Ứng phó xói lở sông Vu Gia - Thu Bồn: Cầm cự trước mắt, lo ngại dài lâu

QUỐC TUẤN 28/11/2021 07:26

Biến động tự nhiên cùng tác động con người từng ngày khiến lưu vực hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn tổn thương âm ỉ. Đã có những tiến triển tích cực trong việc gia cố xói lở bờ sông nhưng giải pháp toàn diện để bảo vệ “mạch máu” của xứ Quảng vẫn ở thì tương lai…

Xói lở ảnh hưởng nặng nề đến đất sản xuất nông nghiệp của nông dân ven sông Vu Gia. Ảnh: Q.T
Xói lở ảnh hưởng nặng nề đến đất sản xuất nông nghiệp của nông dân ven sông Vu Gia. Ảnh: Q.T

XÓI LỞ TỪ THƯỢNG NGUỒN XUỐNG HẠ DU

Tình trạng xói lở trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và các phân lưu đang diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian gần đây khiến người dân ven sông quanh năm thấp thỏm. Các nguyên nhân cơ bản gây xói lở được nhận diện.

Dai dẳng xói lở

Trên toàn lưu vực hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, con số sơ bộ cho thấy xói lở thường xuyên ảnh hưởng đến đời sống của hơn 19.500 hộ dân dọc bờ sông và khoảng 10.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có hơn 1.200 hộ dân với khoảng 4.600 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ cao do xói lở bờ sông.

Xói lở sông Vu Gia - Thu Bồn diễn ra từ bao đời nay, tuy nhiên tình trạng này dần trở thành hiểm họa với đời sống kinh tế - xã hội và dân sinh trong chục năm gần đây khi diễn biến với cường độ mạnh, dị thường.

Hơn mười năm nay, người dân thôn Lạc Thành Đông (Điện Hồng, Điện Bàn) và một số thôn lân cận dường như đã “sống chung” với sạt lở sông Bình Phước (một nhánh thuộc hệ thống sông Vu Gia). Sạt lở làm nhiều hộ dân không còn đất nông nghiệp để sản xuất, đường dây diện 500kV quốc gia đi ngang qua cùng hàng nghìn ngôi mộ cũng bị đe dọa. 

Ngược lên phía trung lưu sông Vu Gia, dù đã có kè xây dựng từ lâu nhưng người dân thôn Mỹ Hảo (xã Đại Phong, Đại Lộc) cũng không tránh khỏi nỗi lo xói lở.

Ông Doãn Đức Hạnh, người dân địa phương cho biết: “Trước đây nhà tôi từng mất 4 sào đất nông nghiệp trôi theo con nước, bây giờ làng mới dù ở cách sông cả trăm mét nhưng cũng không có gì là chắc chắn khi nỗi lo sạt lở luôn thường trực”.

Ông Trần Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đại Phong cho hay, khoảng 500m bờ sông Vu Gia đoạn qua địa bàn xã bị ảnh hưởng bởi xói lở hàng năm nhưng chưa được kè; đoạn kè rồi thì nhiều chỗ xuống cấp và vẫn bị sạt lở ảnh hưởng rất nhiều. Tính sơ trong 20 năm qua, Đại Phong đã mất khoảng 10ha đất sản xuất vì sạt lở.

Phía sông Thu Bồn, người dân ở suốt một dải từ Quế Trung (Nông Sơn), Duy Thu (Duy Xuyên), Điện Phước (Điện Bàn) đến nhiều cồn bãi gần Hội An… cũng chung ám ảnh với hiểm họa sạt lở mỗi khi mưa đến, lũ về.

Chỉ riêng Điện Bàn, theo thống kê hiện có 24km bờ sông bị sạt lở nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng đến 1.592 hộ dân và gần 1.000ha đất lúa, hoa màu.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đoạn qua 4 địa phương vùng hạ du gồm: Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên và Đại Lộc đã có khoảng 85 điểm xói lở, trong đó có 36 điểm sạt lở nguy hiểm. Trên thực tế, số khu vực sạt lở lẻ tẻ khác còn cao hơn rất nhiều, bởi diễn biến xói lở luôn biến động theo từng đợt mưa, lũ.

