Thu nhập cao từ nuôi hàu

KIỀU LY 18/12/2021 16:25

(QNO) - Từng nhiều năm làm nghề khai thác hàu tự nhiên với thu nhập bấp bênh, bà Đoàn Thị Nguyên (ở thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) đã chuyển hướng nuôi hàu bằng phương pháp treo dây trên bè nổi. Cách làm hiệu quả này giúp bà vươn lên thoát nghèo.


Bà Đoàn Thị Nguyên giới thiệu bè nuôi hàu của mình tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành. Ảnh: KL
Bà Đoàn Thị Nguyên giới thiệu bè nuôi hàu của mình tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành. Ảnh: KL

Như nhiều phụ nữ thôn Sâm Linh Tây, bà Đoàn Thị Nguyên từng sống bằng nghê khai thác hàu tự nhiên. Tuy nhiên, những năm gần đây, lượng người khai thác tăng nhanh và phương pháp khai thác hiện đại, quy mô khiến nguồn hàu trên sông bị suy giảm mạnh, không kịp phục hồi ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập. Để cải thiện kinh tế, năm 2018, bà Nguyên mạnh dạn đầu tư làm bè nuôi trên diện tích hơn 200m2 với số vốn ban đầu 60 triệu đồng.

Hàu được nuôi bằng phương pháp treo dây cho năng suất cao. Ảnh: KL
Hàu được nuôi bằng phương pháp treo dây cho năng suất cao. Ảnh: KL

Theo bà Nguyên, mỗi năm hàu nuôi hai vụ, nếu thuận lợi có thể lên ba vụ, một vụ nuôi kéo dài từ 4,5 đến 5 tháng. Mùa nuôi hàu thường bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 10 âm lịch. Nuôi hàu bằng phương pháp treo dây trên bè nổi vừa dễ chăm sóc và theo dõi độ phát triển hằng ngày của con hàu, vừa thuận lợi cho việc khai thác, người mua chỉ cần chọn lấy những dây hàu ưng ý mà thu hoạch.

Đặc biệt, cách nuôi này còn chủ động giãn mật độ hàu trên mỗi đơn vị diện tích, tiết kiệm không gian bề mặt, giúp hàu phát triển tốt nên rút ngắn thời gian nuôi. Sau 3 năm nuôi bằng phương pháp này, đến nay nuôi mô hình hàu sữa giúp gia đình bà Nguyên nâng cao thu nhập, tổng doanh thu mỗi vụ khoảng 80 triệu đồng. Trừ chi phí bà Nguyên thu lãi gần 40 triệu đồng/vụ.

Hàu được nuôi bằng phương pháp treo dây cho năng suất cao. Ảnh: KL
Hàu được nuôi bằng phương pháp treo dây cho năng suất cao. Ảnh: K.L

Để có được thành công, ngoài kinh nghiệm tích lũy nhiều năm khi làm nghề khai thác, bà Nguyên còn bỏ nhiều công sức, tiền bạc tự tìm tòi, học hỏi phương pháp nuôi hàu qua các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời đi thực tế ở nhiều địa phương như Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Theo bà Nguyên, hàu rất dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc. Chúng sống chủ yếu nhờ vào nguồn tảo có sẵn trong nước biển nên không tốn chi phí thức ăn. Với điều kiện tự nhiên, mực nước thủy triển lên xuống ở đây rất thích hợp cho hàu phát triển, tăng trưởng nhanh. Hàu sống phụ thuộc vào môi trường tự nhiên, không cần sử dụng các loại hóa chất, do đó đảm bảo nguồn sản phẩm sạch cho thị trường.

“Nuôi hàu trên sông cũng phụ thuộc nhiều vào môi trường nước. Nếu nước bị ô nhiễm, hàu sẽ chậm lớn và có thể chết hàng loạt. Vì vậy, việc lựa chọn khu vực đặt bè rất quan trọng, kế đến là khâu chọn giống, người nuôi phải thường xuyên chỉnh trang, vệ sinh lồng bè để hàu lớn nhanh và đạt đầu con hơn” - bà Nguyên chia sẻ.

Mô hình nuôi hàu của bà Nguyên tạo điều kiện cho nhiều chị em phụ nữ khác kiếm thêm thu nhập. Ảnh: KL
Mô hình nuôi hàu của bà Nguyên tạo điều kiện cho nhiều chị em phụ nữ khác kiếm thêm thu nhập. Ảnh: K.L

Bà Trần Thị Thu – Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Quang cho biết: “Đây là một trong những mô hình nuôi hàu đầu tiên và thành công trên địa bàn xã. Không những vươn lên thoát nghèo, bà Nguyên  còn tạo việc làm thường xuyên cho 5-7 chị em phụ nữ trên địa bàn để họ kiếm thêm thu nhập. Những lao động này giúp bà Nguyên trong khâu khai thác, làm ruột hàu, mức thù lao khoảng 3-5 triệu đồng/tháng. Cạnh đó, bà Nguyên còn nhiệt tình giúp đỡ, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm để nhiều chị em phụ nữ khác triển khai mô hình. Đến nay CLB nuôi hàu đã có được 50 thành viên, tất cả đều hoạt động tốt và cho thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế địa phương…”.

KIỀU LY