Xây dựng hệ thống giao thông thích ứng với thiên tai
Xây dựng hệ thống giao thông thích ứng với thiên tai là giải pháp cần thiết nhằm hạn chế thiệt hại mỗi khi mùa mưa bão đến, nhất là ở vùng cao của Quảng Nam.
Quốc lộ 40B là tuyến đường huyết mạch từ TP.Tam Kỳ lên huyện Bắc Trà My, Nam Trà My cũng như kết nối Quảng Nam với tỉnh Kon Tum. Mỗi khi vào mùa mưa, nguy cơ sạt lở gây ách tắc giao thông luôn hiện hữu.
Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Tại khu vực chân đập thủy điện Sông Tranh 2, năm ngoái đã xảy ra một vụ sạt lở làm chết một người và bị thương hai người. Còn năm nay, cứ mưa lớn là sạt lở đất. Có thể do thi công tuyến đường cắt ngang đồi núi dẫn đến hiện tượng trên. Chỉ có phương án xây dựng bờ kè mới giải quyết được tình trạng trên một cách bền vững”.
Tương tự là tuyến đường ĐT606 từ trung tâm huyện Tây Giang lên 4 xã biên giới, khoét sâu vào núi nhưng không có bờ kè, hệ thống thoát nước. Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết: “Đã đến lúc cần có đánh giá, khảo sát về tác động môi trường trước khi làm đường, hạn chế sạt lở để phát huy hiệu quả đầu tư nguồn vốn nhà nước”.
Những năm qua, Quảng Nam đã ưu tiên vốn ngân sách đầu tư hệ thống giao thông miền núi. Ngoài tuyến quốc lộ, sau mưa lũ, hiện nay hơn 450km tuyến tỉnh lộ luôn trong tình trạng hư hỏng.
Ông Trần Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải nói: “Cần có cái nhìn khác về thiết kế, xây dựng giao thông miền núi nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Cần đầu tư hệ thống thoát nước bài bản, hạn chế đào sâu, đắp cao, tránh tình trạng sạt lở. Bởi, hầu hết tuyến giao thông miền núi mỗi khi đầu tư đều tốn ngân sách nhà nước rất lớn”.
Ông Hoàng Ngọc Tuấn - Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên cho hay, sạt lở các tuyến giao thông ở miền núi có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, do chúng ta cắt núi làm đường đã thay đổi độ dốc rất lớn. Xây dựng các công trình giao thông nhưng không có hệ thống thoát nước dọc, ngang, đặc biệt là cống qua đường không đảm bảo. Điều này làm gia tăng nguy cơ sạt trượt.
Tại các khu vực sạt lở vừa qua tại Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang đều có những nguyên nhân trên. Chúng tôi đang nghiên cứu đề tài “Một số giải pháp dự báo, cảnh báo sớm và phòng chống sạt lở đất phục vụ bố trí dân cư ở 3 huyện Nam Trà My, Bắc Trà My và Phước Sơn”.
Trong đó, đánh giá mức độ sạt lở, xây dựng hệ thống giao thông thích ứng với biến đổi khí hậu tại miền núi Quảng Nam cũng được thu thập thông tin để đưa ra cảnh báo sớm nhất” - ông Tuấn nói.