Bão Rai có cường độ mạnh và đi vào Biển Đông khoảng đêm 17.12
(QNO) - Bão Rai dự kiến đi vào Biển Đông từ đêm 17.12, có thể gây gió mạnh trên biển làm ảnh hưởng đến tàu thuyền hoạt động ở khu vực Biển Đông và mưa lớn trên đất liền.
Tại cuộc họp trực tuyến sáng nay 15.12 với 20 tỉnh thành ven biển từ Quảng Bình đến Cà Mau để ứng phó bão Rai, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - Hoàng Phúc Lâm cho biết, đêm 17 và ngày 18.12, bão Rai sẽ đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9 trong năm 2021.
Bão có thể gây gió mạnh trên biển, nguy cơ ảnh hưởng đến tàu thuyền hoạt động ở khu vực Biển Đông và mưa lớn trên đất liền. Ngoài ra trong ngày 17.12, Bắc Bộ xuất hiện không khí lạnh có khả năng tương tác với bão số 9.
Theo ông Lâm, hiện bão Rai cách Philippines khoảng 800 - 900km với cường độ cấp 11. Trong ngày hôm nay bão có khả năng mạnh thêm và cường độ cực đại của bão có thể đạt cấp 13 - 14, giật cấp 16 trước khi đổ bộ vào Philippines.
“Trước diễn biến của bão, tàu thuyền hoạt động trên biển tiềm ẩn nguy cơ gặp rủi ro. Đến ngày 19.12, gió mạnh do bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển. Dự báo bão vào đất liền khoảng ngày 20.12. Đây là cơn bão mạnh, cường độ của bão trên Biển Đông có thể đạt cấp 12, gây mưa lớn gió mạnh trên biển và đất liền” - ông Lâm cho hay.
Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi chặt chẽ cơn bão, đặc biệt là hướng đi, cường độ, phạm vi, tình hình mưa để ban hành các bản tin cảnh báo, dự báo kịp thời, sát thực tế.
Tổng cục Thủy sản phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương đảm bảo an toàn hoạt động tàu thuyền trên biển; thông tin, bắn pháo hiệu, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, tránh trú vào nơi an toàn. Đồng thời kiểm tra chặt chẽ danh sách người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản, kiên quyết yêu cầu các chủ lồng bè, chòi canh di chuyển vào bờ.
Ông Trần Quang Hoài yêu cầu các tỉnh thành kiểm tra, rà soát khu vực nhà yếu không đảm bảo an toàn; kiểm tra phương án quản lý, nắm bắt số liệu tàu thuyền neo đậu tránh bão tại các khu vực cửa sông; phương án đảm bảo an toàn cho những tuyến đê biển xung yếu.
Xây dựng kịch bản, ban hành công điện, triển khai lực lượng xung kích phòng chống thiên tai xuống cơ sở để kiểm tra tình hình ứng phó bão với phương châm “4 tại chỗ” và đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp; dừng các công trình đang thi công (nhà máy thủy điện, điện gió...), sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu...