Vui ngày hội đoàn kết ở Tây Giang

HIỀN THÚY 17/11/2021 07:08

Những ngày này, tại vùng cao Tây Giang diễn ra nhiều hoạt động nhân ngày hội đại đoàn kết toàn dân và chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18.11).

Người dân thôn Bhlố, xã A Vương đã có cuộc sống ổn định. Ảnh: H.THÚY
Người dân thôn Bhlố, xã A Vương đã có cuộc sống ổn định. Ảnh: H.THÚY

Ngày hội đại đoàn kết năm nay, bà con thôn Bhlố, xã A Vương rất vui khi có cán bộ, lãnh đạo huyện về dự, chia sẻ với những thành tựu của thôn đạt được sau một năm đầy khó khăn.

Chị Bríu Thị Xéc - Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Bhlố chia sẻ, để ngày hội diễn ra ý nghĩa và đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, Ban quản trị thôn, chính quyền xã đã triển khai công tác chuẩn bị từ rất sớm theo chỉ đạo, hướng dẫn từ cấp trên.

“Chúng tôi lên kế hoạch, phân công cụ thể từng công việc. Thanh niên phụ trách khâu trang trí, phụ nữ lo quét dọn vệ sinh và phục vụ cho buổi tiệc sau phần lễ kết thúc. Mặc dù dịch bệnh còn nhiều khó khăn, nhưng đời sống bà con ổn định hơn trước nhiều, ai cũng có nhà kiên cố để ở, không còn hộ đói, trẻ em được đến trường” - chị Xéc nói.

Thôn Bhlố có gần 50 hộ đồng bào Cơ Tu với hơn 160 nhân khẩu sống tập trung, gắn bó với nhau. Kinh tế bà con chủ yếu làm nương rẫy và sống dựa vào rừng. Những năm gần đây, chính quyền địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đặc biệt phát triển trồng cây dược liệu giúp đời sống bà con phát triển ổn định hơn.

Ông Alăng Bưu - Bí thư Chi bộ thôn Bhlố cho hay, trước đây bà con chỉ làm nương rẫy nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Từ khi được huyện Tây Giang quy hoạch san ủi mặt bằng, bố trí về khu tái định cư mới đời sống được nâng lên rõ rệt. Cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm tại thôn Bhlố được đầu tư đồng bộ.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện trao tặng nhà Đại đoàn kết cho gia đình anh Ating Vươn, thôn Aréc, xã A Vương. Ảnh: H.THÚY
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện trao tặng nhà Đại đoàn kết cho gia đình anh Ating Vươn, thôn Aréc, xã A Vương. Ảnh: H.THÚY

Chính quyền huyện Tây Giang thường xuyên hỗ trợ cây con giống, tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giới thiệu mô hình kinh tế phù hợp hiệu quả…. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm rất nhiều so với trước đây, nay còn 37%. Nhiều hủ tục dần được loại bỏ trong đời sống như khi đau ốm đã đến cơ sở y tế điều trị; cưới xin không còn tư tưởng thách cưới đòi của hồi môn nặng nề như trước.

“Bà con đã và đang tiếp tục chung tay, góp sức thi đua xây dựng thôn nông thôn mới theo Nghị quyết 14 của Huyện ủy Tây Giang. Đến nay, thôn đã cơ bản hoàn thành nhiều tiêu chí về cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, gươl được xây dựng kiên cố, thôn có sân chơi thể thao...” - ông Bưu cho biết thêm.

Bà Bhling Thị Bơn - Chủ tịch UBND xã A Vương cho hay, từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nhì huyện Tây Giang (80 - 90%) đến nay giảm còn 52%. Đây kết quả từ sự quan tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền, sự đầu tư của Đảng, Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Cùng với phát triển kinh tế, giảm nghèo, bà con cũng bắt đầu chú trọng đến việc gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được bà con lưu giữ ngay trong đời sống hằng ngày.

Bà Bơn nói: “Hiện nay, bà con đã khôi phục và duy trì nghề dệt vải thổ cẩm, đan lát. Đặc biệt, gươl làng được khôi phục sát với nguyên bản. Ngoài ra, các giá trị văn hóa phi vật thể như bảo tồn các làn điệu dân ca, nói lý, hát lý, tổ chức các lễ hội truyền thống mừng lúa mới, cưới xin cũng được chú trọng. Nhờ đó, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng ngày càng thắt chặt, thân thiết hơn”.

HIỀN THÚY