Lắng nghe người có công
Hội nghị đối thoại với người có công (NCC) cách mạng lần đầu tiên được Thường trực Tỉnh ủy tổ chức trực tuyến cuối tuần qua với mong muốn nghe hết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC cách mạng và thân nhân của họ trên địa bàn tỉnh. Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH tổng hợp 56 câu hỏi thuộc các nhóm vấn đề để tham mưu trả lời. Người đứng đầu cấp ủy, UBND tỉnh cũng dành hết thời gian hội nghị đối thoại để nghe NCC tiêu biểu phát biểu, kiến nghị.
Cần hài hòa chính sách
Là người đăng ký phát biểu đầu tiên từ điểm cầu TP.Tam Kỳ, ông Nguyễn Phước Sơn (cán bộ nghỉ hưu, ở phường Phước Hòa) cho rằng, việc triển khai thực hiện chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với NCC đã đem lại những kết quả to lớn, có ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, đâu đó vẫn còn thiếu sót cần được khắc phục.
“Cấp ủy, chính quyền các cấp cần khẩn trương rà soát hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc để tập trung tháo gỡ; chúng ta làm chậm chừng nào thì càng có tội với người có công và thân nhân người có công cách mạng. Chúng ta phải cùng vào cuộc hết sức tích cực, đó là lời tri ân sâu sắc nhất”.
(Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường)
Như nhiều ý kiến phát biểu, ông Sơn kiến nghị Trung ương nên sớm có chế độ hỗ trợ hằng tháng cho NCC nuôi giấu, giúp đỡ cách mạng. Họ được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ, chỉ được hưởng chế độ một lần và bảo hiểm y tế khám chữa bệnh. Nay đều đã lớn tuổi, rất cần có sự hỗ trợ để động viên, đảm bảo cuộc sống.
Một kiến nghị khác được ông Sơn nêu ra, cũng là vấn đề được nhiều NCC tham gia hội nghị đối thoại quan tâm và có ý kiến, liên quan đến việc thu hồi trợ cấp hằng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ.
“Việc đình chỉ, thu hồi tiền hỗ trợ đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là chưa thỏa đáng. Tôi thống nhất với kiến nghị của UBND TP.Tam Kỳ gửi cấp trên là xem xét việc đình chỉ và thu hồi trợ cấp đối với những trường hợp con đẻ bị dị dạng dị tật bẩm sinh, nhưng qua thời gian điều trị, phục hồi chức năng và với ý chí, nghị lực vươn lên, họ đã học tập, lao động để mưu sinh, ổn định cuộc sống. Đối tượng này cần xem xét, phân tích kỹ nhằm hiểu cho đúng nếu không sẽ thiệt thòi cho họ” - ông Sơn phát biểu.
Trả lời cụ thể nội dung này, ông Trần Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói, chính sách hỗ trợ con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được thực hiện từ năm 2000 đến nay. Nhưng lúc đó hồ sơ được quy định theo dạng bảo trợ xã hội, chưa phải là NCC với cách mạng và thân nhân NCC.
Cho nên hồ sơ làm rất đơn sơ, chỉ căn cứ vào kết quả điều tra hậu quả chiến tranh; có quy định rõ con đẻ của người hoạt động kháng chiến không còn khả năng lao động, không tự lực được trong sinh hoạt, Nhà nước trợ cấp tương đồng với nhóm trường hợp sau này có giám định khuyết tật 81% để đảm bảo cuộc sống.
Ông Chiến nhìn nhận, qua quá trình rà soát hồ sơ, có những trường hợp nay đang có thu nhập, đảm bảo được cuộc sống bản thân. Thực hiện Kết luận 343 của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các địa phương rà soát, ra quyết định đình chỉ 535 trường hợp, với 61 tỷ đồng. Nhưng khả năng thu hồi được rất thấp, vì phần lớn những NCC với cách mạng bị nhiễm chất độc hóa học đều tuổi cao, không còn khả năng lao động, không có thu nhập nào khác ngoài trợ cấp của Nhà nước.
“Số tiền trợ cấp này dùng để nuôi sống bản thân, thực hiện đảm bảo cuộc sống hằng ngày, nên không có khả năng tích lũy. Sở có báo cáo với Bộ LĐ-LĐ&TB và tại Nghị quyết 119 của phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8.2018, Thủ tướng Chính phủ chỉ đồng ý không thu với trường hợp NCC và thân nhân hưởng chế độ không đúng quy định mà đã chết; còn những trường hợp khác (bị bệnh tật hiểm nghèo, gia đình hộ nghèo, cận nghèo…) thì giao cho Chủ tịch UBND tỉnh thu hồi” - ông Chiến thông tin.
Không để tồn đọng hồ sơ
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường bày tỏ lòng tri ân đến NCC và thân nhân NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Tiếp thu 28 nhóm vấn đề đại biểu nêu ra tại buổi đối thoại, đồng chí Phan Việt Cường khẳng định, với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tỉnh sẽ chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH, các ngành rà soát các chế độ, các nội dung được đối thoại, trả lời bằng văn bản, đăng tải trên các cổng thông tin điện tử để NCC, nhân dân toàn tỉnh theo dõi. Nội dung kết luận của chủ trì hội nghị sẽ làm cơ sở cho các ngành, các cấp triển khai thực hiện.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, thời gian qua, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã nỗ lực, cố gắng thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, “uống nước nhớ nguồn” với NCC cách mạng. Song chúng ta chưa thể bằng lòng với những kết quả đã đạt được khi còn nhiều thương binh, bệnh binh vẫn bị những vết thương dày vò.
Nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính. Một số chế độ chính sách khi được triển khai tại địa phương vẫn chưa thực sự thỏa đáng, gây nhiều vướng mắc, trăn trở đối với người dân và các đối tượng NCC; vẫn còn những gia đình NCC chưa được hưởng đầy đủ chế độ ưu đãi…
“Đây là những điều day dứt trong lòng thân nhân NCC và trong mỗi chúng ta. Chúng ta phải có trách nhiệm đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho cách mạng và có trách nhiệm với thân nhân của họ. Có khi chính sách ưu đãi vừa ra đời, NCC chưa kịp hưởng thì đã mất, rất day dứt. Vì vậy, các địa phương phải tiếp tục quan tâm đến công tác chăm lo cho NCC cách mạng và thân nhân của họ bằng những việc làm thiết thực nhất” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường chia sẻ.
Từ kết quả hội nghị đối thoại cấp tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường lưu ý, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện nên tổ chức đối thoại với NCC cách mạng để kịp thời lắng nghe những vướng mắc, có kiến nghị với tỉnh, trung ương xem xét tháo gỡ, giải quyết, không để tồn đọng kéo dài.
Phải hết sức quan tâm thực hiện tốt hơn phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, chăm lo gia đình thương binh, liệt sĩ, để không ai thấy chạnh lòng, tủi thân. Đặc biệt, tập trung chăm lo cho NCC có hoàn cảnh khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, xin ý kiến của Bộ LĐ-TB&XH bổ sung các chính sách, giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị chính đáng của NCC cách mạng và thân nhân.
“Tôi mong rằng NCC trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực vươn lên, đoàn kết, khắc phục khó khăn, mãi là tấm gương sáng về ý chí tự lực, tự cường trong công tác, lao động và sản xuất, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường bày tỏ.