Tìm về quá vãng

THÀNH CÔNG 11/12/2021 07:38

Anh nói, rằng hành trình của mình là lựa chọn được xác quyết bằng thứ tình yêu không pha lẫn, một kiểu mê đắm cùng văn hóa, từ rất lâu, ngay khi bắt đầu!

Đó cũng chính là lý do để anh cất công đi tìm, lưu giữ, và tự mở một con đường cho chính mình để hồi cố với những thứ cũ kỹ nông thôn đang vắng thiếu dần trong nhịp sống gấp vội… Anh là Trương Bách Bảo, một họa sĩ, một nhà sưu tầm đồ cổ ở Hội An. Nhưng với phố Hội, người ta quen thuộc anh nhiều hơn với cái một tên khác: Bảo Ly.

Họa sĩ Trương Bách Bảo được nhiều người biết đến với cái tên Bảo Ly. Ảnh: T.C
Họa sĩ Trương Bách Bảo được nhiều người biết đến với cái tên Bảo Ly. Ảnh: T.C

“Bảo tàng” nông cụ

Ngôi nhà của anh ở số 17 Nguyễn Văn Cừ (phường Tân An, Hội An) như một “bảo tàng” với rất nhiều đồ vật xưa cũ. Nổi bật nhất, vẫn là rất nhiều món đồ nông cụ.

“Tôi bắt đầu đi sâu vào văn hóa nông thôn, chọn đó như một khởi nguồn cho tất cả dự định của mình. Tôi để ý, theo dõi suốt hành trình dài, và thấy có nhiều thứ ở nông thôn, của nhà nông đang mất dần.

Vì yêu mến những ký ức ấy, tôi tìm mọi cách để giữ lại. Giữ lại và làm sống lại” - anh bắt đầu câu chuyện của mình bên kho tàng đồ cũ.

Trên chiếc bàn nơi chúng tôi ngồi trò chuyện, một khay trà gỗ đã mẻ mất một góc, và bộ ấm trà, cũng là đồ cũ.

Có gần cả trăm món đồ nông cụ lớn nhỏ được anh gom góp từ hàng trăm chuyến đi ngược xuôi khắp các làng quê. Có khi là cơ duyên, cũng có khi là tâm huyết của anh khi nhiều lần trở đi trở lại, thuyết phục gia chủ nhượng lại một món đồ nào đấy cho mình.

Mua một món đồ có thể không mất nhiều thời gian, nhưng tìm hiểu, thu nhặt câu chuyện liên quan đến món đồ đó, anh có thể bỏ cả buổi trời để ngồi nói chuyện với người sở hữu.

Hoặc giả mua được rồi, nhưng người bán không hiểu rõ về công năng, về lai lịch của món đồ, anh lại cất công đi tìm những người già, hỏi cho bằng được.

Giá trị của món đồ nằm ở câu chuyện đằng sau nó. Anh với tay, lấy một cái “đong” bằng gỗ, đã nhuốm màu thời gian, hẳn rồi, nhưng sự cũ kỹ có một giá trị riêng, với anh.

Rất nhiều nông cụ được anh sưu tập, gìn giữ. Ảnh: T.C
Rất nhiều nông cụ được anh sưu tập, gìn giữ. Ảnh: T.C

“Cái đong nhỏ như vầy, nhưng cũng là một thứ minh chứng cho tư duy sáng tạo của người làm nông. Ngoài ra, đôi khi nó còn là ký ức của một con người, một gia đình, giữ riêng cho nó câu chuyện rất đời khác” - anh kể.

Phải mất hơn 10 năm trời, anh Bảo Ly mới sở hữu tương đối đầy đủ bộ sưu tập nông cụ.

Anh kể, năm 2007, anh gặp một họa sĩ ở Quy Nhơn tỉnh Bình Định, là người Quảng. Duyên kỳ ngộ giúp anh đưa ra quyết định sẽ tài trợ toàn bộ cho họa sĩ này vẽ một bộ tranh về nghề nông, bộ tranh có chiều dài kỷ lục của miền Trung - Tây Nguyên.

Và đó cũng là cái duyên để anh nảy ra ý tưởng và theo đuổi hành trình đi tìm bộ sưu tập về nông cụ và đời sống nông thôn.

“Tạm đủ để phác họa về nghề nông và cạnh đó là một phần đời sống nông thôn, và tôi đã sử dụng những nông cụ này để cho ra đời một sự kiện tái hiện toàn bộ cuộc sống làm nông của cha ông xưa.

Sự kiện này được tổ chức trong một tour du lịch do tôi phối hợp với một công ty lớn ở Hội An, và nhận được phản hồi khá tích cực từ du khách. Đó là niềm vui lớn. Nhiều người nói tái hiện nghề nông rất dễ, nhưng để giữ được hồn cốt của nghề nông, là điều hoàn toàn không đơn giản như họ nghĩ” - anh tâm sự.

Ký ức “sống”

Mê đắm với những điều thuộc về quá vãng, Bảo Ly mải miết với hành trình tìm kiếm và sưu tập những món đồ xưa. Và anh tìm cách để ký ức “sống” lại. Anh cộng tác cùng rất nhiều đơn vị, nhưng vẫn giữ quan điểm phải phục vụ cho câu chuyện văn hóa.

