Điều trị Covid-19 tại chỗ: Giảm áp lực cho tuyến tỉnh

XUÂN HIỀN 27/11/2021 05:58

Các địa phương đã bắt đầu vận hành khu thu dung điều trị Covid-19 tại chỗ. Bên cạnh việc giảm tải áp lực cho cơ sở điều trị tuyến tỉnh, việc phân loại bệnh nhân Covid-19 tới các tầng điều trị một cách chính xác, nhịp nhàng sẽ giúp công tác điều trị, chăm sóc thuận lợi hơn... Tuy nhiên, khi vận hành khu điều trị Covid-19 tại cơ sở sẽ gặp phải những khó khăn nhất định.

Các địa phương phải chủ động và sẵn sàng thiết lập khu điều trị F0 tại địa phương khi số ca mắc tăng cao. Ảnh: X.H
Các địa phương phải chủ động và sẵn sàng thiết lập khu điều trị F0 tại địa phương khi số ca mắc tăng cao. Ảnh: X.H

Phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Dương Ngọc Vinh - Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị Covid-19 Quảng Nam về công tác điều trị Covid-19 tại địa phương hiện nay.

* Việc thiết lập các khu điều trị tại tuyến huyện đã được ngành y tế tổ chức như thế nào, thưa ông?

- Ông Dương Ngọc Vinh: Từ sự ra đời của Nghị quyết 128 cùng các quy định từ Bộ Y tế, Sở Y tế đã có những hướng dẫn cụ thể dành cho các địa phương, tiến tới việc thành lập các khu điều trị theo phương châm 4 tại chỗ.

Ông Dương Ngọc Vinh - Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị Covid-19 Quảng Nam.
Ông Dương Ngọc Vinh - Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị Covid-19 Quảng Nam.

Điều này dựa trên việc đánh giá tình hình thực tế, nhận định diễn biến dịch Covid-19 của Quảng Nam, nghiên cứu các văn bản có liên quan của Bộ Y tế về hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng; danh mục nhu cầu trang thiết bị, vật tư tiêu hao và thuốc thiết yếu của các khu vực điều trị người bệnh Covid-19; hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế lưu động; hướng dẫn triển khai tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng...

Ông Nguyễn Văn Hiến - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn cho biết, việc vận hành các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ, không triệu chứng ở địa phương sẽ khiến bệnh nhân có tâm lý ổn định hơn so với việc phải di chuyển bệnh nhân đi xa. Ngoài ra, thuận lợi của Điện Bàn là ngay tại địa phương có cơ sở điều trị Covid-19 tầng 2, 3 tại Phòng khám Đa khoa Khu vực Điện Nam - Điện Ngọc.

“Các khu điều trị của Điện Bàn được sự giúp sức về chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam nên chúng tôi dễ dàng xử lý các ca bệnh Covid-19 hơn. Bên cạnh đó, khi bệnh nhân chuyển nặng, chúng tôi đưa đến Phòng khám Đa khoa Khu vực Điện Nam - Điện Ngọc cũng thuận tiện” - ông Nguyễn Văn Hiến nói.

Từ đó chúng tôi đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo công tác khám chữa bệnh ở từng cấp độ dịch theo đúng tinh thần Nghị quyết số 128 của Chính phủ để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Các khu điều trị tại tuyến huyện sẽ tiến hành thu dung điều trị F0 thể nhẹ, không triệu chứng. Sở Y tế đã tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực điều trị Covid-19 cho đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng trên toàn tỉnh bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tùy theo điều kiện địa phương và chú trọng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, hồi sức cấp cứu cơ bản theo 2 mức độ ứng với phác đồ điều trị của tầng 1 và tầng 2, 3.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã hướng dẫn các Trung tâm Y tế việc phân luồng, sàng lọc yếu tố nguy cơ, khám phát hiện sớm dấu hiệu chuyển nặng…. Về mặt nhân lực, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện khẩn trương cử đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng đi học tập tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng về xử lý ca bệnh nặng, nguy kịch, hồi sức cấp cứu chuyên sâu.

* Cụ thể, việc hỗ trợ giữa các đơn vị y tế sẽ được tiến hành như thế nào để bệnh nhân Covid-19 ở tuyến huyện đạt hiệu quả điều trị tốt nhất?

