Gọi nhau một tiếng... Hội An
Chưa bao giờ, trên những ngõ phố rêu phong lại nghe nhiều thanh âm xao xác như mùa này. Nhẽ ra, trong tiết trời chớm đông ở phố cổ sẽ lại nhìn thấy những áo dài xúng xính cùng cúc hoa, khăn áo phô diễn cùng tiết trời. Tháng 12 năm nay, có lẽ là khoảng thời gian buồn nhất của Hội An, sau hơn hai chục năm phố thị này được định danh di sản…
Bao giờ cho đến ngày xưa?
Bà Sa, cư dân đang ở tại đường Nguyễn Phúc Chu, kéo lại chiếc cổng trước bóng nắng chiều xiên khoai vào thềm sân. “Buồn quá! Biết bao giờ mới vui lại đây hè?” – bà hỏi người đối diện, hay nói với chính mình cũng không rõ.
Những dòng tâm trạng như vậy, vẫn đầy lên mỗi ngày với từng người quen ở Hội An. “Bao giờ”, như vừa hỏi vừa cảm thán! Ừ, không biết bao giờ? Người ta có thể chi li từng con số, để thấy một Hội An xáo xác, nhưng không ai có thể kiểm đếm được nỗi buồn trong từng người dân bản địa.
Tôi vẫn còn giữ cho riêng mình những cảm xúc hân hoan của một Hội An đầu tháng 12 hằng năm – khi hàng loạt sự kiện, hội lễ được tổ chức để chào mừng ngày 4.12 – ngày Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Hai mươi năm có lẻ, Hội An cho cả thế giới biết được vai trò của văn hóa, vị thế của văn hóa trong công cuộc sinh tồn và phát triển. Một chút hồi ức về phố Hội của những ngày cũ.
Bạn bè thập phương vẫn cứ ngỡ ngàng khi đặt chân vào một phố thị hình thành bên bờ dòng sông Hoài xuôi về Cửa Đại - như một “bảo tàng sống”. Ở đó, những nếp nhà cổ được giữ phần nào nguyên vẹn, từ kiến trúc, không gian cho đến cả những câu chuyện của nếp nhà…
Các giá trị của “bảo tàng sống” Hội An, có lẽ càng đi sâu càng thấy mê hoặc. Sự tinh tế của di sản không chỉ nằm trên hình ảnh. Ando Katshuhiro - kiến trúc sư người Nhật, hơn 13 năm góp mặt trong các câu chuyện bảo tồn công trình kiến trúc cổ tại Hội An, khi còn ở Việt Nam, có dịp là anh lại tất tả về Hội An.
Cộng đồng các nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản vẫn cứ tìm về Hội An như một chốn thân thuộc với văn hóa, bản sắc của họ. Mỗi con hẻm, mỗi ngôi nhà phố, mỗi di tích cổ… đều là những chỉ dấu thời gian quý giá đối với vùng đất đặc biệt, với từng người đã chạm đến tầng vỉa sâu hơn hình ảnh bên ngoài của Hội An. Những không gian sống đan xen giữa cũ và mới… cứ vậy làm nên dáng dấp Hội An…
Trong mạch hồi ức này, ông Nguyễn Chí Trung – nguyên Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa và danh thắng Hội An nói, hai năm qua là một quãng lặng để Hội An có một không gian tĩnh. Và cũng là, theo một cách nào đó, giữ chân lại những người thật sự đến Hội An vì yêu quý di sản.
Dẫu rằng, ông Trung nói, thương tổn của đại dịch lên mọi mặt của đời sống là điều đành phải chấp nhận. Nhưng chính trong quãng trầm này, mới thấy rằng, Hội An cần một đường hướng phát triển sâu hơn, không phải sự ồn ào chớp nhoáng, không phải việc phủ lên hằng hà ánh sáng và sắc màu để cho phố nhộn nhịp. Bởi tự bản thân mình, Hội An đã tỏa sáng một cách khiêm cung nhất.
“Hai mươi năm hơn, những thành tựu đạt được trong cung cách bảo tồn đã thấy rõ. Cộng đồng cư dân đã nhận thức đầy đủ rằng giá trị của việc bảo tồn văn hóa truyền thống lớn hơn gấp nhiều lần so với việc tìm cách làm mới nó, hay đủ mọi cách khác để tận cùng khai thác di tích.
Quãng đường sau này, chỉ riêng với khu di sản Hội An, cần phải có cách tiếp cận khoa học, cách khai thác các giá trị văn hóa mà di sản đang nắm giữ một cách tiết chế, hợp lý hơn” – ông Nguyễn Chí Trung nói.
Khi sở trường bị “phế”
Tháng mười hai về. Không như dự báo hụt thu, năm 2021 Hội An thu ngân sách ước đạt gần 1.637 tỷ đồng, đạt 105% so với dự toán. Ông Trần Ánh - Bí thư Thành ủy Hội An trầm ngâm: “Mới nhìn con số thì tưởng là vượt thu, là đáng mừng, nhưng thực chất phân tích rõ ra thì cơ bản là chuyển nguồn từ thu tiền sử dụng đất chứ thu phát sinh từ kinh tế khá tệ”.