“Tôi sẽ từ chối lời mời décor một không gian nông cụ trên bờ biển, hoặc sắp đặt cho sự kiện nào đấy nhưng chỉ để phục vụ yếu tố giải trí tức thời. Tôi muốn kể câu chuyện về văn hóa nông thôn, và quan tâm, phục vụ hết lòng cho câu chuyện đó. Đi đâu tôi cũng đi được, nếu ý tưởng của tôi và đơn vị tổ chức có cùng điểm chung trên tinh thần đó” - anh nói.

Những bảng hiệu trong phố cổ được anh phục dựng. Ảnh: T.C
Những bảng hiệu trong phố cổ được anh phục dựng. Ảnh: T.C

Câu chuyện trở về với thú sưu tập đồ xưa cũ của anh, qua những mảnh ghép là từng món đồ rất nhỏ. Anh nói, có những thứ giá trị vật chất có thể không lớn, nhưng lại khiến anh rất tâm đắc. Anh tiếc mãi về chuyện vuột mất chiếc bảng hiệu của một cửa hàng cũ trong phố cổ.

Anh tìm thấy chiếc bảng hiệu vào năm 1997, và suốt nhiều năm sau đó, đã nhiều lần anh ngỏ lời muốn được sở hữu, song gia chủ không đồng ý. Đến năm 2019, khi hay tin cả gia đình này dọn đi, anh đến để tìm lại chiếc bảng hiệu, song nó đã không còn nữa.

“Nhiều người không nhìn thấy giá trị ký ức nằm trong đồ vật tưởng chừng vô dụng đó. Và tôi nhận lãnh trách nhiệm sẽ giữ lại, cất lại đó. Gia đình tôi từng có một bộ bàn ghế bằng gỗ trắc, là quà cưới từ thời ông tôi để lại.

Vì nhiều lý do, bộ bàn ghế này lưu lạc qua nhiều đời chủ, đến khi chú tôi mua lại được, tôi đã xin ông giao lại cho mình để gìn giữ. Không phải để chơi, để ngắm, tôi dùng những thứ đồ mà mình có được phục vụ cho những sự kiện văn hóa.

Dụng cụ thì có sẵn, nhưng yếu tố con người là quan trọng, mình phải xây dựng lại như ban đầu, phải làm thật, không chỉ là yếu tố trình diễn. Tôi nghĩ, mình đang đem văn hóa vào trong không gian cổ, để những đồ vật ấy kể lại câu chuyện của nó trong ký ức. Nó sẽ được sống một lần, và nhiều lần nữa, chứ không phải nằm yên ở đó và “chết” đi” - anh bộc bạch.

Cộng hưởng du lịch

Việc lưu giữ, hồi cố những nét xưa nông nghiệp nông thôn về sau đã không đơn thuần là chuyện của riêng một người. Những năm gần đây, Bảo Ly tham gia nhiều hơn với các đơn vị du lịch để tổ chức các sự kiện bằng những món đồ xưa mà mình sở hữu.

Có thể là một không gian ẩm thực, một cuộc trình diễn, miễn là trong sự kiện đó, anh được quyền kể lại câu chuyện ký ức bằng những món đồ của mình. Người ta có thể tự tìm thấy câu chuyện ký ức của riêng mình khi được dự phần vào sự kiện văn hóa mà họ tham gia.

Anh cũng tìm được cho mình những người tương giao, những vị khách cùng chung niềm yêu với miền hoài niệm xưa xa, quan tâm tới giá trị cốt lõi của văn hóa.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam chia sẻ, quá trình tìm tòi, học hỏi từ rất lâu của Bảo Ly đối với văn hóa bản địa là điều kiện cộng hưởng rất thuận lợi đối với những doanh nghiệp làm du lịch.

“Văn hóa là nền tảng, do đó làm du lịch phải cộng sinh, phải khai thác được những giá trị gốc từ văn hóa để tạo ra sản phẩm có hiệu ứng tốt. Bảo Ly cộng tác với tôi trong nhiều sự kiện, với rất nhiều sáng kiến tạo ra sự khác biệt, linh động trong câu chuyện làm du lịch.

Du lịch Hội An hiện nay hướng vào chiều sâu nhiều hơn, nền tảng là văn hóa bản địa. Thêm vào đó, nếu hiểu được tâm lý du khách, hiểu được những giá trị văn hóa họ mong muốn, phát huy được chiều sâu trong các sản phẩm du lịch sẽ khai mở những tiềm năng rất quý từ câu chuyện văn hóa.

Qua những gì đã làm cùng với Bảo Ly, tôi nhận thấy du khách, nhất là khách nước ngoài đặc biệt thích thú, quan tâm và phản hồi tốt” - ông Thanh chia sẻ.

 Một bộ sưu tập tư nhân là dự định, cũng là mong muốn của anh trong hành trình miệt mài tìm về với ký ức.

“Nếu có thể, đến một lúc nào đó đủ điều kiện, tôi sẽ làm một bộ sưu tập riêng của mình trong một không gian phù hợp. Biết đâu đấy, đó sẽ là một nhịp cầu cho ai đó yêu thích những điều thuộc về ký ức như tôi cùng tìm về quá khứ. Quá khứ sẽ luôn được nhắc nhớ, luôn được trân trọng, và luôn sống bằng chính tâm hồn, vẻ đẹp của cổ vật” - anh tâm sự.

Trong con người của gã họa sĩ phố Hội, vẫn luôn có một con đường để lần tìm về miền quá vãng, bằng những món đồ của cha ông đã từng sử dụng...

THÀNH CÔNG