Nhiều nguyên nhân, hình thái xói lở

Cứ đến mùa mưa lũ, hiện tượng sạt lở bờ sông Vu Gia - Thu Bồn thường xuyên xảy ra. Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng khu dân cư, phát triển giao thông kể cả một số công trình liên quan đến vấn đề chống ngập lụt cũng làm tác động đến lòng dẫn của hai con sông này. 

Khai thác cát sỏi cũng là một nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ sông. Ảnh: Q.T
Khai thác cát sỏi cũng là một nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ sông. Ảnh: Q.T

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu đến từ Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, về cơ bản trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có 6 kiểu xói lở gồm: sạt lở bờ sông lõm, xói lở bờ trên thềm đá gốc, sạt lở do hai dòng chảy chèn ép nhau, sạt lở do nước lũ tràn bờ chạy qua sông khác, sạt lở bờ sau các công trình bảo vệ bờ (kè, mỏ hàn…) và sạt lở bờ do sông đổi dòng.

Nhà nghiên cứu Vũ Hải Đăng - Viện Địa chất và địa vật lý biển cho rằng, phần lớn hệ thống sông ở hạ lưu Vu Gia - Thu Bồn phát triển và hoạt động chủ yếu trên bề mặt địa hình có nguồn gốc aluvi hoặc sông - biển. Do đó, mọi tác động của việc khai thác phục vụ kinh tế dân sinh như xây dựng hệ thống thủy lợi, thủy điện, đắp đê, khai thác cát, nuôi trồng thủy sản… đều làm thay đổi hình thái lòng dẫn, chế độ thủy văn dẫn đến xói lở sông.

Qua phân tích của các chuyên gia, đoạn trung lưu sông Vu Gia (từ hợp lưu sông Bung đến xã Đại Đồng, Đại Lộc), do nếp uốn địa hình lòng sông có một số đoạn uốn khúc mạnh và có xu hướng dịch chuyển về phía bên phải. Vì vậy, hầu hết điểm xói lở tập trung ở bờ phải.

Đoạn sông từ đầu đồng bằng ngập nước (xã Đại Đồng đến cầu Ái Nghĩa) biến động mạnh với tình trạng xói lở nghiêm trọng cũng ở bờ phải do chịu tác động của quá trình chuyển tiếp. Còn đoạn từ cầu Ái Nghĩa đến đập An Trạch xói lở xuất hiện ở các khúc sông cong. 

Với sông Thu Bồn, đoạn từ trạm thủy văn Nông Sơn đến cầu Giao Thủy, hai bên bờ đất đá có kết cấu rắn chắc nên xói lở ít xuất hiện. Xói lở chỉ xảy ra ở các khu vực thấp ven sông, tuy nhiên các bãi bồi nổi trong lòng sông thì bị xói mạnh. Đoạn từ cầu Kỳ Lam đến cầu Câu Lâu có sự vận động mạnh mẽ, uốn khúc của sông nên có rất nhiều điểm xói lở nguy hiểm ở cả 2 bên bờ.

Đoạn từ cầu Câu Lâu đến cầu Cẩm Kim, xu hướng lòng sông mở rộng ra phía cửa biển, dẫn đến liên tục tạo ra - mất đi các bãi giữa, xói lở mạnh bờ sông và thường xuất hiện ở những khúc cong.

Các bãi giữa lớn có xu hướng “trôi” về phía biển và hiện tượng trôi của các bãi này gây nên xói lở ở phần thượng lưu của nó. Ở đoạn cuối trước khi đổ ra biển, các bãi bồi giữa sông cũng có xu hướng “trôi” về phía biển.

Theo TS. Vũ Thị Thu Lan - Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phòng chống xói lở bờ sông Vu Gia - Thu Bồn”, về nguyên nhân con người thì phải nhắc đến tác động của hệ thống thủy điện và khai thác cát sỏi.

