Tìm nguồn cội sau hơn 50 năm ly tán
Suốt mấy chục năm sau ngày thống nhất đất nước, đâu đó, trên khắp mảnh đất Việt Nam vẫn còn những mảnh đời, những số phận - nạn nhân chiến tranh với đau thương, với cảnh ly tán. Câu chuyện buồn của 5 chị em ruột ông Hứa Bốn (xã Đại Tân, Đại Lộc) là chuỗi ngày dằng dặc: cả cha lẫn mẹ hy sinh, tuổi thơ ly loạn, 5 chị em lại mang các họ khác nhau, ai nấy chỉ mong ngày được nhận lại anh em ruột thịt...
Năm mảnh đời ly loạn
Đã 46 năm sau ngày giải phóng đất nước, nỗi đau chiến tranh vẫn âm ỉ chưa nguôi. Không nỗi đau nào giống nỗi đau nào và những mảnh đời với những ngả rẽ của số phận lắm đắng cay. Có những cuộc hạnh ngộ ngỡ như một phép màu.
Câu chuyện về cuộc đời ông Hứa Bốn (SN 1960, thôn Mỹ Nam, xã Đại Tân) là chuỗi ngậm ngùi, xót xa, giúp ta hình dung được nỗi đau chiến tranh của người con lạc loài trên chính quê hương.
Đã hơn 50 năm sau ngày hy sinh của cha mẹ ruột và sau 46 năm ngày thống nhất, ông Hứa Bốn vẫn loay hoay đi xác minh nguồn cội và tìm kiếm tung tích người thân. Bản thân ông mang dòng họ Hứa của người cha nhận nuôi mình trước chiến tranh (ông Hứa On, xã Đại Tân).
Đơn yêu cầu truy nhận cha mẹ là ông Trần Khế và bà Lê Thị Lục của 5 chị em ông Hứa Bốn đã được TAND huyện Đại Lộc thụ lý. TAND huyện cũng đã hướng dẫn các thủ tục pháp lý đến 5 chị em ông Bốn. Khi nào có xác minh, công nhận của TAND huyện đối với 5 người là con của ông Trần Khế và bà Lê Thị Lục thì những thủ tục về chế độ, chính sách cho thân nhân liệt sĩ sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét tiếp...
Dù rằng, ông Bốn có cha là liệt sĩ Trần Khế (SN 1930, nguyên quán xã Lộc Thành, nay là thôn Đại Khương, Đại Chánh) và mẹ là liệt sĩ Lê Thị Lục (SN 1934).
Ở tuổi xế chiều, ông Bốn từng ngày mong được công nhận là con có cha mẹ là liệt sĩ về mặt pháp lý, dù rằng, ở địa phương, dân làng và bà con, dòng họ Trần đã thừa nhận ông hàng chục năm qua.
Ông Bốn kể, cha ông tên là Trần Khế, là cán bộ Công an xã Lộc Chánh, hy sinh vào 22.2.1969, được Nhà nước công nhận liệt sĩ. Mẹ ông - bà Lê Thị Lục là cán bộ phụ nữ thôn Đại Khương, hy sinh vào 3.8.1968, được Nhà nước công nhận liệt sĩ.
Cha mẹ ông sinh được 5 người con gồm: Trần Thị Hai, Phạm Thị Ba, Hứa Bốn, Phùng Thị Năm, Trần Thanh (tên và họ do người nhận nuôi đặt). Mẹ ông bị địch bắn chết ngay tại quê nhà trong một đợt đi càn, cha ông cũng hy sinh không lâu sau đó cùng với rất nhiều đồng chí khi địch ném bom trúng căn hầm bí mật.
Thời điểm cha mẹ hy sinh, người chị cả của ông - bà Trần Thị Hai chỉ chừng 10 tuổi, đứa em trai út chỉ mới 12 tháng tuổi, còn bú sữa mẹ. Thời điểm này, cuộc chiến đi vào giai đoạn ác liệt, dân vùng B nói chung và xã Lộc Chánh nói riêng bị địch xúc vào các khu dồn quận Đức Dục (Ái Nghĩa), cầu Chìm, số bám trụ lại là có người thân tham gia cách mạng và bà con họ Trần còn ở lại cũng không được mấy người.
5 đứa trẻ mồ côi bơ vơ, may mắn được nhiều gia đình nhận nuôi. Sau giải phóng, 4 trong số 5 người đã tìm đường về quê, tìm nhau, đoàn viên mừng mừng tủi tủi.
Người em kế út - bà Phùng Thị Năm đã gần 50 tuổi, sống cùng chồng chỉ cách nhà anh ruột, chị ruột có một cánh đồng nhưng trớ trêu thay, số phận đã ly cách họ suốt mấy chục năm qua.
Nhân duyên đưa đẩy, cách đây vài năm, ông Bốn thoạt thấy một người phụ nữ mà chỉ nhìn thoáng qua gương mặt, ánh mắt, có điểm gì rất lạ, gợi cho ông một cảm tình đặc biệt. Ông lân la dò hỏi, lần tra gốc tích nhiều ngày, mới nhận ra đó chính là người em gái bé bỏng mình đã lạc mất khi còn thơ ấu.
Đứa em mà bốn chị em ông đêm ngày hằng trông đợi mong sao chỉ được gặp nhau trước lúc từ giã cõi đời và phép màu đã đến. Nhưng, nghịch cảnh trớ trêu, 5 chị em ruột đã đoàn viên nhưng lại mang các dòng họ khác nhau do người nhận nuôi đặt tên khai sinh. Ông Bốn mang họ Hứa của người cha nuôi, các chị và em của ông mang nhiều họ khác...
