Dấu ấn nông thôn mới Thăng Bình

VIỆT NGUYỄN 10/12/2021 07:52

Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới tại Thăng Bình, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, đời sống của người dân được nâng lên.

Cơ giới hóa giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp ở Thăng Bình . Ảnh: Q.V
Cơ giới hóa giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp ở Thăng Bình . Ảnh: Q.V

Đến nay, ngoài xã Bình Minh tham gia xây dựng đô thị, toàn huyện đã có 16/20 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Xã Bình Dương đã hoàn thành chỉ tiêu, dự kiến được UBND tỉnh công nhận trong năm nay. Thăng Bình có 18 thôn được UBND huyện công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu. Xã Bình Phú dự kiến đạt chuẩn NTM vào năm 2022.

Đồng bộ hạ tầng

Người dân Thăng Bình đã đóng góp 104.000m2 đất, 21.030 ngày công, tháo dỡ hàng nghìn công trình, vật kiến trúc để làm đường giao thông nông thôn. Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho rằng, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là nhiệm vụ đột phá, then chốt trong xây dựng NTM, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của địa phương.

Theo đó,  nhiều tuyến ĐH được hoàn thành đưa vào sử dụng, các tuyến giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được kiên cố, nhựa hóa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, toàn huyện có 957,9km đường giao thông nông thôn đã nhựa hóa, 803,5km đường được bê tông hóa. Toàn huyện đã có 18/20 xã đạt tiêu chí giao thông.

Bình Lãnh đặt mục tiêu năm 2022 về đích NTM

Xã Bình Lãnh đang đặt ra mục tiêu về đích NTM vào năm 2022. Ông Trương Kim Đông - Bí thư Đảng ủy xã Bình Lãnh cho biết, địa phương đang dồn sức xây dựng NTM. Xã đã lập đề án liên kết sản xuất chuỗi giá trị sản phẩm, đề xuất huyện hỗ trợ cho các hộ phát triển kinh tế vườn, kinh tế gia trại với các mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò, gà...

Địa phương huy động, bố trí nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng NTM. Cùng với khai thác quỹ đất, Bình Lãnh huy động nhân dân hiến đất, cây cối, vật kiến trúc để xây dựng các công trình NTM, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế...

Thành tố quan trọng trong phát triển nông nghiệp của huyện là hệ thống thủy lợi. Giai đoạn 2012 - 2020, Thăng Bình đã đầu tư xây dựng 20/22 ao nước nhĩ phục vụ tưới tiêu nông nghiệp các xã vùng đông. Nhiều trạm bơm được đầu tư xây dựng, hệ thống kênh được mở rộng, bê tông hóa.

Theo thống kê, có 203,5km kênh mương cấp 1, cấp 2 được đầu tư, đã bê tông hóa được 157,5km. Kênh mương nội đồng đầu tư hơn 500km, trong đó đã kiên cố được 121km. Nhờ đó, diện tích tưới chủ động đạt tỷ lệ 60%. Hạ tầng thủy lợi đáp ứng cơ bản nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân, đã có 17/20 xã đạt tiêu chí thủy lợi.

Hệ thống điện trên địa bàn Thăng Bình từng bước được nâng cấp, hoàn thiện, đã đầu tư xây dựng hơn 324,4km đường dây trung áp, 591,23km hạ áp, hơn 337 trạm biến áp. Đến nay, đã có 19/20 xã đạt tiêu chí điện.

Hạ tầng một số chợ trung tâm như Hà Lam, Bình Trung, Bình Nguyên, Bình Tú được đầu tư xây mới, nâng cấp, đưa vào hoạt động, thúc đẩy phát triển thương mại của người dân. Toàn huyện đã có 20/20 xã đạt tiêu chí này. Hỗ trợ xây dựng nhà ở nông thôn được huyện quan tâm lồng ghép từ nhiều chương trình, đến nay đã có 20/20 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư...

Nâng cao thu nhập

Tại buổi làm việc về xây dựng NTM với đoàn công tác của tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn dẫn đầu, ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, mấu chốt trong xây dựng NTM ở địa phương là tăng thu nhập cho người dân.

Vì thế, nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã được ngành nông nghiệp giúp người dân tiếp cận, ứng dụng vào các lĩnh vực sản xuất. Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao được người dân áp dụng sản xuất, bước đầu tạo được hiệu ứng tích cực.

Đa dạng các mô hình kinh tế giúp người dân nâng cao thu nhập. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Đa dạng các mô hình kinh tế giúp người dân nâng cao thu nhập. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại được nông hộ phát triển phù hợp với quy hoạch. Chương trình OCOP ngày càng lan tỏa. Phát triển kinh tế rừng, trồng cây nguyên liệu được người dân tập trung sản xuất ở vùng tây, cải thiện thu nhập.

“Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được huyện được chú trọng đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 42 triệu đồng, đã có 18/20 xã đạt tiêu chí thu nhập” - ông Võ Văn Hùng nói.

Ông Lê Quang Hạt - Phó Bí thư Huyện ủy Thăng Bình đánh giá, qua 10 năm triển khai xây dựng NTM, các cấp, ngành từ huyện đến địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ. Nhiều mục tiêu của nghị quyết Huyện ủy về NTM đã đạt và vượt.

Diện mạo nông thôn trên địa bàn Thăng Bình được thay đổi toàn diện, thu nhập bình quân của người dân được nâng cao. Cơ cấu kinh tế được chuyển biến, tỷ lệ hộ nghèo được cải thiện, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đảm bảo, chất lượng y tế, giáo dục được nâng cao, văn hóa, môi trường được cải thiện...

VIỆT NGUYỄN