Nỗ lực hỗ trợ đồng bào Cơ Tu tiêu thụ cam sạch
(QNO) - Với thông điệp “mỗi trái cam, một tấm lòng”, nhóm tình nguyện trẻ Đà Nẵng đã vượt gần 200km đến xã Gari (Tây Giang) để thu gom hàng chục tấn cam của bà con đồng bào Cơ Tu đang vào mùa thu hoạch. Năm nay, đa số vườn cam đều được mùa nhưng khó tiêu thụ do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và đợt mưa lớn trong những ngày qua.
Từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm là thời điểm hàng nghìn cây cam trồng trên đồi núi của người dân Cơ Tu ở xã Gari cho quả chín rộ. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, giao thông cách trở, thương lái không thể đến tận vườn thu mua, dẫn đến hàng chục tấn cam chín có nguy cơ bị ứ đọng, khó đến tay người tiêu dùng.
Giúp đồng bào tiêu thụ cam
Thấu hiểu nỗi vất vả của người dân xã Gari, trời mưa tầm tã, từ 5h sáng, nhóm tình nguyện trẻ Đà Nẵng với 5 thành viên không quản ngại đường sá xa xôi, hiểm trở, vượt núi đồi bằng xe bán tải lên vùng biên giới Gari đưa cam về Đà thành tiêu thụ. Ai cũng mong giúp người dân có chút ít thu nhập.
Anh Trần Đình Quốc Khương, Trưởng nhóm tình nguyện trẻ Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi thu mua cam của người dân với giá 15 nghìn đồng/kg, bình quân mỗi chuyến đi nhóm chuyển từ 4 - 6 tấn cam xuống phố.
Sau khi cam được tập kết xuống Đà Nẵng, các thành viên của nhóm phân công nhau bán lẻ, đội mưa chở cam đi bỏ mối cho các hộ kinh doanh cho đến các chợ truyền thống, giá dao động từ 20 - 25 nghìn đồng/kg để gây quỹ từ thiện, dự kiến trong thời gian đến sẽ quay lại xã Gari tổ chức một chương trình thiện nguyện.
Ngoài ra, các thành viên của nhóm còn in nhiều băng rôn treo trên các trục đường với câu slogan “Mỗi trái cam, một tấm lòng” thể hiện sự chung tay, ủng hộ, giúp đỡ bà con, đồng thời lan tỏa hình ảnh tích cực về cam bản địa Tây Giang, sản phẩm sạch 100%. Sau gần một tuần, nhóm đã tiêu thụ giúp bà con hơn 15 tấn cam.
“Tôi cũng như các thành viên trong nhóm luôn tâm niệm, lên Tây Giang để giúp người dân tiêu thụ cam chứ không tính đến việc kinh doanh thu lợi nhuận. Mỗi ki lô gam cam bán ra thị trường, sẽ giúp người dân có thêm thu nhập để trang trải trong cuộc sống”.
Anh Khương cho biết thêm, để vận chuyển những quả cam về thành xuôi đảm bảo không dập nát, hư hỏng trước khi đến tay người tiêu dùng, các thành viên nhóm đã nâng niu, đóng gói cẩn thận hàng chục tấn cam. Do đường đi gặp nhiều đoạn bị sạt lở, nên đoàn xe đi thật chậm. Tính từ lúc khởi hành đến khi đưa cam về tới Đà Nẵng mất ít nhất 17 giờ đồng hồ.
“Rất may mắn, khi cam đưa về Đà Nẵng được người dân mua ủng hộ rất nhiều. Ai cũng khen cam ngon, ngọt nước, hương vị khác lạ, sản phẩm đặc trưng của miền núi. Mong những ngày tới, người dân thành phố tiếp tục ủng hộ để cam Tây Giang bán được nhiều hơn nữa” - anh Khương phấn khởi nói.
“Vệ tinh” của vùng cam
Hơn tuần qua, anh Ríah Dung, Bí thư Đoàn xã Gari luôn tích cực phối hợp với nhóm tình nguyện trẻ Đà Nẵng và các tổ chức, cá nhân khác trong việc tiêu thụ cam bản địa Tây Giang.
Để giải quyết đầu ra cho quả cam của người dân Gari, ngoài thị trường Đà Nẵng, anh Dung còn kết nối và cung cấp từ 3-5 tấn cam mỗi ngày cho các siêu thị mini, chợ, nhà hàng đến các huyện, thị, thành trong tỉnh Quảng Nam.
“Để bà con Cơ Tu ở Gari đỡ lo lắng, vất vả trong việc tìm đầu ra cho quả cam, tôi tập hợp đoàn viên thanh niên trong xã và các hộ thanh niên nghèo đang làm trong vườn và các trang trại của mình đứng ra hỗ trợ, tổ chức thu gom sản phẩm của bà con, đồng thời giới thiệu, kết nối để xuất sản phẩm đến các nhóm, các đầu mối cần thu mua.
Từ việc quảng bá ch đến dần bán được cam, hình thành ý thức thương mại hóa sản phẩm do mình làm ra giúp nhiêu hộ đồng vào Tây Giang mạnh dạng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làm nông nghiệp sạch để thoát nghèo bền vững” - anh Dung chia sẻ.
Nhờ kiên trì truyền thông và kết nối hiệu quả với các đầu mối, anh Dung đã xuất hơn 30 tấn cam bản địa vào các siêu thị lớn, nhỏ, nhà hàng, chợ... tại khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam. Anh cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng về chất lượng cam Tây Giang giúp anh có thêm động lực.
Theo thông tin từ UBND xã Gari (Tây Giang), cây cam được người dân trồng chủ yếu ở các thôn Arooi và Ating, với hơn 80ha. Đây là giống cam bản địa quen khí hậu, thổ nhưỡng với độ cao dao động từ 1.300m đến 1.700m so với mực nước biển, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.
Trong những năm qua, nhờ canh tác cam mà nhiều hộ gia đình có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Năm nay dù ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, nhưng với sự đồng hành kịp thời cùng nông dân trồng cam của các nhóm tình nguyện, các tổ chức, cá nhân nói trên, người trồng cam có thêm cơ hội nâng cao thu nhập, dần ổn định cuộc sống.