Đổi thay đất nghèo Tam Sơn
(QNO) - Tầm một thập kỷ trước, Tam Sơn còn là xã nghèo nhất nhì của Núi Thành, giao thông cách trở, người dân không có sinh kế bền vững... Nay mọi chuyện đã khác, cái nghèo đói dần lùi xa, con đường lên xã cánh tây của huyện đã thênh thang. Khởi sự bắt đầu từ công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM).
Gác quá khứ vùng đất nghèo đói
Trong ký ức người dân địa phương, trước năm 2010, đường liên xã Tam Trà - Tam Thạnh - Tam Lãnh là con đường đất sét nhão nhoẹt, trơn trợt chỉ sau trận mưa. Điện sinh hoạt có nhưng khá chập chờn, một số nhà ở xa đường dây hạ thế vẫn thắp đèn dầu. Trạm y tế chưa đạt chuẩn quốc gia, điều kiện vật chất còn thiếu thốn, chưa đáp ứng tốt phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. “Nhà dân thưa thớt, đi lại chủ yếu là xe đạp hoặc đi bộ, những nhà có xe máy gần như không quá 100 nhà. Các thôn Thuận Yên, Danh Sơn muốn đi chợ phải đi đò vì không có cầu nối qua Sông Mùi” – Bí thư Đảng ủy xã Tam Sơn Trần Công Hiệu kể.
Về kinh tế, người dân sống chủ yếu bám vào kinh tế nông nghiệp là chính, trồng lúa trồng khoai, nước tưới hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên vì chưa có đập dâng, kênh mương dẫn nước…
Đảng bộ xã Tam Sơn xác định việc thực hiện xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để đưa địa phương này bước qua nghèo đói. Không gì bằng nhận thức của chính nhân dân nên công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức khác nhau. UBND xã tổ chức tuyên truyền trực quan trên địa bàn xã như lắp đặt 6 pano về chung tay xây dựng nông thôn mới tại các trục đường chính ở các thôn, 1 pano tại trụ sở UBND xã, hơn 35 pano tuyên truyền dọc tuyến đường chính. Tiếp sóng chuyên mục tuyên truyền, thông tin về nông thôn mới của đài truyền thanh, truyền hình huyện Núi Thành; lồng ghép trong các cuộc họp, tổng kết của UBND xã, các hội đoàn thể... Và phát động việc xây dựng xã nông thôn mới đạt chuẩn vào năm 2021.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM đến nay, xã Tam Sơn đã thay đổi toàn diện theo đúng phương châm “Nông thôn mới, sức sống mới, diện mạo mới”. Mạng lưới điện được phủ khắp toàn xã, 100% hộ dân được sử dụng điện an toàn trong nhà phục vụ sinh hoạt, điện thắp sáng được lắp đặt hầu hết các tuyến đường ĐH, ĐX của xã; đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa đảm bảo đạt chuẩn theo quy định, 100% các tuyến đường liên thôn được bê tông hóa, cầu Thuốc Hột bắt qua sông Mùi nối liền giao thông 3 thôn Thuận Yên Tây, Danh Sơn, Mỹ Đông với các thôn khác, nhân dân, học sinh đi lại thuận tiện hơn…
Chất lượng đời sống được nâng cao
“Điều đáng mừng nhất là công tác phát triển sản xuất, ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân đã có khởi sắc. Đến nay thì một số mô hình chăn nuôi trong nhân dân đã phát triển mạnh, tạo được nguồn thu nhập ổn định như mô hình trồng tiêu ở thôn Thuận Yên Tây; mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn toàn xã; mô hình trồng chè Đức Phú tại thôn Đức Phú... Và đã vận động thành lập Hợp tác xã Chè Đức Phú để liên kết tiêu thụ sản phẩm chè, trồng và chế biến để góp phần làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, giải quyết đầu ra cho người nông dân” – ông Trần Công Hiệu nói.
Các ngành nghề nông thôn, tiểu thủ công nghiệp đang từng bước được phát triển. Năm 2021, toàn xã có hơn 1.290 hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó 1.219 hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi, trồng trọt, 17 hộ bán hàng tạp hóa, 42 hộ sản xuất kinh doanh các mặt hàng đồ ăn, nước uống.
Thu nhập của người dân trên địa bàn xã tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm mạnh và xã Tam Sơn phấn đấu đến cuối năm 2021 xã không còn hộ nghèo, trừ hộ thuộc diện bảo trợ xã hội. “Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người khoảng 23 triệu đồng/năm thì năm 2021 thu nhập bình quân đầu người là 42,9 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 31,52% (371 hộ), hiện nay chỉ còn 60 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,68%. Và tỷ lệ người dân tham gia BHYT năm 2021 là 86,98%... là những minh chứng rõ nhất cho mảnh đất này về sự đổi thay nhờ xây dựng NTM” – Bí thư Đảng ủy xã Tam Sơn Trần Công Hiệu nhấn mạnh.
Đến nay tòa xã Tam Sơn đã có 1.224 hộ/tổng số 1.224 hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn, đạt 100%. Hệ thống điện phục vụ kinh doanh sản xuất, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân được đảm bảo thường xuyên về chất lượng và an toàn. Tuy nhiên, do đặc thù của địa phương đường dây điện hạ thế nằm xa khu dân cư nên hệ thống điện sau công tơ kéo dây dài, chưa đảm bảo an toàn. Nhận thấy vấn đề cần khắc phục, năm 2021 UBND xã đã đề xuất UBND huyện cho chủ trương đầu tư hệ thống trụ điện nâng dây sau công tơ trên địa bàn toàn xã (255 trụ bê tông) và vận động nhân dân chặt trên 200 cây tre để bổ sung các tuyến, đến nay cơ bản các tuyến dây điện đã được nâng cao đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
Trên địa bàn xã có 1 trường Mầm non – Trường mầm non Sóc Nâu với 1 cơ sở chính tại thôn Mỹ Đông, 3 cơ sở lẻ tại Danh Sơn – Thuận Yên Tây, Thuận Yên Đông, Đức Phú. Trường có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đảm bảo phục vụ nhu cầu dạy và học theo quy định. Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, THCS Quang Trung đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Với mạng lưới trường lớp kiên cố đã giúp học sinh có điều kiện học tập tốt hơn.