Bà Phạm Thị Ba (Trần Thị Ba) có chồng quê Quảng Ngãi vừa hồi hương, kể trong nước mắt: “Hồi mẹ tôi mất, em trai út tôi còn quá nhỏ. Nghe tin mẹ bị bắn chết, chị hai tôi (bà Trần Thị Hai) bồng em chạy ra chỗ mẹ nằm, máu loang lổ. Thằng em tôi đói, khát sữa, khóc lạc cả giọng, bò lại tìm vú mẹ.
Chúng tôi thì đứng chết lặng và mấy chục năm qua hình ảnh đó vẫn cứ ám ảnh mãi. Chúng tôi trở thành những đứa trẻ bơ vơ. Hai trong số đó được 2 gia đình nhận nuôi, 2 đứa em tôi được nội ngoại nuôi, tôi được một người lính Việt Nam Cộng hòa đưa về Quảng Ngãi nuôi”.
Bà Trần Thị Hai nghẹn ngào: “Khi không còn được người thân cưu mang, đứa em trai út tôi được một gia đình ngỏ ý nhận nuôi nhưng tôi nằng nặc đòi đi theo em vì hắn còn quá nhỏ. Tôi phải thay cha mẹ ở bên cạnh em, tôi đã lạc mất những đứa em rồi, không muốn mất thêm. Sau chiến tranh, tôi dẫn em Trần Thanh về quê nhà tìm lại người thân”.
Riêng người em gái kế út của bà Hai nương tựa bên ngoại, khi ngoại mất ở với dì ở Hòa Khánh (Đà Nẵng). Dì quá nghèo, không nuôi nổi nên cho một gia đình nuôi và gia đình này cũng đưa đứa trẻ cho một bà sơ ở Hòa Khánh.
Khi chạy loạn, cô bé cũng bị lạc và số phận run rủi lại được một gia đình ở Điện Dương (Điện Bàn) nhận nuôi, gả chồng ngược về xã Đại Tân... Cuộc hạnh ngộ đủ đầy 5 chị em ông Hứa Bốn dằng dặc buồn, những câu chuyện đầy trái ngang và đẫm nước mắt.
Tìm nguồn cội tuổi xế chiều
Năm chị em ruột ông Hứa Bốn đều có hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn. Do không có điều kiện ăn học, quanh năm đầu tắt mặt tối, lại đã lớn tuổi, nên những cuộc hạnh ngộ cũng khó dần. Song, cuộc hạnh ngộ lần nào cũng đầy xót xa, day dứt khi 3 người đã mang được họ Trần, riêng ông Hứa Bốn và bà Phùng Thị Năm thì chưa có điều kiện đổi họ.
Ông Hứa Bốn vẫn chu toàn thờ cúng cha mẹ ruột là liệt sĩ, vừa thờ cúng cha nuôi là ông Hứa On chung một bàn thờ. Ông vừa làm tròn bổn phận với gia tiên họ Hứa ở Đại Tân, cũng nặng gánh chữ hiếu nghĩa với họ Trần ở Đại Chánh.
“Chúng tôi mong được công nhận họ Trần và được Nhà nước công nhận là con của cha mẹ tôi về mặt pháp lý. Tôi không có nguyện vọng đổi họ Trần vì lo sợ rắc rối về thủ tục cho con cháu về sau. Tôi chỉ muốn nhận dòng tộc, nguồn cội, được pháp luật công nhận là con của 2 liệt sĩ để lỡ tôi có ra đi, con cháu sẽ không mất nguồn cội” - ông Hứa Bốn nói.
Trong 5 người con, bà Trần Thị Hai hiện được hưởng chế độ con liệt sĩ theo Nghị định 22 của Thủ tướng Chính phủ. 2 trong số 4 người gần đây mới được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Riêng ông Hứa Bốn và bà Phùng Thị Năm do mang dòng họ khác nên chưa được hưởng bất cứ chế độ đãi ngộ gì, dù đời sống kinh tế khó khăn, bản thân ông Bốn mang bệnh tật trong người.
“Chị em chúng tôi may mắn được đoàn tụ sau mấy chục năm là quý rồi. Cũng nhờ các gia đình, những ân nhân đã nhường cơm sẻ áo, nuôi nấng cả 5 chúng tôi ngày đó mà chúng tôi mới còn sống tới nay. Chừ ai nấy mong được nhận lại cha mẹ ruột và được công nhận mang tộc Trần. Đó là niềm an ủi ở cái tuổi gần đất xa trời này” - bà Hai tâm sự.
Cuộc hàn huyên còn có ông Lê Văn Có, một cựu binh của xã Đại Tân. Ông Có tham gia kháng chiến từ năm 1972, bản thân ông có cha và chị ruột là liệt sĩ, mẹ ruột ông vừa được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Hơn ai hết, ông Có xót xa, đồng cảm với nỗi đau của 5 chị em ông Hứa Bốn và những mong có thể giúp được họ nhận tổ quy tông.
“Thời điểm liệt sĩ Trần Khế và Lê Thị Lục mất, tôi lớn rồi nên biết họ là bạn chiến đấu của ba tôi. Đã mấy chục năm ròng rã, chỉ mong 5 người con của 2 liệt sĩ được sum vầy, được mang họ Trần, được đãi ngộ các chính sách của Nhà nước theo quy định. Đây cũng là nghĩa cử đối với người đã nằm xuống, là sự an ủi thân nhân liệt sĩ khi 5 người họ đã ở cái tuổi mà có thể ra đi bất cứ lúc nào”...