Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Không có chính sách đủ mạnh sẽ khó phục hồi

TRỊNH DŨNG 06/12/2021 07:20

Chương trình tổng thể kèm theo chính sách tài khóa, tiền tệ đủ mạnh, lớn, đủ dài thời gian sẽ giúp Việt Nam khôi phục và phát triển bền vững, không “lỡ nhịp” xu hướng phát triển của toàn cầu. Đó là nội dung xuyên suốt tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 mở ngày 5.12.

Cần chính sách đủ mạnh, lớn, dài thời gian và nhanh thực thi sẽ giúp nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng. Ảnh: T.D
Cần chính sách đủ mạnh, lớn, dài thời gian và nhanh thực thi sẽ giúp nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng. Ảnh: T.D

Cần chính sách hỗ trợ

Đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế thế giới chao đảo. Việt Nam không ngoại lệ. GDP Việt Nam chỉ đạt khoảng 2 - 3%, không đạt chỉ tiêu 6 - 6,5%. Xung lực nào để khôi phục kinh tế, tìm cơ hội tăng trưởng. TS.

Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho hay, cần chính sách hỗ trợ; nâng cao năng lực y tế, giảm chi phí, giãn, hoãn nghĩa vụ tài chính, tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của doanh nghiệp, an sinh xã hội. Nếu không có các chính sách thì sẽ không thể phục hồi kinh tế và tăng trưởng.

Phục hồi kinh tế sau đại dịch như thế nào là điều tối quan trọng. Ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng của Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam cho rằng, hiện tại các giải pháp chuyên môn về y tế vẫn mang tính quyết định. Chính sách kinh tế vĩ mô là công cụ hỗ trợ. Việt Nam có thể chấp nhận mức bội chi và nợ công tăng để hỗ trợ nền kinh tế. Các gói hỗ trợ nên ưu tiên cho các biện pháp ngắn hạn (hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp)...

PGS-TS. Bùi Quang Tuấn - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nói, doanh nghiệp cầm cự đến giai đoạn này đã hụt hơi. Nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời thì số doanh nghiệp phá sản rất nhiều, kể cả doanh nghiệp đang “khỏe”. Cứ mỗi tháng khoảng 10.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường là con số đáng báo động. Cần tìm động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh. Các gói hỗ trợ cần hiệu quả và có tác dụng ngay.

Ông Tuấn nói, cần ưu tiên nguồn lực củng cố y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết điểm nghẽn đầu tư công. Tính toán nhằm đảm bảo dòng tiền hỗ trợ thực sự được đưa vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và hộ gia đình, thay vì chuyển qua kênh đầu cơ các tài sản tài chính rủi ro, vốn không đóng góp cho phục hồi tăng trưởng.

Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam - Francois Painchaud khẳng định, kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi bất chấp các đợt dịch bùng phát, sẽ có lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, các hỗ trợ chính sách cần dựa trên tình hình phát triển kinh tế. Các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội cần đi kèm với các hỗ trợ về mặt chính sách cần thiết, kịp thời cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi mở cửa trở lại.

Phải đủ mạnh, dài hơi và nhanh

Không thiếu chính sách đã đưa ra để “giải cứu” nền kinh tế. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì quy mô các chính sách hỗ trợ chưa đủ lớn. Chủ yếu tác động về phía cung. Chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân, doanh nghiệp, chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực đủ mạnh để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung, cầu của nền kinh tế. Nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi rộng thì nền kinh tế sẽ không thể sớm phục hồi và tăng tốc. Nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới sẽ xảy ra.

Ông Francois Painchaud cho hay, mục tiêu phục hồi và phát triển của Việt Nam có thể đạt được, nhưng đòi hỏi những cải cách quyết liệt hơn. Các chương trình hồi phục đã được chính quyền Việt Nam cân nhắc để đưa ra những cải cách nhằm nâng cao năng suất. Kế hoạch cải cách này cần được thực hiện một cách quyết đoán và nhanh chóng hơn nữa.

TS. Cấn Văn Lực nói, quan điểm, mục tiêu của chính sách phải hỗ trợ cả tổng cung, cầu và đa mục tiêu. Phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, có quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, có trọng tâm, trọng điểm, khả năng khả thi và triển khai nhanh.

Xu hướng kinh doanh mới xuất hiện trong biến cố, thách thức được ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế VCCI Việt Nam cho hay, doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng thay đổi mô hình kinh doanh không phù hợp, thích ứng tốt hơn, hướng nội, hướng đến những tiêu chuẩn xanh hơn và vì con người hơn.

Đại dịch khó khăn nhưng cũng là cơ hội rất lớn để Việt Nam nâng mình, nhưng các gói hỗ trợ không thể dừng ở tính cấp cứu, hà hơi, tiếp sức từng ngày mà còn phải tính đến chuyện đưa nền kinh tế quay trở lại đường đua, phát triển và tăng tốc.

Quốc hội thể hiện sự đồng hành với Chính phủ, quyết tâm đưa nền kinh tế vượt thoát khó khăn. Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh cho hay, chính sách tài khóa, tiền tệ rất quan trọng. Việc xây dựng các gói chính sách hỗ trợ phù hợp. Các chính sách đưa ra phải đủ lớn, trọng tâm, trọng điểm để tạo ra cú hích, thay đổi cần thiết cho nền kinh tế.

“Các gói kích thích khả thi và được thực thi nhanh, tập trung lĩnh vực có tính lan tỏa rộng. Ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối lớn của nền kinh tế, tính dài hạn và an ninh, an toàn tài chính quốc gia. Các chính sách huy động, phân bổ nguồn lực đảm bảo công khai, minh bạch” - ông Thanh nói

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, đã giao Chính phủ xây dựng Chương trình tổng thể về phòng chống dịch Covid -19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, kèm theo xây dựng các gói chính sách về tài khóa, tiền tệ hỗ trợ cho các chương trình này. Huy động nguồn lực từ đâu? Nhất là trong điều kiện thị trường vốn trung, dài hạn của Việt Nam còn hạn chế. Phân bổ nguồn lực vào những mục tiêu cụ thể nào, khả năng hấp thụ vốn...khi nền kinh tế vẫn còn nhiều điểm nghẽn, vướng mắc... Nên xây dựng gói kích thích không chỉ là phục hồi kinh tế mà cả vấn đề phục hồi, phát triển xã hội, bao gồm cả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và phối hợp với các chính sách vĩ mô khác.

TRỊNH DŨNG