Quỹ tiền tệ quốc tế: Nợ toàn cầu tăng kỷ lục
(QNO) - Hôm qua 15.12, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, đại dịch Covid-19 góp phần gây ra đợt tăng nợ toàn cầu cao nhất trong một năm kể từ chiến tranh thế giới thứ hai.
Số liệu thống kê mới nhất của IMF cho thấy, tổng mức nợ toàn cầu, bao gồm các khoản vay của chính phủ, hộ gia đình và doanh nghiệp, tăng lên mức kỷ lục 226.000 tỷ USD hoặc tương đương 256% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ trên là do nền kinh tế thế giới chìm trong cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và suy thoái kinh tế sâu sắc. Giờ đây, các chính phủ phải chèo lái một thế giới có mức nợ công và tư nhân cao kỷ lục, các đột biến mới của vi rút SARS-CoV-2 khiến lạm phát gia tăng.
Trong khi nợ công tại các nước phát triển tăng mạnh do chính phủ triển khai các biện pháp kích thích kinh tế trong đại dịch thì tại các nước đang phát triển và mới nổi, tỷ lệ nợ tăng vì GDP bị sụt giảm mạnh.
IMF cho biết, việc tăng nợ là “đặc biệt nổi bật” ở các nền kinh tế tiên tiến với nợ công đã tăng từ khoảng 70% GDP năm 2007 lên 124% GDP vào năm 2020.
Ví như đánh giá của Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED), lạm phát của Mỹ năm 2021 có thể lên tới 5,3% và FED kỳ vọng các biện pháp đưa ra có thể đưa lạm phát về mức 2,6% trong năm 2022. Sự điều chỉnh đáng kể với chính sách hỗ trợ nền kinh tế được đánh giá là lỏng lẻo nhất trong lịch sử 108 năm của của cơ quan này.
Như vậy, nợ công hiện chiếm gần 40% tổng nợ toàn cầu, tỷ trọng cao nhất kể từ giữa những năm 1960. Sự gia tăng này là do các cuộc khủng hoảng kinh tế lớn bao gồm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch hiện nay.
Báo cáo của IMF nhấn mạnh sự phân chia nợ lớn giữa các nền kinh tế đang phát triển và các nền kinh tế tiên tiến. Các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc chiếm hơn 90% tăng nợ vào năm 2020.
Hầu hết các nền kinh tế đang phát triển đối diện của sự phân chia tài chính, đối mặt với khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế và tỷ lệ đi vay thường cao hơn.
IMF nhận định, sự gia tăng lớn về nợ được chứng minh là do nhu cầu bảo vệ cuộc sống của mọi người, duy trì việc làm và tránh làn sóng phá sản. Nếu các chính phủ không hành động, hậu quả kinh tế và xã hội sẽ rất khủng khiếp.
Nhưng sự gia tăng nợ nần làm tăng nguy cơ bị tổn thương, đặc biệt là khi các điều kiện tài chính thắt chặt. Trong hầu hết các trường hợp, mức nợ cao hạn chế khả năng của các chính phủ trong việc hỗ trợ phục hồi và khả năng đầu tư trung hạn của khu vực tư nhân, ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế.
Rủi ro sẽ tăng lên nếu lãi suất toàn cầu tăng nhanh hơn dự kiến và tăng trưởng GDP chững lại. Việc thắt chặt các điều kiện tài chính đáng kể sẽ làm tăng áp lực lên các chính phủ, hộ gia đình và doanh nghiệp mắc nợ nhiều nhất.