Kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác phòng dịch Covid-19 tại trường học

T.C 25/11/2021 19:08

(QNO) - Chiều nay 25.11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với các sở, ngành và địa phương về công tác phòng chống dịch Covid-19 khi nhiều trường học có số lượng F0 tăng cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: T.C
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: T.C

Nhiều trường học còn lúng túng

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay, nhiều ổ dịch ở các trường học có xu hướng phức tạp. Đã có 17 F0 là học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức, 62 ca liên quan ổ dịch Trường THPT Hùng Vương (Thăng Bình), 67 ca tại Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn).

Tại Tiên Phước phát sinh nhiều ca bệnh mới, tập trung ở ổ dịch xã Tiên Cẩm, đối tượng chủ yếu là học sinh và chưa rõ nguồn lây. Theo thống kê của Phòng GD-ĐT Tiên Phước, địa phương đã có 31 học sinh và 2 giáo viên là F0, liên quan ổ dịch tại Tiên Cẩm, Tiên Hiệp. Số lượng F1 cũng rất lớn, do thời điểm phát hiện đúng dịp 20.11 với nhiều hoạt động thăm hỏi, chúc mừng thầy cô.

Cụ thể Tiên Phước có đến hơn 350 giáo viên, học sinh cấp tiểu học là F1, nhiều cán bộ, giáo viên buộc phải cách ly tập trung. Từ ngày 23.11 đến nay, nhiều nơi chỉ có vài học sinh đến lớp nên các trường chủ động đề nghị dừng học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến. Nếu tình hình bình thường, địa phương dự kiến tổ chức học trực tiếp trở lại vào tuần tới.

Tình hình dịch bệnh trong các trường học có nhiều diễn tiến phức tạp.
Tình hình dịch bệnh tại trường học có nhiều diễn tiến phức tạp. Ảnh: T.C

Ông Nguyễn Hoàng Nam - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin, hiện nay có 20 F0 là cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục và 240 F0 là học sinh, tập trung nhiều ở các ổ dịch Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, THPT Hùng Vương và rải rác các địa phương.

“Nhiều địa phương đã chuyển sang dạy trực tuyến toàn trường hoặc một số lớp như Đại Lộc (9 đơn vị), Điện Bàn (18 đơn vị), Hiệp Đức (8 đơn vị)… Từ đầu năm học, sở đã tham mưu ban hành phương án phòng chống dịch trong trường học; tuy nhiên qua kiểm tra thực tế, nhiều đơn vị khá lúng túng triển khai phương án. Công tác tuyên truyền cũng còn hạn chế, một số phụ huynh tự cho học sinh nghỉ học, có lớp chỉ còn 15% học sinh đi học” - ông Nam nói.

Tập trung khống chế dịch

Tại TP.Tam Kỳ, ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho hay, tuần qua số ca F0 tăng rất nhanh, phủ khắp các xã phường. Thành phố đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch ở mức cao nhất, truy vết các trường hợp liên quan, chỉ đạo trạm y tế các xã phường tổ chức lấy mẫu tại địa bàn để kiểm soát tình hình. Nhiều hoạt động không cần thiết đã bị tạm dừng hoặc hạn chế.

“Đối với các cơ sở giáo dục, TP.Tam Kỳ đã có văn bản yêu cầu thực hiện nhiều biện pháp như tăng cường tuyên truyền để thầy cô, học sinh hạn chế đi lại liên quan vùng dịch. Chúng tôi cũng đã tổ chức rà soát, thống kê số liệu chưa tiêm vắc xin để tiếp tục triển khai. Tam Kỳ kiến nghị cho tạm dừng việc học trực tiếp, chuyển sang dạy trực tuyến ở các cấp học từ ngày mai (26.11) đến Chủ nhật (28.11) để phục vụ truy vết, lấy mẫu ở trường học, kể cả trường cao đẳng, đại học, trung cấp; đồng thời đề nghị tỉnh hỗ trợ thêm nhân lực lấy mẫu tại các trường học” - ông Lai nói.

Ngành y tế tích cực hỗ trợ việc lấy mẫu, khoanh vùng dập dịch.
Ngành y tế đang tích cực hỗ trợ lấy mẫu, khoanh vùng dập dịch. Ảnh: T.C

Nhận định nhiều trường học còn chủ quan trong khâu phòng chống dịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu người đứng đầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp cần thường xuyên kiểm tra, rà soát. Các cơ sở giáo dục đặc biệt chú trọng thực hiện nghiêm túc những biện pháp phòng dịch, nêu gương người đứng đầu.

Biểu dương TP.Tam Kỳ đã chủ động tạm dừng các hoạt động không cần thiết để phòng chống dịch, ông Trần Văn Tân yêu cầu Tam Kỳ và các địa phương cần khẩn trương tiến hành các biện pháp truy vết, khoanh vùng, áp dụng các biện pháp phù hợp, tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về việc thực hiện các biện pháp phòng dịch.

“Ý thức người dân nâng lên, tỷ lệ tiêm vắc xin tốt sẽ giúp tăng cường hiệu quả phòng dịch. Do đó cần làm tốt việc tuyên truyền, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, huy động tổng lực hệ thống y tế vào cuộc. Đối với đề xuất của TP.Tam Kỳ về việc cho học sinh nghỉ học, đề nghị địa phương phối hợp với Sở GD-ĐT, Sở Y tế thảo luận, xem xét đề xuất; tuy nhiên cần tổ chức khoanh vùng, lấy mẫu theo từng trường, theo từng thời điểm, xem xét việc dạy học phù hợp, không hoang mang, áp dụng cứng nhắc” - ông Trần Văn Tân nói.

T.C