“Nếu tính theo công suất lắp máy của thủy điện trên đầu người thì Quảng Nam là tỉnh đứng đầu nước ta với 0,43MW. Tất nhiên là xói lở còn hiện diện ở nhiều nơi, nhưng phải nói rằng gần như tất cả khu vực đối diện với các mỏ khai thác cát đều có hiện tượng xói lở” - TS. Vũ Thị Thu Lan cho hay.

HẠN CHẾ TRONG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ QUẢN LÝ XÓI LỞ

Một số giải pháp công nghệ triển khai trong các đề tài nghiên cứu bước đầu chứng minh sự hiệu quả trong việc giám sát sạt lở bờ sông. Tuy nhiên, từ nghiên cứu đến ứng dụng rộng rãi là câu chuyện khác. 

Hệ thống cồn bãi trên sông Thu Bồn cũng chịu tác động mạnh của diễn biến xói lở. Ảnh: Q.T
Hệ thống cồn bãi trên sông Thu Bồn cũng chịu tác động mạnh của diễn biến xói lở. Ảnh: Q.T

Tại hội thảo báo cáo kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phòng chống xói lở bờ sông Vu Gia - Thu Bồn” vừa diễn ra, các chuyên gia, nhà khoa học đã chỉ ra sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ trong quá trình thực hiện đề tài.

Việc sử dụng các phương pháp mô phỏng bao gồm: phương pháp viễn thám và GIS, phương pháp BEHI (Bank Erosion Hazard Index), phương pháp mô hình tính toán và phương pháp tổng hợp đánh giá. 

TS. Hoàng Thanh Sơn - Viện Địa lý (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho hay: “Với các giải pháp công nghệ, từ việc phân tích 7 đặc tính về chiều cao bờ, độ sâu rễ/chiều cao bờ, mật độ rễ, diện tích bề mặt được bảo vệ, độ dốc bờ, vật liệu bờ và kiểu phân tầng, chúng tôi đã xây dựng bản đồ chỉ số nguy cơ xói lở bờ sông bao gồm 5 mức là thấp, trung bình, cao, rất cao, cực cao”. 

Theo kết quả diễn biến đường bờ sông qua phân tích ảnh viễn thám (đường bờ sông được giải đoán trong môi trường GEE theo các ảnh vệ tinh chuỗi thời gian từ 1988 - 2020), biến động đường bờ sông Vu Gia - Thu Bồn rất lớn.

Tại các khúc sông cong đều nhận thấy có sự biến động rất mạnh, điển hình nhất là khúc cong trên sông Vu Gia đoạn cửa sông Quảng Huế và khu vực sông Thu Bồn vào vùng Cửa Đại.

Một đoạn kè sông ở thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong, Đại Lộc có dấu hiệu xuống cấp. Ảnh: Q.T
Một đoạn kè sông ở thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong, Đại Lộc có dấu hiệu xuống cấp. Ảnh: Q.T

Ở bờ trái sông Vu Gia - Thu Bồn, mức độ biến động đường bờ cực đại trong suốt thời kỳ (SCE) rất cao, từ 0 đến 460m. Ở bờ phải, con số này dao động ở mức 0 - 375m. Ở các bãi giữa, đoạn biến động mạnh nhất cũng lên đến 175m.

Một thông số đáng lo ngại nữa được nhóm nghiên cứu chỉ ra là bờ trái sông Vu Gia - Thu Bồn có mức bồi cao nhất dưới +33m/năm nhưng xói có thể lên đến -196m/năm. Các đoạn bờ xói chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với mức bờ bồi hoặc ít biến động. 

Theo ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PT-NT, hiện nay việc ứng dụng công nghệ quản lý xói lở bờ sông trên địa bàn tỉnh chưa phát triển. Cũng có nhiều nghiên cứu, giải pháp quản lý xói lở khá chất lượng nhưng thực chất ứng dụng vào thực tế rất khó. Bởi công nghệ phải đi với hạ tầng, các đơn vị nghiên cứu có hạ tầng công nghệ tốt để theo dõi, còn nguồn lực hạ tầng của địa phương thì không tương ứng để áp dụng.

