Hóa Khuê Đông - quê hương Quản Điều
Tôi thường có dịp về làng Khuê Đông vào mỗi cuối tháng 11 hàng năm. Năm ngoái là nhân dịp khánh thành lăng mộ ngài Nguyễn Văn Diêu. Đây là quê hương của người nông dân Nguyễn Văn Diêu sau này trở thành Chánh quản cơ hương binh, được nhân dân tôn kính gọi là Quản Điều, một nhân thần của làng.
Lai lịch một vùng đất
Hóa Khuê là một trong 66 làng cổ ở Điện Bàn đã được TS. Dương Văn An viết trong “Ô Châu cận lục” hồi giữa thế kỷ 16, sau tách thành hai làng Khuê Trung (tức Hóa Khuê Tây) và Khuê Mỹ (tức Hóa Khuê Đông), thuộc các phường Hòa Hải, Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn ngày nay.
Theo đạo dụ ngày 15.1.1901 của vua Thành Thái, làng Hóa Khuê Đông trở thành làng Quế Đông thuộc tổng An Lưu, huyện Hòa Vang. Từ năm 1947, Quế Đông thành Hóa Khuê Đông thuộc xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang; còn Hóa Khuê Tây (Khuê Trung) thuộc khu nam của thành phố Đà Nẵng.
Dưới thời Việt Nam Cộng hòa (1954 - 1975), Hóa Khuê Đông thuộc xã Hòa Hải, Hóa Khuê Tây thuộc xã Hòa Thuận, cả hai đều thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
Sau năm 1975, Hóa Khuê Tây trở thành phường Khuê Trung, nay thuộc quận Cẩm Lệ, còn Hóa Khuê Đông (Quế Đông) vẫn thuộc các xã Hòa Hải, Hòa Quý, huyện Hòa Vang.
Năm 1997 khi chia tách Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính, Quế Đông mới trực thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Từ 2.3.2005 thuộc các phường Khuê Mỹ, Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn gồm 4 đơn vị hành chính cấp phường: Mỹ An, Khuê Mỹ, Hòa Hải, Hòa Quý, phần lớn là đất Hóa Khuê Đông cũ).
Ngoài danh thắng, di tích quốc gia Ngũ Hành Sơn với nhiều di tích lịch sử và chùa chiền nổi tiếng, trong khu vực này còn có nhiều di tích khá đặc biệt của một vùng đất cũ, mà theo tài liệu khảo cổ đã tồn tại từ 3.000 - 3.500 năm.
Ở làng Hóa Khuê Đông (Khuê Mỹ, Hòa Hải, Hòa Quý ngày nay), ngoài nơi yên nghỉ của ngài Nguyễn Văn Diêu, còn có một di tích đặc biệt là miễu Một Cây Da Quỳ, dân gian gọi là Miễu thờ Tam vị, được cho là đền thờ TS. Nguyễn Phục, người phụ trách chuyển vận sứ trong đoàn quân Nam chinh của Lê Thánh Tông năm 1471, ông bị hành quyết oan vì chậm trễ việc quân lương.
Chuyện kể, Nguyễn Phục được vua Lê cử làm Chuyển vận sứ lo việc chuyển quân lương để phục vụ chiến dịch Nam chinh đánh vào thành Đồ Bàn của người Chiêm. Trên đường đi, đoàn thuyền lương gặp bão nên phải nằm lại ở cửa Tư Hiền (Thừa Thiên Huế).
Khi đến Đà Nẵng trễ mất 10 ngày. Lê Thánh Tông ra lệnh hành hình để giữ nghiêm quân pháp. Khi biết đó là tội oan, nhà vua ra lệnh hoãn xử thì đã… trễ! (theo Nguyễn Phước Tương). Bên cạnh đình làng Hóa Khuê Đông vừa phục dựng, còn có ngôi chùa cổ Từ Vân vẫn còn tồn tại dù trải qua những năm tháng chiến tranh tàn khốc.
Nằm gần miễu Một là một di tích khá quan trọng: Đình làng Khuê Mỹ, được coi như một trong những ngôi đình cổ nhất ở khu vực với di chỉ khảo cổ mang tên “Vườn đình Khuê Mỹ”.
Di chỉ đình Khuê Mỹ
Năm 2001, cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã chủ trì việc khảo cổ ở vườn đình này với nhiều kết luận quan trọng, bên cạnh giếng Mọi được nhân dân gìn giữ, di chỉ đã cho thấy các tầng văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa và Đại Việt kéo dài hàng chục thế kỷ chồng lên nhau dưới các địa tầng.
Tháng 5.2017, lần khai quật thứ 3 thực hiện trên diện tích 50m2 tại vườn đình, cho thấy đây là tầng văn hóa thời kỳ tiền Sa Huỳnh, chứa các di vật của cư dân cách đây 3.000 - 3.500 năm.
Trên diện tích hố khai quật đã phát hiện được các loại hình di vật gồm công cụ đá (rìu, bàn mài, hòn kê, hòn đập), đá nguyên liệu (màu trắng đục, vàng trắng hoặc nâu xám, xanh xám), đá nguyên liệu chế tạo đồ trang sức (màu nâu đỏ, nâu đen, nâu đỏ đen) và số lượng lớn các mảnh gốm.