- Ông Dương Ngọc Vinh: Căn cứ Quyết định số 4689 về Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 của Bộ Y tế, Quảng Nam sẽ sớm ban hành hướng dẫn sử dụng phác đồ điều trị Covid-19 theo phân tầng cụ thể, hướng dẫn việc chuyển bệnh nhân giữa các tầng điệu trị trên địa bàn để các cơ sở điều trị áp dụng thống nhất.

Sở Y tế sẽ chỉ đạo thành lập Khoa Covid-19 trong các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và tại bệnh viện tư nhân dựa trên nhân lực tại chỗ. Ngoài ra, chúng tôi tiến hành mô hình hỗ trợ giữa các bệnh viện tuyến tỉnh và địa phương. Theo đó, phân công các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn, tích cực hỗ trợ các địa phương trong điều trị bệnh nhân Covid-19.

Cụ thể: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam hỗ trợ huyện Núi Thành; Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam hỗ trợ các huyện, thành phố: Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình, Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My. Đồng thời hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, trang thiết bị, nhân lực cho Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam.

Ông Dương Ngọc Vinh - Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị Covid-19 Quảng Nam.

Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam hỗ trợ các huyện: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Đại Lộc, Nông Sơn, vùng tây Duy Xuyên. Đồng thời hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, trang thiết bị, nhân lực cho Phòng khám Đa khoa khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố: Điện Bàn, Hội An, Quế Sơn, Phước Sơn, Hiệp Đức, vùng trung và đông Duy Xuyên.

* Vậy đối với những cơ sở điều trị Covid-19 được chỉ định từ tuyến tỉnh sẽ xử lý như thế nào?

- Ông Dương Ngọc Vinh: Hiện tại chúng tôi vẫn tiến hành điều trị bệnh nhân Covid-19 ở 2 khu chủ yếu là Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Phòng khám Đa khoa Khu vực Điện Nam - Điện Ngọc. Hai cơ sở này chịu trách nhiệm điều trị cho bệnh nhân ở tầng 2 và tầng 3.

Thời gian tới, số lượng F0 không triệu chứng được điều trị tại tuyến cơ sở và số lượng bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện dã chiến đặt ở Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh giảm dần đến không còn, chúng tôi sẽ tiến hành giải thể bệnh viện dã chiến, tập trung nguồn lực hỗ trợ việc điều trị tại các khu ở tuyến huyện.

* Chân thành cảm ơn ông!

Hỗ trợ chuyên môn cho các địa phương trong điều trị Covid-19

Tính đến sáng 24.11, Quảng Nam đã có 4 địa phương hoàn thành việc thiết lập khu điều trị và triển khai ngay việc tiếp nhận bệnh nhân. Theo đó, huyện Hiệp Đức thành lập khu điều trị tại Phòng khám Đa khoa Khu vực Sông Trà với năng lực tiếp nhận 70 ca mắc.

Thị xã Điện Bàn thành lập 2 khu điều trị người mắc Covid-19 với năng lực tiếp nhận khoảng 150 ca mắc tại Nhà đa năng xã Điện Phước và cơ sở cũ Trường THCS Nguyễn Khuyến. Huyện Thăng Bình thành lập khu điều trị tại Nhà đa năng xã Bình Đào và TP.Tam Kỳ thành lập 2 khu tại Trung tâm Y tế và trụ sở Hội Người cao tuổi cũ tại phường An Phú.

TP.Tam Kỳ đã đưa vào vận hành 2 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 của địa phương. Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, về cơ sở vật chất, địa phương này đã cơ bản đáp ứng.

“Với năng lực tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân, chúng tôi đang tiến hành thiết lập mô hình điều trị theo hướng dẫn từ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Tuy nhiên, nhân lực y tế tại Tam Kỳ hiện khá mỏng và anh em cũng phải đảm nhiệm nhiều phần việc khác nhau. Do vậy, chúng tôi đã kêu gọi sự hỗ trợ từ các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn.

Bệnh viện Đa khoa Minh Thiện đã cắt cử nhân viên y tế hỗ trợ khu điều trị của Tam Kỳ. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ y tế về hưu cũng đang hỗ trợ địa phương về công tác tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm” - ông Bùi Ngọc Ảnh nói.

XUÂN HIỀN