng trưởng của Thaco, chính quyền, DN Quảng Nam đã nghĩ đến một kịch bản khác hơn là nền kinh tế địa phương sẽ chuyển sang xuất siêu (dù có thể rất khiêm tốn). Các chuyên gia quốc tế hay nội địa đều đánh giá Việt Nam sẽ được hưởng lợi khá nhiều từ các FTA, với gần 15 FTA song phương và nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA..., trong đó Quảng Nam không nằm ngoài.
Các FTA tạo cơ hội cho DN tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu thông qua cơ hội liên doanh, liên kết với tập đoàn lớn để học hỏi, chuyển giao công nghệ, có nhiều cơ hội hơn để làm nhà cung ứng dịch vụ, cung ứng các mặt hàng công nghiệp, hỗ trợ cho tập đoàn đa quốc gia. Nhưng, tận dụng được lợi thế hay không, phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của DN địa phương.
Ông Đỗ Minh Tâm - Tổng Giám đốc Thaco Industries nói, giao thương hàng hóa với khu vực và thế giới sẽ mở ra cơ hội nếu các DN nghiêm túc thực hiện với quyết tâm cao, có chiến lược, kế hoạch đúng và phù hợp.
Không ai có thể bày vẽ hay làm thay DN trong cuộc giao thương hấp dẫn nhưng cũng đầy rủi ro. Tự DN quyết định tham gia cuộc chơi lớn này hay không, bởi thành bại của họ cũng liên quan đến vận mệnh kinh tế địa phương hay quốc gia. Và họ không “chiến đấu” một mình.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cam kết Bộ Công Thương sẽ đồng hành với các DN; sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ hoặc tham mưu cấp thẩm quyền giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN trong đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Bộ sẽ nghiên cứu, tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cơ chế chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp, nhất là những ngành có tính nền tảng. Cùng với nỗ lực của chính quyền từ trung ương đến địa phương, chất lượng sản phẩm, nội lực DN quyết định thành bại trong giao thương.