Lo ngại học sinh vi phạm giao thông

CÔNG TÚ 07/12/2021 06:45

Tụ tập dưới lòng đường, chạy xe dàn hàng ngang, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, điều khiển xe khi chưa đủ tuổi, vượt đèn đỏ... là những vi phạm an toàn giao thông phổ biến của học sinh. Nếu không chấn chỉnh, hành vi trên sẽ thành thói quen khó đổi của thế hệ trẻ.

Học sinh vượt đèn đỏ gây nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Ảnh: C.T
Học sinh vượt đèn đỏ gây nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Ảnh: C.T

Vi phạm tràn lan

Tại ngã ba đường Phan Bội Châu - Nguyễn Hoàng (trước bến xe Tam Kỳ, TP. Tam Kỳ), không khó bắt gặp hình ảnh những cô cậu học trò đi xe đạp, xe đạp điện, xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 vô tư vượt đèn đỏ.

Ngay nơi giao nhau giữa quốc lộ 1 - tuyến ĐT617 (Núi Thành) hay ngã ba đường Nguyễn Tất Thành - Huỳnh Ngọc Huệ (Đại Lộc), cảnh tượng học sinh không dừng trước đèn đỏ chẳng còn hiếm gặp. Hành vi nêu trên được xem là thiếu văn hóa, gây nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT).

Quan sát chung quanh nhiều trường THPT, học sinh đi xe máy, gửi xe tại các điểm trông xe tự phát do người dân lập gần trường để tránh sự kiểm soát của thầy cô. Hầu hết đều chưa có bằng lái xe, chưa đủ tuổi sử dụng và chưa có ý thức điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn.

Ra khỏi cổng trường, các em chạy xe máy thường không đội mũ bảo hiểm (MBH), tụ tập đi hàng hai, hàng ba, lạng lách đánh võng trên đường. Thực trạng này rất đáng lo ngại, diễn ra phổ biến và là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây TNGT cho lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Đáng lo là các nhóm học sinh còn tụm năm tụm bảy tràn xuống lòng, lề đường đùa giỡn nhau gây mất an toàn giao thông (ATGT).

Viện lý do giữ hình tượng, sợ hỏng tóc, có em không đội MBH nhưng vẫn lạng lách, miệng thì cười hô hố ra vẻ ta đây, mặc kệ tính mạng bản thân đang bị đe dọa. Điều kiện kinh tế khá giả, một số phụ huynh mua xe lớn hơn 50cm3 cho con đi học, dù theo quy định học sinh chưa đủ tuổi để điều khiển. Học sinh thiếu kỹ năng lái xe, chưa có kinh nghiệm phán đoán và xử lý tình huống dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự cơ động Công an huyện Nam Giang - Thiếu tá Phan Văn Quang chia sẻ, một số trường hợp học sinh đi xe phân khối lớn, không đội MBH gặp cảnh sát giao thông đang chốt chặn kiểm soát trên đường liền quay đầu rồ ga chạy thục mạng. Nếu học sinh bị lập biên bản xử lý, phụ huynh liền đến đóng phạt ngay nên đã gieo vào đầu con em tâm lý dựa dẫm, coi thường luật pháp.

Quyết liệt chấn chỉnh

Theo Sở GD-ĐT, học sinh sử dụng mô tô, xe máy điện để đi học đang khá phổ biến, bộc lộ nguy cơ mất an toàn, đã có một số vụ tai nạn do các em chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện gây ra. Lỗi vi phạm chủ yếu là điều khiển xe mô tô dung tích 50cm3 trở lên ở độ tuổi 16 đến dưới 18; không có giấy đăng ký xe; không đội MBH khi sử dụng xe đạp điện, xe máy; dàn hàng ngang, kéo theo bạn bè đi xe đạp…

Trước thực trạng này, nhiều trường học đã tổ chức họp phụ huynh để tuyên truyền, nhắc nhở và đề nghị ký cam kết không giao xe máy cho con chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; đội MBH khi ngồi trên xe máy, xe đạp điện. Nhà trường còn yêu cầu học sinh ký cam kết, nhưng thực tế học sinh vi phạm trật tự ATGT vẫn diễn ra tràn lan.

Giám đốc Sở GTVT Văn Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho hay, ngay từ đầu năm 2021, lãnh đạo Ban ATGT tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành liên quan chấn chỉnh quyết liệt vi phạm ATGT nơi học đường.

Ban ATGT tỉnh đã đề nghị Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục quán triệt đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh chấp hành tốt pháp luật về ATGT; nghiêm túc thực hiện các quy định tổ chức đưa, đón học sinh bằng ô tô. Tiếp tục thực hiện các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATGT, lái xe mô tô an toàn, giao lưu “Giao thông học đường”, “ATGT cho nụ cười trẻ thơ”, “ATGT cho nụ cười ngày mai”.

Sở GD-ĐT phối hợp với các ban ngành của địa phương tiếp tục xây dựng mô hình “Cổng trường ATGT”; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của học sinh; trang bị văn hóa giao thông và các kỹ năng tham gia giao thông an toàn.

Sở GD-ĐT triển khai nhiều giải pháp, trọng tâm là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về ATGT. Tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật về ATGT; quán triệt phụ huynh không giao xe gắn máy cho con em chưa đủ điều kiện điều khiển; tăng cường giám sát học sinh sử dụng xe máy đến trường.

Đáng chú ý, đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT là một tiêu chí đánh giá hạnh kiểm, đạo đức của học sinh; đưa giáo dục ATGT nơi học đường thành nội dung đánh giá thi đua trong năm học đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và các phòng GD-ĐT.

Đặc biệt, gia đình phải vào cuộc nhắc nhở, giáo dục con em tuân thủ quy định ATGT, để không còn phải thấp thỏm, lo sợ sự an toàn của chúng mỗi lần đi đến trường và trở về nhà.

CÔNG TÚ