Đồng bào Tây Giang thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

ĐÌNH HIỆP 30/11/2021 20:55

(QNO) - Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, mà nhiều đồng bào Cơ Tu của huyện Tây Giang đã thoát nghèo thực chất.

 
 Gia đình anh Abing Dưới thoát nghèo từ mô hình trồng cam Vinh. Ảnh: ĐH

Vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách - xã hội huyện Tây Giang, năm 2019 gia đình anh Abing Dưới, thôn Tr’Lêê (xã A Tiêng) trồng 200 cây cam Vinh, hiện đang cho ra quả. Năm đầu tiên, anh thu nhập hơn 50 triệu đồng từ tiền bán cam. Ngoài ra, trong khu vườn hộ này còn trồng thêm nhiều loại cây ăn quả khác, nuôi đàn heo cỏ, 100 con gà, vịt, kết hợp nuôi thả cá chép, cá diêu hồng. 

Anh Dưới bộc bạch, thôn Tr’Lêê vừa thành lập, đất đai mới khai hoang còn màu mỡ. Được hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện, gia đình mạnh dạn đầu tư trồng trọt kết hợp với chăn nuôi tập trung trong vườn.

Thấy mô hình kinh tế anh Dưới bước đầu mang lại hiệu quả, nhiều nông hộ khác ở thôn Tr’Lêê đã học hỏi áp dụng và thoát được nghèo. "Nhờ trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi mà gia đình được đưa ra danh sách hộ nghèo của thôn, có tiền mình còn sắm được xe máy, ti vi, tủ lạnh trong nhà" - Abing Dưới phấn khởi.

 
Niềm vui của vợ chồng anh Cơlâu Thái Ngọc vì được mùa sâm Bakích. Ảnh: Đ.H

Tại xã Lăng, nhiều hộ mạnh dạn vay vốn ưu đãi ngân hàng trồng cây sâm ba kích. Vợ chồng Cơlâu Thái Ngọc, thôn Pơ’ning (xã Lăng) vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách - xã hội huyện Tây Giang đầu tư vườn ươm để trồng và bán cây con giống dược liệu. Đến nay, gia đình anh sửu hữu 3ha cây ba kích đang thời kỳ thu hoạch. Với giá bán mỗi ký củ từ 300 - 400 nghìn đồng, mỗi năm gia đình anh thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Cơlâu Thái Ngọc là một trong những hộ gia đình trẻ thoát nghèo nhanh nhất xã Lăng. Sau hai năm tách hộ, anh đã xây một ngôi nhà khang trang, sắm xe máy, tủ lạnh, ti vi đắt tiền. Anh Ngọc cho biết, tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc làm nên anh quyết định bám trụ quê hương và khởi nghiệp từ cây ba kích. "Ba kích của gia đình thu hoạch đến đâu thì bán hết đó. Nhiều người từ Hà Nội, Hồ Chí Minh đặt hàng với số lượng lớn, mỗi ký bán 500 nghìn đồng" - Cơlâu Thái Ngọc nói.

Ông Alăng Rất - Chủ tịch UBND xã Lăng cho biết, từ nguồn vốn vay đồng hành, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm giảm rõ rệt. Năm 2020, toàn xã chỉ có hơn 6% hộ nghèo, thấp nhất huyện Tây Giang. Năm 2021, địa phương có thêm 6 hộ thoát nghèo. “Chúng tôi rất phấn khởi khi thấy nhiều hộ thoát nghèo từ sự hỗ trợ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách - xã hội”, ông  Rất nói.

 
Vào mùa mưa, đường sá đi lại khó khăn nhưng cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách - xã hội huyện Tây Giang vẫn bán bản hỗ trợ đồng bào vay vốn. Ảnh: ĐH

Ông Lê Văn Hưng- Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách - xã hội huyện Tây Giang cho biết, thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều chương trình tín dụng lãi suất thấp như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm cho thanh niên... Từ đó, đã giúp các hộ mạnh dạn phát triển kinh tế, tự thoát nghèo.

"Những ngày qua, dù trời mưa, giao thông đi lại khó khăn nhưng chúng tôi vẫn đến từng bản làng heo hút, hướng dẫn người dân vay vốn. Ngoài ra, ngân hàng còn phối hợp với các hội, đoàn thể nắm bắt nhu cầu vay vốn và giải ngân vốn kịp thời. Tất giao dịch chúng tôi đều thực hiện nay tại xã, giảm bớt việc đi lại và an toàn cho bà con” - ông Hưng nói.

Không những thoát nghèo bền vững mà nhiều đồng bào Cơ Tu trên địa bàn huyện Tây Giang trở thành tấm gương tiêu biểu về nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu. Có thể kể đến như hộ anh Bríu Bhới, Alăng Nha (xã Ch’Ơm); hộ anh Nguyễn Đình Thép, Coor Tân, Zơrâm Tuấn (xã Tr’Hy); hộ Alăng Bương, Rađêl Vui (xã Dang), hộ anh Arất Blớp, Bríu Ngôn (xã A Vương); hộ anh Cơlâu Thái Ngọc, Alăng Bôn, Cơlâu Diêm (xã Lăng); hộ anh Abing Dưới, Bnướch Trinh, Zơrâm Nên, Pơloong Hệ, Blúp Nè (xã A Tiêng).

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Arất Blúi khẳng định, từ sự đầu tư của Trung ương, tỉnh, nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách - xã hội đã góp phần rất lớn vào công cuộc giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi Tây Giang.

Năm 2003, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Tây Giang chiếm 84,6%, thì thời điểm này giảm xuống còn 30,3%. Năm 2021, địa phương có 225 hộ thoát nghèo, vượt chỉ tiêu tỉnh giao là 15 hộ.  

ĐÌNH HIỆP