Sạt lở ở khu vực núi Chim

NGUYÊN HÀ 24/11/2021 07:47

Tại khu vực núi Chim, phía tây thị trấn Trà My (Bắc Trà My) những năm gần đây thường xảy ra các vụ sạt lở đất, thiệt hại tài sản và cả tính mạng của người dân, mới đây nhất vụ sạt lở vào ngày 17.11 làm sập tường nhà dân. Vì vậy cần sớm di dời các hộ dân khu vực này đến nơi an toàn.

Vệt nứt núi hình vòng cung, trên sườn núi Chim, bao bọc quanh cụm dân cư số 2 tổ dân phố Đàn Bộ, thị trấn Trà My có một nửa chiều dài được tạo ra từ đường xe chở keo nguyên liệu. Ảnh: V.B
Vệt nứt núi hình vòng cung, trên sườn núi Chim, bao bọc quanh cụm dân cư số 2 tổ dân phố Đàn Bộ, thị trấn Trà My có một nửa chiều dài được tạo ra từ đường xe chở keo nguyên liệu. Ảnh: V.B

Quan sát từ trên cao, có một vệt nứt đất tại sườn núi Chim, kéo dài hàng trăm mét, theo hình vòng cung, bao bọc toàn bộ 4 hộ dân có nhà ở dưới chân núi; đồng thời uy hiếp 9 hộ dân lân cận và có nhà ở về phía đối diện thuộc cụm dân cư số 2, tổ dân phố Đàn Bộ, thị trấn Trà My. Trong đợt mưa lớn liên tục từ ngày 15 - 18.11, vết nứt này càng nới rộng do nước mưa chảy trực tiếp, ngấm sâu xuống khe nứt.

“Trưa 17.11, chúng tôi thấy vết nứt càng nới rộng dần. Cả bốn hộ dân ở đây được mọi người hỗ trợ dọn đồ đi sơ tán. Tối hôm đó thì đất sạt, làm sập tường phía sau và tràn vào nhà. Sắp tới, còn mưa nữa, sợ không còn nhà mà ở” - bà Trần Thị Cảnh, một trong 4 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp tại khu vực này bày tỏ lo lắng.

Ông Trịnh Ngọc Duy - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trà My cho biết, để tránh thảm họa, chiều 17.11, các lực lượng địa phương buộc phải vận động và giúp đỡ di dời khẩn cấp 13 hộ dân trong khu vực với 38 nhân khẩu. Trong đó, có 10 hộ (25 nhân khẩu) tránh trú tại nhà người thân và 3 hộ (13 nhân khẩu) tránh trú tập trung tại trụ sở tổ dân phố Đàn Bộ.

Nguyên nhân gây sạt lở đất do thiên tai là đương nhiên. Song, tình trạng nứt, sạt núi tại sườn núi Chim, uy hiếp cụm dân cư số 2, tổ dân phố Đàn Bộ còn có cả yếu tố tác động trực tiếp từ con người.

Khoảng một nửa chiều dài vệt nứt trên sườn núi Chim nêu trên được tạo ra từ đường mòn tự phát, được người dân địa phương mở để xe cơ giới vận chuyển keo nguyên liệu.

Phía sau nhà ở của 4 hộ dân này có dấu hiệu của sự đào bới, khoét sâu thêm vào chân núi nhưng lại không có các giải pháp để thoát nước hay kè chắn, tránh tác động đến kết cấu địa chất.

Ông Huỳnh Sơn Lâm, một hộ dân tại đây cho hay, đường xe chạy lên núi phía sau nhà các hộ dân này, đến mùa thu hoạch keo, xe chạy liên tục. “Xe tải chở keo 15 - 20 tấn, bánh xe được tài xế bọc thêm dây xích để bám chắc khi leo núi, phá hỏng hết mặt đồi” - ông Lâm kể.

Theo ông Trịnh Ngọc Duy, đường lâm sinh, xe chở keo chạy lâu ngày, khoét sâu, tạo ra rãnh lớn cũng là một trong những nguyên nhân tác động dẫn đến sạt lở tại cụm dân cư này. Trước đó, vụ sạt núi kinh hoàng trong đêm vào đầu tháng 11.2017 làm 5 người thiệt mạng cũng xảy ra tại khu vực dưới chân núi Chim.

“Cùng với việc di dời, sơ tán khẩn cấp mỗi khi có mưa lớn, về lâu dài, địa phương vận động các hộ dân này tự nguyện đăng ký di dời nhà ở đến nơi ở an toàn và trình cấp trên xem xét hỗ trợ theo Nghị quyết 23/2021 của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi Quảng Nam, giai đoạn 2021 - 2025 để họ ổn định cuộc sống” - ông Duy nói.

NGUYÊN HÀ