WHO họp khẩn về biến chủng SARS-CoV-2 mới

QUỐC HƯNG 26/11/2021 11:11

(QNO) - Ngày 26.11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức một cuộc họp đặc biệt để thảo luận về biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 với nhiều biến chủng chưa từng có.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm nghiên cứu về COVID-19 của WHO. Ảnh: Gettyimage
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm nghiên cứu về Covid-19 của WHO. Ảnh: Gettyimage

“Siêu biến thể” SARS-CoV-2 mới có tên gọi B.1.1.529, được phát hiện ở Nam Phi trong số các bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm nghiên cứu về Covid-19 của WHO nói: “Chúng tôi chưa biết nhiều về biến thể mới này. Những gì chúng tôi biết là dòng này có một số lượng lớn các đột biến. Điều đáng lo ngại là khi có quá nhiều đột biến, chúng có thể có tác động đến cách thức hoạt động của vi rút SARS-CoV-2”.

WHO đang theo dõi sát sao chủng mới B.1.1.529, xem xét để quyết định xem B.1.1.529 là biến thể cần quan tâm hay không. Sau đó, WHO sẽ đặt tên mới bằng tiếng Hy Lạp cho biến thể này.

Theo các nhà khoa học, biến thể B.1.1.529 lần đầu tiên được phát hiện ở Botswana với 32 biến thể trong protein gai, có thể thay đổi khả năng lây nhiễm của vi rút đối với tế bào người hoặc khiến các tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.

Với 32 đột biến, B.1.1.529 là biến chủng nhiều đột biến nhất từ trước đến nay của vi rút SARS-CoV-2. 

Sau Botswana, nhiều ca nhiễm biến thể B.1.1.529 được phát hiện ở Nam Phi và 1 trường hợp được ghi nhận ở Hồng Kông, đã tiêm đủ 2 liều vắc xin Covid-19, trở về từ Nam Phi. Điều này khiến các nhà khoa học lo ngại chủng vi khuẩn mới có thể lây lan bất cứ nơi nào thông qua các chuyến du lịch quốc tế.

Việc theo dõi biến chủng mới được tiến hành trong bối cảnh ca mắc Covid-19 trên khắp thế giới tiếp tục tăng, đặc biệt là tại khu vực châu Âu.

Đột biến đáng lo ngại nhất lúc này chính là bệnh Delta - nguyên nhân khiến số ca lây nhiễm tăng vọt trên toàn cầu trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo, B.1.1.529 có thể lây nhiễm cao hơn Delta và kháng nhiều hơn hay “né” với các loại vắc xin hiện tại.

Các quan chức WHO cho biết cũng cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để hiểu được mức độ nghiêm trọng về mặt lâm sàng của biến thể B.1.1.529 so với các biến thể trước đó.

Một kỹ thuật viên tại phòng thí nghiệm thử nghiệm Covid-19 ở Johannesburg, Nam Phi.   Nhiếp ảnh gia: Waldo Swiegers / Bloomberg
Phòng thí nghiệm liên quan đến Covid-19 ở Nam Phi. Ảnh: Bloomberg

Giáo sư Meera Chand thuộc Cơ quan An toàn y tế Anh cho hay, bản chất của vi rút là không ngừng đột biến và ngẫu nhiên. Do vậy, không có gì lạ khi xuất hiện những biến thể mới có nhiều đột biến. Tuy nhiên, mọi biến thể có dấu hiệu lây lan mạnh đều cần phải theo dõi ngay. 

Trước tình hình này, Anh thông báo sẽ cấm các chuyến bay từ 6 quốc gia châu Phi, bao gồm Nam Phi, Namibia, Lesotho, Botswana, Eswatini và Zimbabwe bắt đầu từ trưa 26.11.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid chia sẻ: “Hiện vẫn cần thêm dữ liệu nhưng chúng tôi đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay từ bây giờ”.

Ngoài ra, công dân Vương quốc Anh và Ireland trở về từ 6 quốc gia trên phải trải qua cách lý tại khách sạn 10 ngày với chi phí tự túc. 

QUỐC HƯNG