Tháo điểm nghẽn, mở cửa kinh tế
Hôm qua 8.12, ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa X tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn, qua đó xới lên nhiều vấn đề, từ chuyện đất đai, ngập lũ, phòng dịch, mở cửa du lịch, phục hồi tăng trưởng kinh tế...
Đất đai và thoát lũ
Hàng trăm dự án đầu tư công, tư “đứng bánh”. Tất cả đều bắt đầu từ chuyện không gỡ nổi điểm nghẽn giải phóng mặt bằng, thiếu dữ liệu đất đai… đã được đem ra “mổ xẻ”. Sự chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp.
Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đức nói, cấp quyền sử dụng đất cho dân quá yếu. Đại Lộc còn đến gần 1.500 hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dù đất đai của họ đã mua từ chính quyền các xã, tái định cư, di dời sạt lở… thì làm sao người dân có thể an cư?
Sự yếu kém này có phải do năng lực hay quá tải của ngành tài nguyên và môi trường, có cần thiết phải thay đổi bằng việc mở rộng xã hội hóa trong việc đo đạc hay không?
Bí thư Huyện ủy Phú Ninh Vũ Văn Thẩm cho rằng, hình như tình trạng đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vượt quá khả năng của cơ quan quản lý. Tại sao không nghĩ đến chuyện tư nhân có thể kết hợp với các trung tâm đo đạc để đẩy nhanh tiến độ này?
Đại biểu Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nói, chuyện phân cấp thẩm định hồ sơ đo đạc dự án kéo dài khiến nhiều địa phương mất đi cơ hội thu hút đầu tư…
Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Trần Thanh Hà thừa nhận, đã quá chậm trong sự vụ này. Một phần tồn đọng do lịch sử. Không riêng gì Đại Lộc mà xảy ra hầu hết địa phương, không dễ gì tháo gỡ.
Ông Hà cho biết dữ liệu đất đai giai đoạn 1 sẽ được hoàn thiện vào 31.12.2021. Ngành sẽ phối hợp các địa phương để hoàn tất tiến trình này. Xã hội hóa đo đạc cũng đã triển khai ở nhiều địa phương. Song ông Hà cũng lo ngại nếu không tạo ra được sản phẩm chất lượng của đo đạc, hồ sơ bản đồ thì cũng không cần phải ủy quyền làm gì.
Câu trả lời của Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phú về chuyện ngập lũ của Tam Kỳ một phần do nước từ Phú Ninh về đã không nhận được sự đồng tình. Thế nào là giải pháp căn cơ cho tình trạng này?
Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Trần Nam Hưng nói, ngập úng cục bộ đô thị có thể từ biến đổi khí hậu, nhưng chính là do đầu tư thiếu quy hoạch các khu dân cư mới, hạ tầng. Vấn đề là năng lực thoát nước, nhưng hiện tại hệ thống mương thoát nước đô thị chưa thể khớp nối với hệ thống thoát nước chính. Cần nguồn lực và biện pháp thực hiện như thế nào để chấm dứt tình trạng này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho hay, một khi có kết quả của đề án nghiên cứu khoa học (đang thực hiện) sẽ triển khai trên thực tế, giải quyết “cửa thoát lũ” cho đô thị này. Sẽ đầu tư mở rộng thoát nước đường Hùng Vương, các dự án kết hợp cảnh quan cải tạo sông Bàn Thạch…
Tất cả công trình hạ tầng đầu tư tại Tam Kỳ sẽ buộc phải đánh giá tác động môi trường, không thể thiếu tầm nhìn xa như trước (do yếu nguồn lực, chưa đánh giá mức tăng cơ học, tự nhiên của dân số…).
Khả năng phòng dịch và mở cửa du lịch
Quảng Nam đã quyết định mở cửa du lịch thông qua các show diễn, liên kết hay đề xuất Năm du lịch Quốc gia tại Quảng Nam năm 2022, mở rộng biên độ phát triển du lịch xanh, sinh thái… về phía nam và tây… Thế nhưng, những kiến giải hay dự định của Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thanh Hồng không thể làm vừa lòng hay thỏa mãn khát vọng tái thiết du lịch địa phương.
