Nâng hiệu quả điều hành ngân sách địa phương
Chính quyền Quảng Nam đã đưa ra phương án phân cấp, định mức thu, chi, hướng đến việc khuyến khích tính năng động, sáng tạo, tự chủ, khai thác các nguồn lực tài chính một cách hợp lý ở từng địa phương, tạo ra động lực phát triển cân đối và toàn diện hơn.Sự thay đổi này được xem là giải pháp siết chặt kỷ cương chi tiêu ngân sách. Nhưng hiệu quả chỉ có thể được cụ thể hóa bằng hệ thống cơ chế, chính sách và giải pháp thực thi cải cách trong phân bổ nguồn lực, quy trách nhiệm cho từng ngành, địa phương khi “bầu sữa” ngân sách ngày một hạn hẹp.
ĐỔI MỚI VÀ HỢP LÝ
Phương án phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, định mức chi thường xuyên (2022 - 2025) vừa được ban hành, được cho là đổi mới hợp lý trước bài toán ngân sách ngày càng eo hẹp của Quảng Nam.
Phù hợp thực tiễn
Sau nhiều phiên hội nghị, tham vấn, trao đổi, bổ sung, điều chỉnh... giữa cơ quan soạn thảo với các địa phương, sở, ngành, phương án phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, định mức chi thường xuyên (2022 - 2025) đã được ban hành. Theo nhận định của lãnh đạo 18 huyện, thị, thành phố và cơ quan quản lý, phương án này đã khắc phục được những điểm yếu của ngân sách thời kỳ trước.
Phương án này đã tính đúng, đủ các chế độ, chính sách phát sinh tại thời điểm xác định, bao quát các lĩnh vực thuộc nhiệm vụ chi ngân sách sở, ngành và địa phương của từng cấp ngân sách. Hệ thống định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước đảm bảo góp phần thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Ưu tiên bố trí kinh phí cho những lĩnh vực quan trọng (giáo dục, đào tạo, dạy nghề, khoa học, công nghệ...), vùng cao, hải đảo, miền núi, vùng đồng bào dân tộc khó khăn và quan tâm đến vùng trọng điểm, động lực.
Định mức này được xây dựng bởi các tiêu chí phân bổ rõ ràng, cụ thể, đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong phân bổ ngân sách, phù hợp với cơ chế phân cấp quản lý ngân sách, tạo điều kiện cho các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Không chỉ vậy, phương án phân cấp, phân chia nguồn thu từ tiền sử dụng đất (tỷ lệ 50 - 50) giữa các cấp ngân sách phù hợp, khuyến khích các địa phương khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn thu. Tỷ lệ điều tiết tối đa các khoản thu phân chia cho các địa phương không tự cân đối ngân sách sẽ hạn chế bổ sung cân đối từ ngân sách.
Sự phân cấp này đã có sự điều hòa cân đối ngân sách cho các địa phương khó khăn hưởng trợ cấp ngân sách tỉnh. Sự phân bổ nguồn lực cũng như chia sẻ lợi ích giữa các cấp ngân sách khi có tăng thu, vượt thu và phân chia rủi ro khi xảy ra hụt thu.
Phương án mới mẻ, khác biệt nhưng cũng hợp lý tạo cơ hội cho các địa phương kịp thời huy động nguồn thu, chủ động cân đối nhiệm vụ chi và phấn đấu thu vượt dự toán để tạo nguồn bổ sung chi ngân sách.
Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói tỷ lệ điều tiết các khoản thu, chi phân chia cho các nhóm (nhóm tự cân đối và nhóm trợ cấp) đã tạo ra tính thống nhất trong phân cấp, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro khi tăng thu, hụt thu.
Định mức phù hợp với khả năng ngân sách địa phương là điều quan trọng khi thu ít, lại phải điều tiết về trung ương 14% thay vì 10% như trước, nhưng chi vẫn tăng (đảm bảo không thấp hơn định mức năm 2017). Làm sao tạo sự chủ động cho các địa phương tránh rủi ro, mất cân đối là chuyện cần tính toán trong quá trình điều hành ngân sách.
Định lường ngân sách
Các huyện miền núi đều cho rằng cần tiền để duy tu bảo dưỡng đường sá đã xuống cấp, sạt lở... Miền cao không có đầu tư, thu ngân sách thấp lấy gì bù đắp ngân sách luôn thiếu hụt?
