Đa dạng hình thức tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam

THÀNH CÔNG 15/11/2021 11:01

Vận dụng linh hoạt các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, phát huy cách làm hay, sáng tạo phù hợp với từng địa bàn, đối tượng là những dấu ấn nổi bật qua 3 năm thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam, giai đoạn 2019 - 2021 trên địa bàn 6 tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Bình Định. Những nỗ lực này đã góp phần đưa Luật CSB Việt Nam đi vào cuộc sống, góp phần thực thi pháp luật, lan tỏa ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Cảnh sát biển tặng radio, hướng dẫn ngư dân Tam Quang (Núi Thành) sử dụng để nắm bắt thông tin khi đánh bắt trên biển. Ảnh: T.C
Cảnh sát biển tặng radio, hướng dẫn ngư dân Tam Quang (Núi Thành) sử dụng để nắm bắt thông tin khi đánh bắt trên biển. Ảnh: T.C

Sâu rộng trong cơ sở

Theo đánh giá của Bộ Tư lệnh Vùng CSB 2, qua 3 năm triển khai thực hiện đề án trên, những nội dung cơ bản của Luật CSB Việt Nam và Nghị định số 61/2019/NĐ-CP đã được tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc. Ý thức tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định liên quan đến Luật CSB Việt Nam được đẩy mạnh.

Đại tá Lê Huy Sinh - Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng CSB 2 cho hay, trong quá trình triển khai, cấp ủy, chính quyền các địa phương thường xuyên quan tâm theo dõi, kiểm tra hướng dẫn kịp thời. Ngoài ra, phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu, đề xuất, nhiều đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện đề án phù hợp thực tế từng địa bàn, đối tượng.

“Những nội dung trọng tâm đã được thực hiện đảm bảo khoa học, phù hợp với thực tiễn và đối tượng tuyên truyền. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều địa phương đã nghiên cứu, lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp, triển khai nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến Luật CSB tới nhân dân trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện đề án tuyên truyền” - Đại tá Lê Huy Sinh nhận định.

Tại địa bàn Quảng Nam, 3 năm qua các cấp, ngành, lực lượng vũ trang tỉnh vừa duy trì phối hợp tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vừa linh hoạt tổ chức những hoạt động phù hợp với đặc thù, yêu cầu phòng chống dịch bệnh.

Hình ảnh người chiến sĩ CSB, các nội dung cơ bản của Luật CSB không chỉ được tuyên truyền cho ngư dân, mà còn mở rộng ra đối tượng học sinh, sinh viên, đến với người dân miền núi cao thông qua các chương trình dân vận do Bộ Tư lệnh Vùng CSB 2 phối hợp với các ban, ngành, địa phương thực hiện.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo đề án cấp tỉnh, các cơ quan, địa phương, đơn vị đã nghiên cứu biên soạn, cấp phát hàng trăm nghìn tờ rơi, tờ gấp có nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật CSB Việt Nam; hàng nghìn đầu sách pháp luật, sách hỏi đáp về Luật CSB Việt Nam phục vụ tuyên truyền, phổ biến tại cơ sở...

Ngư dân Trương Công Ba (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) cho biết, do dịch Covid-19 nên tàu cá phải nằm bờ dài ngày. Lực lượng CSB đã kịp thời sẻ chia, đến thăm hỏi, tặng gạo, nhu yếu phẩm và một khoản tiền mặt, động viên ngư dân cố gắng vượt qua khó khăn, từng bước ổn định đời sống.

“Thông qua chính quyền địa phương, CSB đã đến giúp đỡ, đồng thời trao tặng sách, tờ rơi tuyên truyền. Nhờ những tài liệu này mà trong thời gian tàu nằm bờ tôi có điều kiện được tìm hiểu, nắm rõ hơn nhiều quy định rất quan trọng đối với ngư dân, không vi phạm pháp luật trên biển cũng như có thêm thông tin về cách thức liên lạc, đề nghị hỗ trợ khi đánh bắt trên biển sau này” - ông Ba nói.

Duy trì hiệu quả

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, thời gian qua, UBND tỉnh và các sở, ban ngành, địa phương đã phối hợp thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật CSB Việt Nam với nhiều hình thức phong phú, nhất là Chương trình “CSB đồng hành cùng ngư dân”, “CSB đồng hành cùng đồng bào dân tộc, tôn giáo”.

“Những hoạt động của lực lượng CSB vừa khẳng định được mối đoàn kết, gắn bó giữa quân với dân, vừa góp phần làm nổi bật hình ảnh của lực lượng CSB luôn sát cánh cùng dân, quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Thông qua hoạt động tuyên truyền, bà con nắm bắt được các kiến thức pháp luật quan trọng, khắc phục được những vi phạm trong đánh bắt trên biển, tham gia tốt việc bảo vệ chủ quyền” - ông Hồ Quang Bửu nhận định.

Không chỉ xoay quanh việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về quản lý, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc; Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế về biển mà Việt Nam là thành viên; Luật CSB Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành, đề án đã góp phần quan trọng để nâng cao nhận thức ngư dân.

Đặc biệt, sau khi Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam - Trung Quốc kết thúc hiệu lực vào ngày 1.7.2020, việc đánh bắt trên biển có nhiều thay đổi so với trước. Đề án cũng đã đề cập một số điểm lưu ý cho ngư dân khi đánh bắt xa bờ, tuyên truyền cho ngư dân khắc phục tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Ngoài ra, còn gắn thêm nội dung vận động nhân dân, ngư dân khai thác, sử dụng tài nguyên biển một cách hiệu quả và bền vững gắn với việc nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng xây dựng thế trận lòng dân trên biển vững chắc, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đại tá Lê Huy Sinh chia sẻ, trước đây, nhận thức về pháp luật của ngư dân còn hạn chế đã ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật trên biển.

“Đề án tuyên truyền, phổ biến Luật CSB Việt Nam ra đời đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác, tích cực tìm hiểu Luật CSB Việt Nam và chấp hành pháp luật của các cấp chính quyền, ngư dân, học sinh, sinh viên và ngày càng mở rộng ra nhiều đối tượng, địa bàn.

Việc thực hiện đề án này là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài, thời gian tới Bộ Tư lệnh Vùng CSB 2 sẽ tiếp tục đổi mới hình thức, tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp từng bối cảnh cụ thể để đáp ứng mục tiêu đề án đặt ra” - Đại tá Lê Huy Sinh nói.

THÀNH CÔNG