“Nếu như các giải pháp công nghệ trên thực sự phù hợp, phản ánh đúng diễn biến theo thời gian thực thì cơ quan chức năng có thể nghiên cứu đặt hàng thuê dịch vụ, qua đó được cảnh báo trước sạt lở, giảm thiểu thiệt hại. Bên cạnh đó, có thể nắm được một số vị trí nguy cơ cao sạt lở trong tương lai để hỗ trợ tốt cho công tác quy hoạch” - ông Tý nói.

GIẢI PHÁP CÓ THEO KỊP THỰC TRẠNG?

Xói lở ngày một gia tăng trong khi nguồn lực đầu tư thì có hạn, nhìn đâu cũng cần gia cố. Vài năm gần đây, Quảng Nam đã định hình tư duy liên vùng “từ nguồn xuống biển” đối với hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Nhưng dường như, hạ tầng và giải pháp ứng phó xói lở đang có phần hụt hơi so với thực trạng.

Một đoạn kè bị hư hỏng phải gia cố trên sông Hoài (Hội An). Ảnh: Q.T
Một đoạn kè bị hư hỏng phải gia cố trên sông Hoài (Hội An). Ảnh: Q.T

Thiếu đồng bộ

Nhiều tuyến kè ở Điện Bàn đã bị sạt lở. Kè Văn Ly (Điện Hồng), kè Bì Nhai (Điện Thọ) hay kè thôn Cẩm Đồng (Điện Phong)… đều bị tụt chân kè, một số đoạn mái kè bị tụt với chiều dài lên đến hơn 1km.

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết, cả ba tuyến kè trên đều là kè lát đá và đã xây dựng trên dưới 10 năm nên bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng. Huyện cũng đã tổng hợp báo cáo 19 vị trí sạt lở nguy hiểm cần xây dựng kè với kết cấu kiên cố, bê tông cốt thép thì mới chống chọi lâu dài. 

Qua thống kê sơ bộ, Sở NN&PTNT vừa báo cáo tỉnh 24 vị trí xói lở bị nguy hiểm trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đề nghị phải đầu tư kè mới với tổng nguồn khoảng 800 tỷ đồng. Các vị trí sạt lở này trải dài từ Nam Trà My, Tây Giang xuống đến Hội An.

Bà Trương Thị Minh Phương - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh (Đại Lộc) thông tin: “Trên địa bàn xã có một số vị trí sạt lở thường xuyên. Có đoạn vừa được đầu tư kè trong năm nay như đoạn qua Hà Dục Đông, có đoạn cũng đã xử lý tạm thời như Tịnh Đông Tây, Gò Cấm, còn như bờ sạt lở ở thôn Hà Tân thì chưa được kè”.

Còn ông Trần Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đại Phong (Đại Lộc) cho rằng, nếu đầu tư mới các đoạn kè nơi rốn lũ từ đầu nguồn xuống thì cần phải có kết cấu kiên cố bê tông cốt thép mới chống chọi lâu dài được. 

Theo ông Trương Xuân Tý, nguồn lực đầu tư kè bảo vệ sông Vu Gia - Thu Bồn còn khá hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Đa số công trình chống xói lở sử dụng vốn trung ương, ngân sách tỉnh đầu tư cho dạng này hạn chế.

“Về quy định thì hằng năm có bố trí kinh phí duy tu, sửa chữa các tuyến kè nhưng gần như không thấy. Nếu xói lở chân kè thì phải gia cố chân kè, xói lở mái thì tháo ra lắp lại. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến công trình kè không đạt tuổi thọ như thiết kế” - ông Tý nói.

Ông cũng nhìn nhận: “Phải nói rằng với nguồn lực hạn chế như hiện nay thì chỉ mới tập trung ưu tiên đầu tư xử lý kè các khu vực sạt lở nguy hiểm ảnh hưởng đến hạ tầng, nhà dân hoặc mất đất sản xuất lớn”.

