TikTok, nền tảng thay đổi ngành công nghiệp âm nhạc
TikTok – nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới đang thu hút hơn một tỷ người dùng mỗi tháng. Hiệu ứng lan tỏa từ mạng xã hội TikTok giúp những nhóm nhạc đình đám trên thế giới tìm ra cách quảng bá sản phẩm mới độc đáo.
Lần đầu tiên, TikTok công bố bảng phân tích K-Pop TikTok Infographics 2021. Chỉ trong 3 năm qua, số lượng video K-pop trên nền tảng TikTok tăng gấp ba lần, từ 33,5 triệu video vào năm 2019 đến 97,87 triệu video vào tháng 9.2021. Trong đó, 92,8% video được sáng tạo bởi cộng đồng toàn cầu (ngoài Hàn Quốc).
Indonesia là thị trường sở hữu nhiều video K-pop nhất (chiếm 16,4%), theo sau là con số 13,5% video từ Philippines và 8,7% từ Mỹ...
Nhóm nhạc BTS gồm 7 chàng trai trẻ của Hàn Quốc đứng đầu bảng xếp hạng số lượng người theo dõi. Bởi vậy, Hàn Quốc – nơi sản sinh K-pop không phải là thị trường hâm mộ thể loại âm nhạc này trên TikTok nhiều nhất mà sự sáng tạo, chia sẻ nội dung K-Pop đa dạng, những video tái hiện vũ đạo đến các vở hài kịch ngắn đặc trưng lan tỏa đến người dùng mạng xã hội khắp nơi trên thế giới.
Việc BTS - một trong những nhóm nhạc được theo dõi nhiều nhất thế giới sử dụng TikTok thay vì YouTube cũng là một minh chứng cho sức ảnh hưởng ngày càng tăng của ứng dụng.
Hay ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Mỹ Peter McPoland không mấy tên tuổi phút chốc nổi danh khi vào tháng 4 năm ngoái bắt đầu đăng nhạc của mình trên TikTok, đặc biệt những ca khúc mang sắc thái dân gian, đến nay thu hút hàng triệu lượt hâm mộ yêu thích. Với lượng người hâm mộ tăng lên từng ngày và chuyến lưu diễn rầm rộ vào mùa thu năm nay, sự nghiệp của McPoland chưa có dấu hiệu chậm lại.
Theo CNN, nghệ sĩ Matthew Wilder từng gây tiếng vang nhờ sáng tác một bài hát thời lượng 30 phút mang tên “Break My Stride” vào năm 1980, xuất hiện trong các bộ phim, quảng cáo trong nhiều năm. Nhưng sau gần 4 thập kỷ, bài hát trở nên phổ biến hơn nữa với những người nghe thậm chí không được sinh ra vào những năm 1980 khi nó được đăng tải và chia sẻ trên TikTok.
TikTok cho phép người sử dụng tạo ra các video ngắn, chỉnh sửa chúng, kết hợp với âm nhạc cùng các hiệu ứng đặc biệt trong khoảng 15 giây. Ở đó, người dùng có thể tạo nhiều video khác nhau, từ thử thách, khiêu vũ, ảo thuật và hài hước để thu hút người xem, chia sẻ và khai thác.
Jesse Callahan, người sáng lập công ty tiếp thị mới nổi Montford Agency cho biết: “Tiếp thị âm nhạc trên TikTok là rất lớn, rất tiềm năng. Đó là cách mà các hãng âm nhạc đưa nghệ sĩ trở thành tâm điểm trong vài năm qua, cũng là cách mà những người sáng tạo đã kiếm được rất nhiều tiền”.
TikTok trở thành công cụ quảng cáo cần thiết cho các nghệ sĩ âm nhạc và hãng thu âm, nhà phân phối âm nhạc hiện nay và họ có các nhóm dành riêng để tương tác với ứng dụng. Ngược lại, bản thân TikTok có một bộ phận đầy đủ tập trung vào các hoạt động âm nhạc, quan hệ đối tác âm nhạc và các mối quan hệ nghệ sĩ cũng như phát triển kinh doanh.
Không cần tìm đâu xa hơn Billboard 100 hoặc Spotify Viral 50 để xem tác động của ứng dụng đối với âm nhạc phổ biến trong năm qua. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, 75% người dùng TikTok ở Mỹ nói rằng họ sử dụng nền tảng này để khám phá nghệ sĩ mới.
Do vậy, dù còn nhiều tranh cãi từ vấn đề bản quyền cho đến kiểm soát nội dung, TikTok - nền tảng video âm nhạc được ra mắt vào năm 2017 của công ty công nghệ ByteDance (Trung Quốc) hiện là ứng dụng phát triển nhanh nhất thế giới, với cộng đồng video âm nhạc lớn nhất trên toàn cầu.