Thận trọng với viêm gan B
Bệnh viêm gan B là một bệnh nguy hiểm và được coi là “sát thủ thầm lặng” bởi những triệu chứng bệnh không rõ ràng nhưng để lại nhiều hệ lụy cho người bệnh. Ở nước ta số lượng người mắc viêm gan B đang có chiều hướng gia tăng.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), toàn cầu có khoảng 2 tỷ người đã và đang nhiễm vi rút viêm gan B, gần 300 triệu người mắc bệnh mạn tính và 30 triệu người bị nhiễm mỗi năm. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao nhất thế giới.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, nước ta hiện có khoảng 10 triệu người mắc viêm gan B, trong đó phần lớn người bệnh bị mắc viêm gan ở dạng mạn tính. Nguy hiểm hơn, rất nhiều người bị viêm gan B không biết mình mắc bệnh. Chỉ có khoảng 10% số người mắc viêm gan B được chẩn đoán.
Ông Trần Ngọc S. (quê ở xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) đến khám tại Phòng khám Đa khoa (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam) cho hay: “Tôi bị mắc viêm gan B nhiều năm nay rồi mà đâu có biết. Lâu lâu, tôi lại cảm thấy trong người mệt mỏi, sốt rồi ăn gì cùng dở miệng.
Cũng cứ nghĩ làm việc nhiều với sốt là điều bình thường với mỗi người, nên không có ý định đến thăm khám ở các bệnh viện. Đến hôm nay, người tôi tự nhiên buồn nôn với đau bụng nên mới đến khám ở đây, bác sĩ chẩn đoán tôi bị nhiễm viêm gan B đã 5 năm nay rồi”.
Bác sĩ Trà Quang Ân (công tác tại Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam) cho biết, bệnh viêm gan B gây ra do vi rút viêm gan B lây truyền trực tiếp từ người sang người. Khả năng lây truyền của nó cao hơn HIV từ 50 đến 100 lần.
Phương thức lây truyền của nó qua đường máu, quan hệ tình dục, nguy cơ khi dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo với người bệnh. Và lây nhiễm phổ biến nhất đó là lây từ mẹ sang con. Tức là phụ nữ trong giai đoạn sinh sản, trước hoặc trong khi mang thai đã bị nhiễm vi rút viêm gan B. Sau đó, qua quá trình mang thai và sinh nở thì họ truyền vi rút đó cho con của mình.
Viêm gan B là bệnh tác động trực tiếp vào tế bào gan, làm suy giảm chức năng gan. Vì vậy, sẽ dẫn đến việc đào thải độc bị ảnh hưởng kém đi. Lâu ngày cơ thể sẽ tích tụ nhiều chất độc gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy giảm chức năng gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan...
Chính vì thế, những người mắc bệnh này cần quan tâm nhiều đến chế độ ăn uống và tập luyện của bản thân. Bên cạnh việc giảm bớt đồ ăn cay nóng, rượu bia, đồ dầu mỡ, cần tăng cường bổ sung các thực phẩm rau xanh, nhiều chất xơ và bổ sung vitamin, uống nhiều nước để loại bỏ các độc tố có trong gan. Đồng thời phải thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao và tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ đưa ra.
“Điều trị viêm gan B lâu dài và tốn kém, tuy nhiên chúng ta có thể dự phòng được bằng việc tiêm vắc xin, giúp ngăn chặn các biến chứng xơ gan, ung thư gan với tỷ lệ tới 95%. Đặc biệt tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch của chương trình tiêm chủng” - bác sĩ Ân khuyến cáo.