Đại biểu Phan Xuân Thanh cho rằng, đại dịch bất khả kháng, đã đẩy hơn 90% doanh nghiệp du lịch khủng hoảng. Làm thế nào họ có thể mở cửa trở lại khi “sức tàn, lực kiệt” nhưng các kiến nghị của họ về miễn giảm, hoãn thuế, thuế đất vẫn chưa có câu trả lời chính thức.
Đại biểu Nguyễn Thị Thùy Trang nói, khu du lịch sinh thái Phú Ninh vẫn đang giậm chân tại chỗ, chưa đóng góp gì cho ngành du lịch và địa phương thì làm thế nào để tăng tốc?
Đại biểu Vũ Văn Thẩm cho rằng, phải trả lời cho được câu hỏi làm sao có thể đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa ra các tiêu chí cho khu du lịch hồ Phú Ninh khi giai đoạn 1 chỉ mới xây dựng 53%, không có hoạt động gì.
“Liệu giữa quảng cáo và thực tế có khác xa không, ai kiểm soát? Không thể để doanh nghiệp không đầu tư mà chiếm giữ chỗ nhiều năm như vậy?” - đại biểu Vũ Văn Thẩm nói.
Sự khác nhau giữa thực tế khiến Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cũng than phiền đã đến nhiều lần nhưng không thấy đầu tư (cáp treo và nhiều hoạt động khác) như những gì chủ đầu tư đã quảng cáo.
Ước vọng phát triển du lịch phía tây đã bị đặt dấu hỏi khi đại biểu La Lim Hậu cho biết, khi chỉ 1,3km đường Hồ Chí Minh đã được phục dựng thành khu du lịch lịch sử chiến trận ở Nam Giang đã hư hỏng, xuống cấp và bản sắc văn hóa đồng bào vẫn chưa có lực để khai mở.
Hay đại biểu Bling Mia nói 12km đường Hồ Chí Minh nguyên trạng đã được công nhận di tích lịch sử quốc gia nhưng không được đầu tư thì lấy gì phát triển du lịch?
Ông Nguyễn Thanh Hồng nói, sẽ đôn đốc chủ đầu tư và ra “tối hậu thư” nếu không cam kết đẩy nhanh tiến độ thì sẽ đưa ra biện pháp thu hồi khi hiện tại có khá nhiều nhà đầu tư muốn nghiên cứu đầu tư vào khu vực này.
Sắp tới sẽ trình xin chủ trương đầu tư tu bổ các di tích đã xuống cấp, đưa vào danh mục trình kỳ họp HĐND tỉnh đầu năm 2022 (có di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh). Chờ dự án xây dựng tượng đài huyền thoại Trường Sơn hoàn thành sẽ chuyển thiết bị, dụng cụ tại khu di tích đã phục dựng về trưng bày tại chỗ.
Về kiến nghị tiền thuê đất của doanh nghiệp du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang nói, chuyện miễn giảm tiền thuê đất không thuộc thẩm quyền của địa phương. Sẽ kiến nghị Trung ương tiếp tục miễn giảm (đã giảm 30%). Thẩm quyền địa phương chỉ có thể xem xét, điều chỉnh hệ số tính giá thuê đất đến mức thấp nhất (0,5%) thì mặc nhiên tiền thuê đất của doanh nghiệp sẽ được giảm đến 50%.
Đại biểu Huỳnh Thị Thùy Dung đặt vấn đề có giải pháp nào cho trước mắt và lâu dài kiểm soát dịch bệnh khi nguồn lực và trang thiết bị y tế thiếu hụt? Đại biểu Trần Thị Bích Thu hỏi, làm thế nào để tuyến huyện có đủ năng lực điều trị F0 và bệnh viện phụ sản nhi chỉ mới hoàn thành phần “vỏ”, bao giờ hoạt động đúng tên gọi của nó?
Giám đốc Sở Y tế Mai Văn Mười nói, Quảng Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Ngành y tế đã sẵn sàng các kịch bản (từ các xe lưu động điều trị F0 tại nhà đến hướng dẫn, truyền thông giám sát…). Đã bố trí tại các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện từ 20 - 50 giường bệnh và thuốc (Bộ Y tế đã phân bổ cho Quảng Nam 50.000 viên thuốc) điều trị F0...