Không để bệnh nhân lao kháng thuốc
Ngoài khó khăn, tốn kém, mất nhiều thời gian trong điều trị thì chủng lao kháng thuốc còn là mối đe dọa nguy hiểm dễ lây lan ra cộng đồng. Điều này buộc đội ngũ điều trị phải nỗ lực nhiều hơn...
Hiện nay, Việt Nam là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao trên thế giới. Lao kháng thuốc không chỉ là mối nguy hiểm cho cộng đồng mà còn nguy hại đến sức khỏe, mất nhiều thời gian và chi phí điều trị cực kỳ tốn kém.
Tuân thủ phác đồ
Bệnh lao phổi thông thường có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu tuân thủ đúng phác đồ và thời gian điều trị, tỷ lệ khỏi bệnh cao tới 90%. Đây là nhận định của các bác sĩ tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Tháng 7 năm nay, Việt Nam tiến hành nghiên cứu triển khai thí điểm theo dõi dọc sử dụng phác đồ điều trị BpaL trên bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Phác đồ này đã được WHO khuyến cáo triển khai trong chương trình chống lao của nhiều quốc gia. Theo đại diện Chương trình chống lao quốc gia, hiện nay Việt Nam có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao. Phác đồ điều trị lao kháng thuốc khá dài, từ 18 - 20 tháng. Do đó, cần một phác đồ điều trị khác, rút ngắn thời gian điều trị hơn. Việt Nam là một trong các quốc gia tiên phong trong điều trị bệnh nhân kháng thuốc nặng bằng phác đồ mới này, bảo đảm việc thí nghiệm phác đồ mới có lợi ích tối đa cho người bệnh và cộng đồng.
Theo đó, tùy tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ điều trị sẽ sử dụng các loại thuốc hợp lý và thời gian thích hợp. Mỗi đợt điều trị thuốc có thể diễn ra trong 6 tháng/đợt, 9 tháng/đợt hoặc 20 tháng/đợt tùy vào diễn tiến bệnh.
Anh Phạm Minh Hùng (trú Bình Quý, Thăng Bình) xuất hiện triệu chứng ho, sốt kéo dài, thậm chí có lúc ho ra máu, sụt cân nên anh đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để khám.
Tại đây, anh được các bác sĩ thăm khám, chụp X-quang, xét nghiệm X-pert và chẩn đoán mắc lao phổi. Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, uống thuốc đầy đủ, đúng giờ…, đến nay bệnh tình của anh đã dần ổn định.
Cũng giống trường hợp anh Hùng, ông Bùi Văn Ý (trú Tam Lãnh, Phú Ninh) từng có tiền sử lao phổi trước đây và đã được điều trị khỏi, tuy nhiên gần đây ông có triệu chứng ho nhưng chủ quan không đi khám.
Vừa qua, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch triển khai khám sàng lọc lao phổi tại địa phương thì phát hiện ông bị lao kháng thuốc. Nguyên nhân là ông không tuân thủ đúng phác đồ điều trị nên dẫn đến vi khuẩn lao kháng thuốc.
Rút ngắn thời gian điều trị
Tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, trung bình mỗi tháng tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 160 bệnh nhân và đang quản lý 13 bệnh nhân lao kháng thuốc ngoại trú. Tuy nhiên, từ khi Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chuyển đổi công năng thành bệnh viện điều trị Covid-19, việc điều trị cho bệnh nhân lao gặp không ít khó khăn.
“Tâm lý bệnh nhân ngại đến bệnh viện trong thời điểm này nên nhiều người bỏ dở việc điều trị. Hệ thống chuyên trách lao từ huyện đến tỉnh đều tập trung chống dịch nên không theo dõi được bệnh nhân bỏ thuốc.
Việc đưa bệnh nhân về địa phương điều trị cũng gặp vướng như khi bệnh nhân có tác dụng phụ nặng của thuốc phải nhập viện nhưng huyện chưa được tập huấn về lao kháng thuốc nên khó xử trí cho người bệnh” - bác sĩ Nguyễn Tiến (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch) cho biết.
Lao kháng thuốc là một bệnh nguy hiểm, nguyên nhân chính do bệnh nhân không tuân thủ quy trình điều trị, tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc khi chưa đủ thời gian điều trị.
Ngoài việc phải tuân thủ điều trị nghiêm ngặt, thời gian điều trị cũng phải kéo dài hơn và phải dùng nhiều loại thuốc hơn, chi phí tốn kém hơn, tỷ lệ khỏi bệnh cũng thấp hơn. Đáng lo là có trường hợp siêu kháng thuốc khiến việc điều trị trở nên rất khó khăn, người bệnh trở thành nguồn lây lan nguy hiểm cho cộng đồng.
Ông Nguyễn Thanh Thảo - Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết, để phát hiện và điều trị sớm cho bệnh nhân lao phổi thì khi có các triệu chứng như ho kéo dài, sốt nhẹ về chiều, mệt mỏi, sụt cân, ra mồ hôi trộm cần đến cơ sở y tế để khám. Khi đã phát hiện bệnh lao thì phải điều trị đúng thuốc, đủ liều, đúng thời gian để trách bệnh lao kháng thuốc.
“Người bệnh cần có ý thức trong sinh hoạt như không khạc nhổ tùy tiện, phải sử dụng khẩu trang khi nói chuyện và tiếp xúc hàng ngày phòng lây lan bệnh ra cộng đồng. Những người có tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao phổi kháng thuốc, hoặc có tiếp xúc với những bệnh nhân lao phổi nói chung cần chủ động đi khám, xét nghiệm để được tầm soát bệnh lao và sớm được điều trị nếu có bệnh” - ông Thảo khuyến cáo.