Hội An gượng dậy
(QNO) - Tự dưng nhớ Hội An đến lạ, chỉ cách ba chục cây số thôi mà gần một năm rưỡi rồi tôi chưa ghé lại. Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 31.7 năm ngoái - ngày Hội An lần đầu chính thức bị phong tỏa theo Chỉ thị 16 khi chuỗi lây từ một số bệnh viện Đà Nẵng lan vào Hội An...
Trước đó chừng nửa tháng, tôi cùng nhóm bạn thân vừa có một đêm ngắn ngủi tại đô thị cổ này, những chuyến đi về Hội An với tôi 10 năm về trước có thể nói như cơm bữa. Hễ thấy buồn buồn là xách xe vọt đi, có khi vui vui thì í ới nhau ghé đôi ba tiếng hàn huyên chuyện trên trời dưới đất. Nói vậy để biết Hội An như là chốn thân quen, là người nhà...
Có lẽ vì chút thiên vị ấy mà khi nghe tin Hội An bị giãn cách xã hội, tôi không khỏi bần thần. Gọi vào ông anh nhiều duyên nợ - Võ Phùng, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao Hội An - giọng anh đầy trầm ngâm: “Đến lúc phải như vậy thôi! Phải giữ Hội An không lan thêm nữa, bởi đã có ca tử vong đầu tiên là người Hội An” (BN 428). Với tôi, thời điểm này rất khó mà quên vì đây cũng là ca tử vong đầu tiên do Covid-19 được ghi nhận tại Việt Nam.
Từ thời điểm ấy đến nay đã 16 tháng, chen giữa khoảng thời gian dằng dặc ấy là vài ngày ít ỏi khi được cân nhắc nới lỏng, rồi phong tỏa… cho dù rất cố công theo dõi tình hình nhưng thú thật nhiều lúc tôi cũng rối mù về trạng thái đời sống của Hội An, khi nào là Chỉ thị 15, 19 hay gắt hơn là 16… Nhưng có một điều chắc chắn là gần hai năm qua cùng với các địa phương, nhất là các trung tâm du lịch trên cả nước, Hội An gần như đóng cửa…
Một địa chỉ du lịch nổi tiếng trên thế giới mà đóng cửa thì tai họa chớ chẳng chơi. Không phải là chết người, nhưng Hội An sẽ sống mòn, chết héo... khi cuộc mưu sinh của hàng vạn gia đình từ chỗ khá xông xênh rơi tuột về số không.
Anh Huỳnh Ngọc Tấn - chủ nhân Phố Hội Riverside Resort nhắn tin cho tôi mà không giấu vẻ ngao ngán: “Không chỉ đóng cửa mà không chừng sẽ phá sản luôn anh à. Gia tài cả đại gia đình nội ngoại vét hết bỏ vô đây, cuối cùng bỏ mặc cho mưa nắng”. Theo anh, doanh nghiệp lao đao đã đành, lỗ mấy cũng chịu, nhưng với người lao động thất nghiệp dài, chật vật lắm mới sống qua ngày. Tất nhiên chính quyền thành phố Hội An cũng chỉ biết động viên, còn chính sách thì cũng bám theo các quy định của Chính phủ, có gì hưởng nấy mà thôi.
Trong lúc bí bách ấy thì dịch bệnh dần được kiểm soát, chủ trương mở cửa đón khách trở lại khiến mọi người như thoát khỏi cảm giác tù đọng lưu cữu bấy nay. Ngồi làm việc nghe chị em phóng viên rủ nhau vào nghe ngóng chương trình “Hội An - ngày trở lại” tôi cũng vui lây và hình dung gương mặt đô thị cổ Hội An như giãn ra, những hẻm phố già nua như đang trở mình, gượng dậy.
Vâng! Gượng dậy đang là trạng thái chung của các địa phương có thế mạnh về du lịch, nhưng để trở lại một cách mạnh mẽ thì vẫn là câu chuyện dài phía trước.