Phó Bí thư huyện ủy Nam Giang - ông La Lim Hậu nói thống nhất phương án như nguồn thu, nhưng trên địa bàn Nam Giang chủ yếu nguồn thu từ thủy điện đầy rủi ro. Dự toán cần cân nhắc nhiều năm cộng lại để không khiến địa phương gặp khó khăn.
Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Nguyễn Văn Hòa đề nghị xem xét tiêu chí bổ sung kinh phí cho huyện. Theo ông Hòa đây là huyện mới chia tách, địa bàn rộng, cơ sở hạ tầng kém, thu ngân sách ít, vượt thu không đáng kể, không đủ nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội.
Không “kêu cứu” vì thiếu tiền như miền núi, các địa phương đồng bằng và ngay cả 4 “ông lớn” tự chủ (Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Núi Thành) cũng đề cập nhiều nhất đến định mức phân bổ thấp hay thiếu công bằng trong phân bổ chi hành chính, hệ số phân chia các sở, ngành, kiến thiết thị chính...
Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho rằng không có cơ sở phân tích dự toán để đánh giá số phát sinh trên địa bàn cấp xã. Thu cấp tỉnh không đạt được dự toán thì tỉnh không xem xét phần bù hụt thu. Còn địa phương vượt được bù trừ phần hụt thu cấp tỉnh. Đây là điều hạn chế phần tăng thu của ngân sách thị xã được hưởng.
Một số nhiệm vụ chi còn quá ít so với nhu cầu thực tiễn như an sinh, kiến thiết thị chính, an ninh quốc phòng... Cần hạn chế sự thay đổi, điều chỉnh cơ chế, chính sách khiến địa phương bị động trong quá trình thực hiện các đề án, dự án xây dựng cơ bản theo các nghị quyết của HĐND địa phương ban hành.
Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho hay dự toán thu quá cao nên hầu như ngân sách hàng năm không vượt thu. Địa phương thiếu nguồn để thực hiện các nhiệm vụ, gặp rất nhiều khó khăn trong điều hành ngân sách.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL yêu cầu xem xét hỗ trợ thêm cho các di tích đã được giao về cho các địa phương quản lý hiện xuống cấp nhưng thiếu tiền duy tu, bảo dưỡng...
Theo ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách tỉnh, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh bổ sung tăng thêm theo mục tiêu ngoài định mức phân bổ cho các đơn vị dự toán ngân sách các cấp. Bổ sung tăng thêm cân đối so với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách cho các địa phương để đảm bảo cân đối chi.
Nếu thu ngân sách giảm sẽ giảm định mức phân bổ để đảm bảo cân đối ngân sách. Nếu cấp huyện có phát sinh nguồn thu lớn từ các dự án mới sẽ được xem xét quyết định tỷ lệ để lại cho ngân sách địa phương, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, khuyến khích nuôi dưỡng nguồn thu. Các địa phương yên tâm, nếu rủi xảy ra hụt thu, ngân sách tỉnh sẽ bù đắp để không gặp nhiều khó khăn trong các nhiệm vụ chi.
Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở Tài chính: “Bao quát và hợp lý”
Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho giai đoạn mới phát triển hơn so với giai đoạn trước. Minh bạch, dễ hiểu, dễ phân bổ và tiến bộ hơn. Quy định phân bổ ngân sách lần này tăng vượt bậc với giai đoạn trước.
Cái hay nhất là giao quyền tự chủ “một cục ngân sách” cho các địa phương tự điều phối, xử lý. Tuy nhiên, các địa phương hay ngành đều mong muốn có nguồn chi càng cao càng tốt. Đó là chuyện thường xuyên xảy ra trong phân bổ ngân sách. Song, không thể có phương án nào tối ưu đến mức có thể làm thỏa mãn tất cả yêu cầu của địa phương.
Ngân sách giai đoạn này có vẻ khó khăn hơn nhưng lại ưu tiên nguồn đầu tư lớn hơn giai đoạn trước. Nguồn sự nghiệp kinh tế chi thường xuyên phân bổ cho các địa phương cũng tăng lên rất nhiều, bảo đảm bao quát các nhiệm vụ chi. Nguồn kiến thiết thị chính được phân bổ rất mới theo đề án phát triển đô thị dự kiến sẽ trình HĐND tỉnh sắp tới.
Tam Kỳ lên 150 tỷ đồng/năm, so với 40 tỷ đồng/năm trước đây, Hội An 80 tỷ đồng/năm. Điện Bàn 50 tỷ đồng, Núi Thành 40 tỷ đồng. Còn lại các địa phương khác đều 30 tỷ đồng. Đây là khoản kinh phí quá lớn so với trước.
