Phổ biến pháp luật cho đồng bào vùng cao
Qua 5 năm (2017 - 2021) triển khai thực hiện đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi”, Ban Dân tộc tỉnh đã tập trung đưa chính sách bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực... đến từng hộ dân, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân vùng cao.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là nhiệm vụ quan trọng, tác động lớn đến đời sống cộng đồng vùng cao, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp xây dựng các chương trình “truyền thông số”, lồng ghép tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho người có uy tín.
Đồng thời biên soạn, in ấn và cấp phát hơn 5.000 tờ rơi với nội dung tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình; những hệ lụy, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… cho học sinh và người dân các huyện núi cao. Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết, xây dựng một cộng đồng thượng tôn pháp luật.
Ông Đặng Tấn Giản - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, để nâng cao nhận thức, hạn chế vi phạm pháp luật trong cộng đồng DTTS, đơn vị phối hợp xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú. Trong đó, lấy người dân làm chủ thể, câu chuyện pháp luật được chuyển tải theo từng việc làm và hành vi cụ thể, giúp người dân thấy được trách nhiệm và vai trò của mình trước cộng đồng.
“Hằng năm, chúng tôi phối hợp với các trường THPT, dân tộc nội trú tổ chức truyền thông, hội thi tìm hiểu về Luật Hôn nhân và gia đình, cách thức bài trừ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống một cách thiết thực và hiệu quả.
Lồng ghép trong các buổi tuyên truyền, nhiều hoạt động ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, tư vấn và hỗ trợ kiến thức về hậu quả do tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… cũng được triển khai, giúp học sinh vừa nâng cao nhận thức và kỹ năng sống, vừa phòng ngừa, giảm thiểu hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra” - ông Giản nói.
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Ban Dân tộc tỉnh đề xuất xây dựng mô hình điểm tại các xã vùng cao thuộc Nam Giang, Tây Giang, Nam Trà My, Phước Sơn…
Sau nhiều năm hoạt động, các mô hình này đã có kết quả đáng khích lệ, mỗi năm giảm hàng trăm trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ngoài ra, nhiều mô hình tuyên truyền chính sách dân tộc - miền núi cũng được thành lập và duy trì tại các địa phương, kịp thời chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với cộng đồng vùng DTTS.
Giảm thiểu vi phạm pháp luật
Trưởng ban Dân tộc tỉnh - ông Alăng Mai cho hay, cùng với chú trọng đưa thông tin về các chính sách mới của Trung ương, của tỉnh đến với người dân miền núi, đơn vị mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người có uy tín trong cộng đồng DTTS.
Đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân tộc cấp xã; cán bộ quản lý theo Chương trình 135. Thông qua các đợt tuyên tuyền, những năm gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật vùng đồng bào DTTS có xu hướng giảm dần, nhất là trong bình đẳng giới, bạo lực gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…
Cũng theo ông Mai, ngoài cộng đồng, các hoạt động nâng cao giáo dục pháp luật đang chú trọng nhiều hơn đến giới trẻ, học sinh tại các trường THPT ở miền núi. Các hoạt động tuyên truyền được lựa chọn triển khai theo nội dung phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; trong đó ưu tiên khu vực biên giới và địa bàn xảy ra vi phạm pháp luật nhiều.
“Thời gian tới, bên cạnh tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động về chính sách dân tộc cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, chúng tôi tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên truyền đảm bảo về phẩm chất, năng lực chuyên môn và am hiểu tâm lý, tập quán của đồng bào DTTS.
Trên cơ sở đổi mới và đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên tuyền, chúng tôi sẽ lựa chọn các giải pháp phù hợp và trọng tâm, đảm bảo mục tiêu ngăn ngừa, giảm thiểu vi phạm pháp luật trong cộng đồng DTTS” - ông Mai nhấn mạnh.
Thực tế những năm qua, bằng nhiều hoạt động tuyên truyền, đặc biệt là phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín trong cộng đồng, người dân tại các địa phương miền núi từng bước nâng cao nhận thức, cùng góp tiếng nói vào nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ bình yên cuộc sống.
Sau thời gian tuyên truyền, hàng trăm lượt người dân tình nguyện giao nộp vũ khí, cam kết cùng chính quyền không sử dụng chất gây nổ, xung điện; không săn bắt thú rừng, không đòi “của hồi môn” trong cưới hỏi…, góp phần nang cao chất lượng cuộc sống của đồng bào vùng cao.