Gọi cho tôi, anh bạn Sử Quận Cang - một người buôn bán nhỏ - giọng ưu tư: “Nhớ lại cuối tháng 7 năm ngoái, hồi đó cứ nghĩ sẽ tạm đóng cửa một tháng thôi, bà con động viên nhau cố lên, mọi chuyện sẽ qua nhanh, ai ngờ đã gần 2 năm rồi… chắc cái khó còn dài dài”.
Đau đáu cho Hội An không còn đơn thuần là chuyện yêu mến hay là vui miệng, tán chuyện cà phê cho qua buổi sáng dai nhách của thời dịch dã, mà xới lên cách nghĩ cách làm cho một “trạng thái bình thường mới”, như cách nói của các nhà quản lý hiện nay.
Với ông Nguyễn Sự (nguyên Bí thư Thành ủy Hội An) thì sự trở lại của du lịch Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng là phải đối diện một thực tại khác hẳn. Đã qua rồi những năm tháng nói nhiều làm ít, thậm chí nói một đàng làm một nẻo. À, thì ra anh đang nói về chuyện liên kết giữa các địa phương “nếu ngày trước nhu cầu liên kết một thì bây giờ phải liên kết mười”. Tôi gặng lý do, ông quả quyết: “Đây là cốt tử, dịch bệnh đã chia cắt, đứt gãy thì bây giờ không chỉ kết nối lại cho thông suốt dòng khách mà chính là ngồi thực sự với nhau, tính toán từng phần việc. Anh, tôi có gì thì chia ra mà tính toán, không thể mạnh ai nấy làm, chỉ có cùng làm với nhau thì ngay cả việc kiểm soát phòng dịch cũng hiệu quả”.
Lướt qua chương trình “Hội An - ngày trở lại”, rõ ràng đã có sự đầu tư khá bài bản cho cuộc làm mới mình trước mắt du khách sau thời gian dài khép cửa, nhưng trong mắt một người “rặt" Hội An, từng là “cha đẻ” của các dự án, kế hoạch táo bạo và bất ngờ của Hội An từ mười mấy năm về trước như ông Sự thì sau cái đận dịch này cả chính quyền và người dân Hội An phải tiếp tục nghĩ khác và làm khác. Đừng loay hoay mấy sản phẩm bó khung trong khu phố cổ, hãy tận dụng đầu tư và khai thác một cách có hệ thống nguồn tài nguyên hiện có. Theo ông, cả hệ thống sông biển, không gian đồng ruộng, làng quê có thể kéo nguồn khách về một cách bền vững.
Chia sẻ cách nhìn này, anh Võ Phùng quả quyết rằng: “Người dân có thể sống ổn trong bối cảnh dịch bệnh lâu dài; bởi chính sự hào phóng, thông thoáng của tự nhiên là thế mạnh của các sản phẩm du lịch xanh mà Hội An hoàn toàn thỏa mãn được. Đáp ứng tiêu chí giãn cách thì chẳng đâu hơn những bãi biển đẹp, làng quê thanh bình”.
Sau bao ngày chờ đợi cho cuộc trở lại, chiều nay (17.11), Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng loan tin trên group anh em báo chí: đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên gồm 30 người đã đáp xuống sân bay Đà Nẵng chiều nay và đang trên đường về Khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An.
Tôi hiểu, đây là niềm vui chung không riêng gì những người làm du lịch ở Quảng Nam mà còn là sự chờ đợi của cả nước, nhất là sau khi Chính phủ đồng ý để 5 địa phương là Kiên Giang, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh được thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11.2021.
Mọi chuyện có vẻ như đã sáng sủa hơn, có cái để kỳ vọng hơn khi tối 18.11 sẽ là đoàn thứ hai với 150 du khách; sau đó nữa là ngày 25.11, 200 du khách Mỹ, Canada, Hàn Quốc và cả Việt kiều cũng sẽ đến Quảng Nam qua sân bay Đà Nẵng.
Là dân Quảng Nam, lại là dân làm báo, nghe tin khách du lịch quay trở lại quê nhà có cảm giác mình cũng nhẹ lòng. Bây giờ, với tôi chỉ muốn gõ nốt những dòng chữ này để chạy ù vào Hội An để mà huyên thuyên cùng bè bạn, rồi sau đó là một đêm thả bộ như những năm nào…