Cũng phải thôi, khách đến Hội An năm nay chỉ có 158 nghìn lượt. Tính ra chỉ xấp xỉ lượng khách đến thành phố này trong 1 tuần ở thời hoàng kim năm 2019 thì đào đâu ra nguồn thu từ kinh tế?!
Vừa rồi có đoàn khách quốc tế thí điểm ghé qua, phố cổ được một ngày rôm rả. Hết. Rồi đâu lại vào đấy, buồn lê thê như cũ. Mọi người hay tếu táo là bây giờ sự kiện du lịch ở Hội An, báo chí đông hơn cả du khách.
Gặp ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương tại một sự kiện du lịch, chúng tôi hỏi: “Bao giờ thì du lịch Hội An mới tương đối ổn lại một chút được anh?”.
Ông Thủy bộc bạch: “Mấy ngày nay anh em lữ hành chạy đôn chạy đáo xúc tiến khắp nơi đấy, nhưng rất khó. Nhu cầu khách là có, tuy nhiên nếu làm với mức giá thông thường thì doanh nghiệp bù lỗ không nổi, còn cao quá thì khách không chấp nhận.
Du lịch theo chuyến bay charter trọn gói nếu phục vụ cả hai chiều may ra chúng tôi mới cân đối chi phí được. Nhưng bây giờ đâu có khách Việt ra nước ngoài đâu. Sớm nhất cũng phải đến tháng 3 năm sau nếu Chính phủ chấp nhận mở cửa rộng rãi chuyến bay thương mại thì Hội An mới có cơ sở gượng dậy được”.
Hội An vốn “đất chật người đông”, đâu thể xoay ngân sách bằng nguồn thu từ tiền sử dụng đất mãi. Dẫu biết đây chỉ là tình thế bất đắc dĩ trong ngắn hạn của đô thị cổ này, nhưng “khai thác” nguồn thu ngân sách từ đất dù bằng hình thức nào cũng khó mang lại sự bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương. Với Hội An càng khó chấp nhận thực trạng trên.
Dịch còn kéo dài thì chưa biết khi nào sẽ phục hồi du lịch. Đó là chưa nói đến rủi ro phi truyền thống khác trong tương lai. Ai cũng biết, cũng đặt câu hỏi là địa phương có hướng nào để thôi “bỏ trứng vào một giỏ” hay không.
Chia nhiều giỏ đâu chưa thấy, không khéo sau khi nạo vét sông Cổ Cò, phát triển một số dự án khu đô thị mới xong, sẽ có thêm mấy trăm hộ thôi không nuôi trồng thủy sản bên dòng Đế Võng nữa. Số này đi đâu? Bán rớ, treo chươm rồi chắc cũng “tọt” luôn số “trứng” này tiếp vào “giỏ” du lịch?
“Đại học không giảng đường”
Chiều mưa cuối tuần. Bên sông, mấy chục nông dân cùng lãnh đạo thành phố, doanh nghiệp rôm rả đối thoại về… cây lúa. Họ quyết định sẽ trồng lúa hữu cơ.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói: “Diện tích làm nhỏ thôi, nhưng nếu làm thành công sẽ tạo đà cho nhiều khu vực khác của thành phố bắt nhịp với kinh tế xanh. Ở dự án này cũng có 4 nhà. Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông hợp tác làm. Mỗi chủ thể cứ làm đúng phần việc đã cam kết của mình thì dự án sẽ thành công thôi”.
Ông Phan Xuân Thanh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Emic Hospitality trải lòng: “Lúa hữu cơ thì nhiều nơi làm rồi. Chúng tôi hợp tác với người dân chẳng phải để bán hạt lúa ấy đến du khách mà cần ở đó nhiều thứ hay ho hơn. Bởi, chúng ta có tạo ra hàng trăm sản phẩm xanh mà điểm đến không xanh, lối sống không xanh, quản trị không xanh thì cũng sẽ thiếu bền vững mà thôi”.
Chúng tôi biết ông Thanh khát khao về một mạng lưới “đại học không giảng đường” ở Hội An mà trước hết là ở Cẩm Thanh. Ở đó, du khách là “sinh viên” còn đôi khi chính những người nông dân lại truyền cảm hứng cho họ về lối sống, về sự chuyển đổi mà cả quá trình thẩm thấu có khi lên đến hàng chục năm mới có thể thực hiện được.
Bên kia sông Đò là làng rau Thanh Đông, nơi chuyển đổi sang canh tác hữu cơ gần chục năm nay và đã hái quả ngọt. Người nông dân ở đó từng đi dự sự kiện gặp gỡ những nông dân tiêu biểu về làm nông nghiệp hữu cơ trên toàn thế giới do Liên đoàn các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ quốc tế tổ chức.
“Tại sao một nơi “sinh sau đẻ muộn” trên cả nước về canh tác hữu cơ như ở làng Thanh Đông lại có đại diện tham dự chương trình đó được nếu chỉ đơn thuần là trồng rau hữu cơ?” - ông Nguyễn Thế Hùng đặt câu hỏi. Ông Hùng và nhiều người khác dường như cũng thừa biết câu trả lời…