Chuyện một cựu nhà giáo thương binh

HỒ QUÂN 19/11/2021 17:56

(QNO) – Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và bị thương nặng dẫn đến khuyết tật một cánh tay, nhưng bà Nguyễn Thị Luận (SN 1937, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) đã những năm tháng nỗ lực không ngừng nghỉ, dạy dỗ nhiều thế hệ học trò.

Năm nay đã 85 tuổi nhưng bà Luận vẫn rất minh mẫn, đôi mắt vẫn tỏ tường. Ảnh: H.Q
Năm nay đã 85 tuổi nhưng bà Luận vẫn rất minh mẫn, đôi mắt vẫn tỏ tường. Ảnh: H.Q

Chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Luận khi cùng cán bộ xã Tam Thăng đến bàn giao căn nhà dành cho người có công đối với gia đình bà Luận vào tháng 7.2021. Năm nay đã 85 tuổi, nhưng bà Luận rất minh mẫn, đôi mắt vẫn tỏ tường. Mọi thông tin từ thời tham gia kháng chiến đến những bước đổi thay của quê hương Tam Thăng bà vẫn nhớ như in.

Bà Luận lấy chồng năm 18 tuổi, tham gia hoạt động cách mạng từ 1964 - 1968 với nhiệm vụ nắm bắt thông tin tại khu vực vùng đông TP.Tam Kỳ. Đến chiến dịch Mậu Thân (1968), khi đang làm nhiệm vụ thì bị địch ném bom ác liệt vào làng, mảnh bom gây thương tích nặng một cánh tay của bà dẫn đến khuyết tật. Và sau đó một năm, chồng bà Luận – một cán bộ phụ trách lương thực của địa phương cũng hy sinh.

Chồng mất, bản thân khuyết tật, phải nuôi một người con 4 tuổi và một người con 7 tháng tuổi, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Nhưng khi nghe chính quyền địa phương vận động người dân có kiến thức, chuyên môn tham gia dạy cho con em trong làng, bà Luận đã đăng ký tham gia.

“Thời kháng chiến chống Pháp, tôi được đi học phổ thông nên cũng nắm một số kiến thức cơ bản. Nghĩ cho tương lai con em, tôi cố gắng vượt qua khó khăn để tham gia các lớp dạy chữ trong làng. Cánh tay bị thương khuyết tật, thời gian đầu cử động, giảng dạy vất vả lắm, nhưng dần quen và thấy yêu nghề dạy học” – bà Luận nói.

Bà Luận chia sẻ, thời điểm ấy, bà tham gia dạy học chỉ mong cho con cháu biết chữ, chứ không có lương thưởng gì cả. Buổi dạy học, buổi làm nông nuôi con vất vả trong suốt 19 năm. Trong suốt thời gian ấy, niềm vui lớn nhất là nhiều thế hệ học trò của bà học được chữ và lớn lên trở thành người có tài, có ích cho xã hội.

“Năm 1987, sức khỏe cũng suy giảm, tôi cũng xin về hưu và tạo cơ hội cho những giáo viên trẻ, năng động, được đào tạo bài bản đứng lớp, dạy cho con em địa phương những kiến thức mới hơn, tốt hơn. Đảng và nhà nước từ đó đến nay cũng luôn quan tâm, có nguồn trợ cấp hàng tháng, hỗ trợ kinh phí xây nhà giúp tôi yên tâm an hưởng tuổi già” – bà Luận cho hay.

Với những đóng góp dành cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và ngành giáo dục, bà Nguyễn Thị Luận được Nhà nước khen tặng Huân chương kháng chiến Hạng 3, Bộ GD-ĐT tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục vào năm 1990.

HỒ QUÂN