Giải pháp nào cho tương lai?

Từ các kết quả nghiên cứu, khảo sát trong thời gian dài, các chuyên gia của Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản đã chỉ ra hai khu vực cần có công trình kè, gồm: sông Thu Bồn tại khu vực Cẩm Nam (Hội An) dự kiến dài 527m và sông Vĩnh Điện tại thượng lưu cầu Tứ Câu (Điện Thắng Bắc, Điện Bàn) phạm vi xây dựng khoảng 600m.

Theo TS. Nguyễn Đại Trung - Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản, ở khu vực đồng bằng, hạ du lưu vực sông, việc xây dựng đỉnh kè bằng bê tông cốt thép có thể kết hợp với làm đường giao thông dân sinh hoặc đường quản lý. Còn tại các nơi ngoài bảo vệ bờ sông, giữ đất còn phải tạo cảnh quan phát triển du lịch, duy trì hệ sinh thái vùng ven sông thì có thể tham khảo áp dụng hình thức kè sinh thái.

Mặc dù vậy, các giải pháp kè sinh thái, phi công trình cũng cần có những tính toán kỹ lưỡng tác động không mong muốn về lâu dài. Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng, việc trồng dừa nước dưới cầu Cửa Đại lấn ra dòng chảy của sông quá nhiều là không hợp lý.

Chính điều này góp phần đẩy dòng chảy qua phía nam, mang bùn đất qua phía đối diện thì tất yếu dẫn đến sạt lở. Các thế hệ trước cũng từng trồng cây để chống xói lở nhưng chỉ trồng ven bờ còn cây nào nhảy ra ngoài thì đốn đi. Chúng ta chỉ có Cửa Đại để thông nước, nếu để dừa phát triển tràn lan thì lụt xuống không có chỗ thoát.

Được biết, Quảng Nam đang chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai một đề tài nghiên cứu cấp tỉnh nhằm xác định hành lang thoát lũ của hệ thống Vu Gia - Thu Bồn. Mục tiêu của đề tài là tính toán được một số kịch bản về lũ. Từ đó xây dựng 2 loại bản đồ, 1 bản đồ ngập lụt theo cấp báo động và 1 loại bản đồ theo tần suất lũ thiết kế.

Trên cơ sở đó sẽ xác định hành lang thoát lũ của tuyến sông và đề xuất giải pháp công trình và phi công trình một cách hợp lý. Khi đó sẽ tính toán đoạn nào có thể chứa lũ, đoạn nào có thể giảm lũ. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, thiên tai, biến đổi khí hậu dẫn đến ngập lụt sạt lở vùng ven sông thường xuyên, trong đó vùng bờ sông Vu Gia - Thu Bồn xuất hiện nhiều nguy cơ.

“Ngay từ bây giờ, các địa phương phải quản lý chặt việc phát triển hệ thống cồn bãi trên sông, hạn chế thấp nhất đầu tư các công trình xây dựng kè, công trình khai thác kiên cố trên các cồn bãi. Vừa qua, tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng phát triển một dự án ở cồn Ông Hơi (Hội An) để tiếp tục nghiên cứu làm rõ các tác động của nó” - ông Thanh nói.

Vu Gia - Thu Bồn là hệ thống sông lớn bậc nhất ở khu vực duyên hải miền Trung với diện tích lưu vực 10.352 km², trong đó phần thuộc Quảng Nam khoảng 9.400 km². Địa giới hành chính lưu vực sông gồm 13 huyện, thành phố, thị xã. Độ cao bình quân toàn lưu vực sông khoảng 552m, độ dốc bình quân khoảng 25%, đều thuộc vào loại lớn nhất so với các lưu vực sông trong khu vực.

Hình thái lưu vực sông tạo thành hình phễu với 3 mặt là núi, dẫn đến lượng mưa trung bình năm ở đây rất lớn, đạt khoảng 2.300mm. Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có 78 phụ lưu có chiều dài sông chính hơn 10km.

QUỐC TUẤN