Tất cả địa phương thu không đạt đều sẽ được xem xét. Giai đoạn vừa rồi, 3 cấp (trung ương, tỉnh, huyện) đều không đạt nên các cấp ngân sách phải tự cân đối, tự bù đắp. Nếu các năm sau thu không đạt (trong điều kiện kinh tế bình thường), dù đã được phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, thì ngân sách cấp trên sẽ hỗ trợ. Nếu không thì địa phương cấp dưới lấy gì chi tiêu?
Nguyên tắc, càng ngày càng phải giảm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư mới là điều hành ngân sách tiến bộ, khoa học. Nhưng Quảng Nam là tỉnh có đối tượng chính sách lớn nhất cả nước. Gánh nặng này ngân sách phải đảm bảo đầy đủ cho nên chi thường xuyên luôn luôn cao. Rất muốn giảm chi nhưng không được.
Cân đối ngân sách là nghệ thuật nhưng có nhiều tiền vẫn... sướng hơn. Ngân sách càng cao thì cân đối càng dễ dàng. Có thể không tập trung lấy nguồn thu từ đất để bù đắp cho nguồn thu khác, cân đối cho nền kinh tế Quảng Nam. Nhưng không phải không quan tâm đến nguồn thu này.
Ngay năm 2021, số tăng thu từ nguồn này rất lớn (tăng 142,7%). Không phải “chăm chăm”, không quá chú trọng đến kế hoạch sử dụng đất để bán cho được nhiều, giao cho được nhiều đất để lấy tiền phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng không để thất thu. Thu tiền sử dụng đất đã tăng và sẽ tăng lên nhiều. Địa phương nào thực hiện nhiều dự án kiểu này sẽ có thêm nhiều nguồn thu.
Ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế & Ngân sách HĐND tỉnh: “Động lực khuyến khích các địa phương”
Theo rà soát của Ban Kinh tế & Ngân sách thì nội dung phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách năm 2022 (năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025) đã kế thừa những ưu điểm, điều chỉnh những tồn tại của thời gian trước.
Đề xuất lần này của UBND tỉnh bám sát các quy định của trung ương. Tất cả dựa trên nguyên tắc điều hòa lợi ích giữa các cấp khi tăng thu, vượt thu và chia sẻ rủi ro khi hụt thu. Các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chi theo phân cấp bảo đảm cân đối. Tập trung nguồn thu chủ lực thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách của tỉnh.
Quy định phân cấp nguồn thu, tỷ lệ phân chia các khoản thu giai đoạn 2022 - 2025 cơ bản tạo điều kiện cho các ngành, địa phương nâng cao vai trò, trách nhiệm, chủ động trong quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách.
Không chỉ vậy, còn khuyến khích các địa phương phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, sử dụng ngân sách hiệu quả, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính trong việc theo dõi, quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách.
Cơ chế mới phân bổ nguồn thu từ tiền sử dụng đất được phân chia theo tỷ lệ phát sinh theo từng địa bàn dễ tạo điều kiện cho các địa phương chủ động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đáp ứng với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, hạn chế bổ sung cân đối ngân sách.
Phân cấp nhiệm vụ chi cơ bản bao quát được nhiệm vụ chi của các cấp ngân sách. Quy định này phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đảm bảo được hoạt động của bộ máy đảng, chính quyền, đoàn thể và giải quyết các nhiệm vụ phát sinh, các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
Định mức phân bổ chi thường xuyên năm 2022 được xây dựng trên cơ sở kế thừa định mức trước đây. Dựa vào tiêu chí biên chế, quỹ tiền lương, kết hợp tiêu chí dân số, dự lường đến yếu tố trượt giá và sử dụng các tiêu chí bổ sung có tính chất đặc thù từng lĩnh vực… phù hợp với định hướng của Chính phủ.
Không chỉ vậy, còn có sự gắn kết giữa định mức phân bổ chi thường xuyên với đặc điểm, tính chất công việc và định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngành và lĩnh vực…
Hàng năm, chính quyền cần nghiên cứu, xây dựng, trình HĐND tỉnh xác định cụ thể về nguồn thu mới và lớn. Ban hành cơ chế điều tiết, phân chia tỷ lệ phù hợp từ các nguồn mới và lớn này cho ngân sách địa phương. Điều này sẽ vừa tạo động lực khuyến khích các địa phương phấn đấu khai thác, quản lý nguồn thu, quản lý và điều hành ngân sách hiệu quả.
Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn: “Chấm dứt cơ chế xin - cho”
Cơ chế mới cho thấy có sự đổi mới, phù hợp thực tiễn, thỏa mãn các yêu cầu, giải quyết nhiều điểm nghẽn của địa phương mà trước đây rất khó kiểm soát. Sự phân chia hay tỷ lệ điều tiết, cơ chế đặc thù cho các địa phương tự chủ hay điều hòa cân đối ngân sách cho các địa phương khó khăn, kích thích phấn đấu để tăng thu.
Điều quan tâm là đảm bảo cho việc vận hành cơ chế, chính sách một cách trơn tru, thông thoáng. Tất cả đều phải “tự động”, chấm dứt cơ chế xin – cho, tạo điều kiện cho địa phương tự chủ. Tại sao không cho cấp xã, phường được quyền đấu giá đất, tạo cho địa phương chủ động nguồn thu? Cần có cơ chế thưởng vượt thu. Không thể sử dụng nguồn này để tăng thêm thu nhập nhất là giáo viên hàng năm là điều bất hợp lý. Cần kiến nghị trung ương.
Năm nào thị xã cũng vượt chi cho an ninh quốc phòng, nhưng phân bổ thấp, khó huy động, đào tạo lực lượng dự bị động viên. Định mức dự phòng ngân sách chỉ 2% là thấp, trong khi thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh vẫn khó lường nên nâng lên mức 4% là hợp lý.
Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đã được Chính phủ thống nhất điều chỉnh, trở thành một phân khu của thị xã. Tỉnh đầu tư ngân sách, trực tiếp làm chủ đầu tư các dự án động lực, nhưng hạ tầng đầu tư lại từ thị xã.
Cơ chế điều tiết tiền sử dụng đất cần tính toán lại hợp lý, chia sẻ nguồn lực và trách nhiệm với địa phương. Sự nghiệp kinh tế, kiến thiết thị chính như phân bổ sẽ khiến thị xã không thể có thêm tiền để đầu tư, tự chủ được khi chỉ riêng tiền điện thắp sáng, cây xanh đã “ngốn hết”. Cần phân tích, tính toán cụ thể cho việc phân bổ nguồn lực này.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An: “Của cho không bằng cách cho”
Phương án phân cấp, định mức ngân sách cần vận hành thông thoáng. Nếu quan tâm đến các địa phương ít nguồn thu để bảo đảm chi thì cũng để ý đến các địa phương tự chủ có điều kiện để bứt phá, tự cân đối, từng bước góp thêm ngân sách cho tỉnh. Nghị quyết ban hành rất hay, rất hợp, quan tâm nhiều đến địa phương, nhưng khi vận dụng thực tế lại khó trăm bề.
Kiếm được tiền nộp vào ngân sách từ sử dụng đất không phải dễ, tốn nhiều công sức của địa phương trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Sự quan tâm của tỉnh là cần thiết, nhưng “của cho không bằng cách cho”.
Cơ chế tốt, thoáng cho các địa phương, nhưng lại cài quy định khó, khiến các địa phương không thể làm gì được. Phân cấp để lại 100% tiền cho thuê đất phát sinh trên địa bàn, nhưng có lấy được đâu từ quyết định này.
Bốn năm rồi, Hội An không có được 1 đồng vì quy định phải đăng ký danh mục từ đầu thời kỳ 2017 mà Luật Đầu tư công buộc phải tìm được nguồn mới trình HĐND đăng ký danh mục. Không đăng ký thì có tiền phát sinh cũng không xin lại được.
Địa phương làm sao biết sẽ thu từ sử dụng đất bao nhiêu mà định lường. Ngay như nghị quyết mới đây, cố gắng đôn đốc doanh nghiệp nộp năm nay vài trăm tỷ đồng. Nhưng trình lên trình xuống vẫn chưa có được đồng nào vì có điều khoản nguồn thực hiện cấp lại cho địa phương từ năm 2019, 2020.
Hội An có nguồn nào đâu trong hai năm qua để nhận lại khi tiền dự án chỉ xuất hiện năm 2021. Ngoài ra, nếu đã có cơ chế được hưởng thì tiền tự động chuyển về địa phương, không cần phải đi xin, không cần giải trình.