Nguy cơ mất an toàn trên công trình thủy điện

TẤN SỸ 10/12/2021 07:56

Mưa lũ diễn biến ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tại một số công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Thủy điện trên dòng Đắk Mi. Ảnh: T.S
Thủy điện trên dòng Đắk Mi. Ảnh: T.S

Thủy điện Đắk Mi 2 nằm trên địa bàn giáp ranh giữa xã Phước Công và xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn. Thủy điện này khởi công từ 14 năm trước nhưng do nhiều nguyên nhân nên đến nay vẫn chưa thể vận hành phát điện.

Tháng 10 năm ngoái, trận lũ lớn đã cuốn trôi cây cầu dẫn vào nhà máy, gần 200 công nhân bị mắc kẹt nhiều ngày ở công trình. Trong khi đó, lũ quét uy hiếp đến tính mạng của công nhân và đe dọa nhà máy.

Thời điểm đó, tỉnh và huyện Phước Sơn đã huy động tối đa phương tiện, con người và phải mất hàng giờ đồng hồ mới giải cứu công nhân an toàn. Còn trong mùa mưa lũ năm nay, việc thi công nhà máy ở ngã ba sông, lũ thượng nguồn đổ về đột ngột đã khiến nhiều công nhân rất bất an.

Ông Đậu Văn Trường (công nhân Công ty LILAMA 10, đơn vị đang thi công nhà máy thủy điện Đăk Mi 2) cho biết: “Anh em chúng tôi vừa làm vừa phân công người theo dõi lượng nước từ đầu nguồn, năm ngoái lũ về đột ngột sợ lắm rồi. Những ngày mưa gió này, nhiều công nhân xin nghỉ, để đảm bảo an toàn”.

Nằm gần thủy điện Đắk Mi 2, trận lũ năm ngoái đã vùi lấp nhà máy thủy điện Đắk Mi 3. Nhờ báo động kịp thời nên nhiều công nhân kịp thoát thân. Nhà máy bị vùi lấp, toàn bộ thiết bị trị giá hàng trăm tỷ đồng bị hư hỏng. Dừng vận hành gần 1 năm, thủy điện tổn thất không dưới 200 tỷ đồng.

Theo Công ty thủy điện Đăk Mi 3, sau một thời gian sửa chữa, nhà máy đã vận hành trở lại. Thế nhưng từ tháng 9 đến nay, các cơn bão lũ đã làm cho cát lấp cửa nhận nước, nhà máy buộc phải dừng hoạt động. Công trình thủy điện Đăk Mi 3 được quy hoạch, thiết kế để chống chịu được thiên tai cấp độ cao nhất. Thế nhưng chỉ qua cơn lũ dữ năm 2020 và các cơn lũ năm nay, việc vận hành thủy điện đã phải tạm ngưng.

Hiện nay, các thủy điện nơi đầu nguồn Đăk Mi đang xây những bức tường bê tông kiên cố để chống lại các cơn lũ dữ từ đầu nguồn. Tuy nhiên, do các thủy điện làm thu hẹp dòng chảy, mưa lũ lại phức tạp, việc đảm bảo an toàn cho nhà máy là một thách thức.

Tại Quảng Nam, từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương đã đánh giá tổng quan mức độ thuận lợi, bất cập khi triển khai các công trình thủy điện vừa và nhỏ. Trong đó, quan điểm của tỉnh là kiên quyết không chấp nhận đánh đổi tài nguyên thiên nhiên, cuộc sống an sinh của người dân để làm thủy điện. Đã có không ít dự án thủy điện buộc phải loại bỏ trong quy hoạch tổng thể chung của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết: “Những dự án nào không đảm bảo về năng lực tài chính, tác động đến rừng, môi trường, dân sinh thì cần phải cân nhắc. Có sự điều chỉnh hoặc thậm chí hủy bỏ dự án đó, không đưa vào quy hoạch nữa. Gần đây nhất tỉnh đã tổ chức một đợt rà soát, qua đó chúng tôi thấy 6 thủy điện cần thiết phải được loại bỏ ra khỏi quy hoạch. Bởi những dự án này quy mô rất nhỏ mà tác động đến môi trường, dân sinh rất lớn”.

TẤN SỸ