Đáng chú ý nhất là bộ công cụ sản xuất, các công cụ đá được chế tác từ các loại đá như sa thạch, đá diệp thạch màu trắng đục hoặc màu trắng xám… Các loại đá ở đây có độ cứng cao, đáp ứng nhu cầu chế tác công cụ sản xuất (theo TTXVN).
Về giá trị lịch sử - văn hóa, đây là di chỉ cư trú, mộ táng, chế tác công cụ và đồ trang sức... So sánh kết quả 2 lần khai quật trước (năm 2001 và 2015) cho thấy tính chất thống nhất của di chỉ. Việc đánh giá giá trị của di chỉ khách quan và đầy đủ hơn qua các lần khai quật. Trong cả 3 lần khai quật, địa tầng của di chỉ đều thể hiện rất thống nhất là sự ổn định của lớp văn hóa cư dân tiền Sa Huỳnh khá nguyên vẹn.
Theo TS. Phạm Văn Triệu - Viện Khảo cổ học: “Chính sự ổn định và nguyên vẹn đã tạo nên giá trị độc đáo của di chỉ; có lớp văn hóa được hình thành từ các hoạt động của con người đương thời để lại, do đó trong lớp này chứa đựng các di tích và di vật của con người thời đó. Các nhà khảo cổ học xác định các hiện vật (gốm, sứ) tại vườn đình Khuê Bắc có hai tầng văn hóa sớm muộn.
Những hiện vật này chủ yếu là vật dụng sinh hoạt làm bằng gốm, đá. Trong đó có 5 rìu đá còn nguyên vẹn. Những hiện vật này thuộc nền văn hóa tiền Sa Huỳnh có niên đại từ 2.500 - 3.000 năm. Ngoài những hiện vật thuộc nền văn hóa tiền Sa Huỳnh, tại di chỉ khảo cổ Khuê Bắc còn phát hiện hiện vật thuộc nền văn hóa Chămpa nằm phía trên”.
Đến nay, trên dải đất miền Trung có 2 di chỉ khảo cổ học quý hiếm mà tầng văn hóa còn nguyên vẹn, chứa các dấu tích văn hóa của cư dân tiền Sa Huỳnh, đó là di chỉ Bàu Trám I, xã Tam Anh, Núi Thành (Quảng Nam) và di chỉ vườn đình Khuê Bắc (xã Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng).
Đình Khuê Bắc hiện nằm sát chân núi Kim Sơn trong quần thể khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, thuộc phường Hòa Hải. Sau khi đình làng đã được trùng tu và xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố, tôi đã đến tìm hiểu. Các vị cao niên tại địa phương cho biết đình được xây dựng bên sông Cổ Cò, tựa lưng vào hòn Tiểu Hổ Sơn theo kiến trúc 5 gian, theo lối “tiền phong hậu tẩm”. Trong quần thể đình làng còn có miếu Tam vị, miếu bà Còng, giếng Mọi...
Mỗi năm tại đình làng Khuê Mỹ có 2 lễ chính là Tế Xuân và Tế Thu vào các ngày 20.3 và 20.8 âm lịch, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an. Đình làng cũng là nơi tụ họp của dân làng Khuê Bắc mỗi khi có sự kiện quan trọng, là nơi sinh hoạt văn hóa, chính trị của người dân nơi đây từ năm 1945 đến nay.
Theo văn bia bằng chữ quốc ngữ và lời kể, đình làng trước đây xây dựng nhiều lần bằng vật liệu đơn sơ. Đến đời Đồng Khánh (1885 - 1888), được xây lại kiên cố, có lầu chiêng trống, ở gian hậu tẩm thờ thần hoàng bổn xứ, hai gian tả hữu (tả ban, hữu ban) thờ các vị tiền hiền có công quy dân lập ấp.
Đình Khuê Bắc được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố tại Quyết định số 9726/QĐ-UBND ngày 14.12.2010 của UBND TP.Đà Nẵng.
Nhớ người quân tử...
Tại lễ khánh thành mộ ngài Nguyễn Văn Diêu, tôi được các bậc cao niên địa phương kể rằng, nhờ chiếc khăn điều bất ly thân do thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu tặng nên cụ được dân chúng gọi là Quản Điều.
Ông là một chiến sĩ gan dạ của Nghĩa hội Quảng Nam với nhiều chiến công lẫy lừng làm cho giặc Pháp vùng Đà Nẵng phải nhiều phen kinh hoàng suốt giai đoạn 1885 - 1887. Ông bị quân Pháp vây bắt, chém và bêu đầu tại chợ Hà Thân nơi ông đã nhiều lần đem quân đốt chợ để triệt nguồn hậu cần của giặc. Ông được dân chúng kính trọng và thờ như một trong hai nhân thần của làng.
Tự dưng tôi lại nhớ đến hai câu ca dao xưa:
“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai”.
“Người quân tử” thời nào cũng có và chính họ đã cùng với nhân dân làm nên lịch sử để ta ngưỡng vọng.